BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC

Đúc đồng làng Ngũ Xã - Tinh hoa đất Thăng Long
Ngày đăng 13/06/2024 | 11:34 PM  | View count: 13

Ngạn ngữ Hà Nội có câu “Lĩnh hoa Yên Thái Đồ gốm Bát Tràng Thợ vàng Định Công Thợ đồng Ngũ Xã” Câu nói đó dường như đã gói gém tất cả những thông tin về một số làng nghề thủ công nổi tiếng trên đất kinh kỳ xưa.

Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Lê sơ (1428-1527), triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi của năm xã thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên) về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Những người thợ về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân lấy tên là Ngũ Xã. Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch, thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Được hình thành từ thế kỷ XVII, làng nghề Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã đã tồn tại gần 500 năm, từng là một trong bốn làng nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Thuở sơ khai, Ngũ Xã có hơn 20 xưởng đúc, trong đó mỗi xưởng là một ngôi nhà lớn với một lò đồng gồm hai tầng: tầng thứ nhất dùng để nấu đồng và tầng thứ hai làm khuôn nướng. Công nhân của mỗi xưởng đều thuộc cùng một đại gia đình, làng xã hoặc người học nghề.


Nghề đúc đồng chủ yếu dành cho nam giới, còn phụ nữ thu mua nguyên liệu thô. Các sản phẩm hoàn chỉnh được phụ nữ, học viên hoặc trẻ nhỏ đem đi mài, đánh bóng, rồi đem bán tại các cửa hàng trên phố Hàng Đồng.


Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển, các nghệ nhân tài hoa cho ra các sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, như: tượng phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự, mâm, nồi, chậu đồng... Dân làng đúc đồng Ngũ Xã trở nên quen thuộc gần gũi với người dân khắp mọi miền đất nước.


Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, người dân làng nghề qua các thế hệ đã vượt qua nhiều khó khăn của biến động lịch sử của đất nước, quyết tâm truyền nghề và giữ lấy nghề không bị mai một.


Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã với các làng nghề đúc đồng khác chính là kỹ thuật đúc liền khối. "Kỹ thuật đúc liền khối là một kỹ thuật vô cùng khó và phức tạp, đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ năng cao trong tất cả các công đoạn. Hiện kỹ thuật này vẫn là bí quyết riêng của làng Ngũ Xã", ông Nguyễn Văn Ứng (64 tuổi, nghệ nhân đúc đồng cao tuổi nhất làng Ngũ Xã) chia sẻ. Việc đúc liền khối những sản phẩm nhỏ đã không hề đơn giản, nên đối với những sản phẩm có kích thước lớn thì khó khăn này càng nhân lên gấp bội. Để đúc thành công một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với sản phẩm thuộc loại vừa và nhỏ thì mất khoảng ba đến bốn tháng mới hoàn thành, còn với các sản phẩm lớn như chuông, tượng thời gian có thể tính bằng năm.


Người thợ đúc đồng là những người thợ khéo tay và người thợ phải nắm rõ tất cả các kỹ thuật của quy trình: Tạo hình - đúc - làm nguội và đánh bóng. Thông thường vật mẫu được làm bằng đất sét chuyên ngành điêu khắc, hoặc bằng thạch cao, thậm chí là nhôm. Cái khó nhất là làm sao lột tả được cái thần của sản vật trong từng chi tiết. Công việc này đỏi hỏi người thợ phải có con mắt nghệ thuật cũng như có những hiểu biết nhất định về đối tượng cũng như hoàn cảnh lịch sử. Tiếp sau khâu làm mẫu là khâu tạo khuôn. Để tạo khuôn người thợ phải dùng đất phù sa (sạch sạn) và giấy bản xay nhuyễn thành loại đất có độ dai vừa phải. Trước khi dùng đất đắp khuôn phải rắc một lớp bột vôi hoặc quét một lớp dầu lên vật mẫu để tránh không bị dính khuôn. Cách làm khuôn ở làng Ngũ Xã cầu kì hơn các nơi khác ở chỗ, sau khi đắp các lớp áo, người thợ sẽ đợi cho khô mới tiến hành “vỗ khuôn” để các đường nét, chi tiết của vật mẫu ăn vào khuôn trở nên sắc nét hơn.


Nấu đồng là khâu thể hiện tài năng của người thợ. Để có một nồi nước đồng tốt, người thợ phải lựa chọn loại than già để đảm bảo khi nấu đồng không bị khê. Sửa nguội là phần quan trọng trong việc hoàn thiện sản phẩm đồng. Các sản phẩm sau khi được dỡ từ khuôn ra sẽ được cắt bỏ phần thừa, vá hoặc hàn những bộ phận còn khuyết. Người thợ sẽ tiến hành mài, dũa các sản phẩm trước khi chúng được chuyển sang khâu chạm khắc, là nơi người thợ trau chuốt lại các đường nét, hoa văn, họa tiết trên mặt sản phẩm. Đánh bóng bằng giấy giáp mềm và sau đó tiến hành lên màu là những khâu cuối cùng trong việc hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm lên đến trình độ nghệ thuật. 


Các sản phẩm đồng của làng Ngũ Xã làm ra luôn tạo được sự khác biệt với các sản phẩm nơi khác. Đó là “màu mắt cua” của đồng mà không nơi nào bắt chước được. 


Làng Ngũ Xã nổi tiếng nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng vô cùng tinh xảo. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, tiêu biểu phải kể đến các bức tượng nổi tiếng như pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh với chiều cao khoảng 3,9m, nặng khoảng 4 tấn và pho tượng Phật Adiđà cao 3,95m, chu vi tượng 11,6m, nặng hơn 10 tấn toạ trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng kỳ vĩ, độc đáo, tinh tế trên mọi phương diện. Các bức tượng này đều được đúc nguyên khối mà không có một khiếm khuyết đúc nào. 


Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã trước đây và cả hôm nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân kinh thành Thăng Long xưa và nay.


Ngân An