BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC

Độc đáo Sen Hồ Tây
Ngày đăng 13/06/2024 | 11:25 PM  | View count: 9

Sen Hồ Tây đã trở thành một loài hoa quen thuộc với người dân Hà Nội mỗi dịp hè về. Sen Hồ Tây thường nở rộ từ khoảng giữa tháng 5 đến cuối tháng 7. Khi nở, sen Hồ Tây có màu hồng phớt, bên trong có nhiều tầng cánh hoa, hạt sen nhỏ và mẩy. Mùi hương sen Hồ Tây nồng nàn hơn hẳn các loại sen khác.

Trong tiết trời mùa hè nóng nực, hoa sen thơm ngát, vừa nhâm nhi một tách trà sen vừa ngắm hoa sen đã trờ trở thành một thú vui tao nhã của người dân Hà thành. Để có được những đóa hoa sen Tây Hồ đẹp, tỏa hương thơm ngát, người trồng hoa cũng rất vất vả, một nắng hai sương. Thời gian gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, các đầm sen xung quanh Hồ Tây bị ảnh hưởng, sản lượng hoa sụt giảm. Nhằm lưu giữ và bảo tồn giống sen quý của Hồ Tây, Quận Tây Hồ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố triển khai dự án khôi phục các đầm sen xung quanh Hồ Tây với diện tích 7,5ha, trồng cả sen nước và sen cạn. Dự án này bước đầu đã thành công trong đó nổi bật là giống sen Bách diệp. Để hoa sen nở đúng vào dịp tháng đầu tháng 7 - thời gian diễn ra Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, người trồng sen đã phun sương tạo độ ẩm, chiếu đèn vào ban đêm để kích thích hoa sinh trưởng, cho bông hoa sen nở đúng vào dịp đầu tháng 7. 


Lễ hội Sen Hà Nội là hoạt động được tổ chức dựa trên sáng kiến của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội nhằm góp phần đưa công tác đối ngoại nhân dân xứng tầm Thủ đô, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Hà Nội “Văn minh-Văn hiến-Hiện đại”, Thành phố vì hòa bình đặc biệt là tập trung vào các hoạt động ngoại giao văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo người dân cũng như bạn bè quốc tế. 


Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức sẽ bao gồm chuỗi các hoạt động: Khai mạc Triển lãm trưng bày ảnh “Sen với cuộc sống” và các phẩm mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt về Sen, Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật cùng màn trình diễn Áo dài Vũ điệu Sen, các gian hàng OCOP trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm về sen với sự tham gia của các Đại sứ quán và các doanh nghiệp trong nước, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn và những người bạn, Lễ diễu hành xe đạp với chủ đề Sen xung quanh Hồ Tây, Tọa đàm về phát triển Sen,… Lễ khai mạc và các hoạt động chính của Lễ hội sẽ diễn ra tại Không gian sáng tạo nghệ thuật và ẩm thực Tây Hồ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ban Tổ chức kỳ vọng với việc tổ chức Lễ hội lần này sẽ dành sự tôn vinh xứng đáng cho hoa Sen và cũng là dịp Quận Tây Hồ sẽ tổ chức đón nhận danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia đối với tri thức làm trà Sen Quảng An. 


Nhắc đến sen Hồ Tây, ngoài hoa sen thì phải kể đến trà sen. Khi những đầm sen ở quanh khu vực Hồ Tây nở rộ cũng là lúc người làm nghề ướp trà sen tất bật vào vụ mới. Trung bình, để làm ra được 1 kg trà sen khô loại thượng hạng thì cần đến 1.000 bông sen tươi và phải trải qua 7 lần tẩm ướp với quy trình rất kỳ công.


Từ xa xưa, khu vực Hồ Tây trồng rất nhiều sen, người dân đã biết cách lấy chè Thái Nguyên đem ướp với dòng hoa sen Bách Diệp được trồng ở Hồ Tây cho ra một hương vị trà rất đặc biệt. Vì vậy, sen Hồ Tây được chọn là nguyên liệu chính làm nên loại trà mệnh danh "đệ nhất Hà thành".


Bà Ngô Thị Thân - một người đã có trên 70 năm làm trà sen cho biết: Trà sen không lạ nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp trăm cánh được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo. Mỗi năm vào tháng 6, tháng 7, khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen nơi đây tất bật vào vụ. Theo những người làm nghề ướp trà sen, thời điểm hái bông sen có vai trò quan trọng tới chất lượng của việc ướp trà. Sen phải được hái lúc tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn chưa tan. Từng bông sen được hái thật nhanh với những thao tác nhẹ nhàng để búp sen không nhàu nát. Sau đó bông sen được đưa về nhà, người làm trà thực hiện các công đoạn bóc cánh, tách gạo sen (thứ được ví như túi hương của bông sen). Để thu được 100g gạo sen sẽ cần khoảng 900 - 1.000 bông hoa. Tách gạo sen là công đoạn khó nhất đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và lưu giữ được mùi hương. Từng khâu để ra được thành phẩm là sen trà rất tỉ mỉ, nếu không xem tận mắt, mọi người khó mường tượng ra. Chính vì thế, trà sen hiện có giá bán từ 7 - 10 triệu đồng 1 kg.


Việc chọn chè để ướp cũng không kém phần quan trọng, chè được chọn là loại chè khô nhưng chưa vào hương. Chè được đem ướp với những cánh hoa sen, gạo sen. Để ướp được 1kg chè sen phải cần tới 1.500 bông hoa sen và để mẻ chè đượm hương sen phải đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy.


Thời gian gần đây, một số gia đình ở Quảng An còn làm chè bông sen. Theo đó một nắm nhỏ chè được cho vào bên trong bông hoa sen, sau đó được gói lại rồi dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi được ngậm chè sẽ được cắm vào nước qua một đêm cho hương sen thấm quyện vào chè. Thậm chí sau đó bông sen được cho vào túi “hút chân không” để người dùng mua về cất vào tủ lạnh dùng dần. Âu cũng là một cách nhanh gọn, hợp túi tiền để mọi người có điều kiện để thưởng thức trà sen. 


                                                                                      Bảo Anh