BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC

Việt kiều Thái Lan vẽ hơn 100 bức tranh về Bác Hồ
Ngày đăng 13/06/2024 | 11:31 PM  | View count: 12

Xuất phát từ tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với quê hương đất nước, họa sĩ Đào Trọng Lý sinh ra trong một gia đình Việt kiều yêu nước tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), nguyên quán tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông từng là quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom, Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom, đồng thời tham gia dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều. Hiện nay, ông là Trưởng ban Cố vấn của Tổng hội Việt kiều tại Thái Lan.

Họa sĩ Đào Trọng Lý thích hội họa từ bé nhưng gia đình không có điều kiện cho ông theo học hội họa. “Ngay từ lúc còn nhỏ, khi bắt đầu có những nhận thức, hiểu biết về Việt Nam, được cha mẹ, ông bà dạy dỗ là luôn hướng về quê hương, luôn tin tưởng theo Bác Hồ. Khi ấy, miền Bắc đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam đang trong quá trình đấu tranh để thống nhất nước nhà. Tôi vẫn nhớ, được nghe giọng của Bác trên đài phát thanh, từ Thủ đô Hà Nội phát cả ở trong nước và nước ngoài. Đó là những lần Bác chúc Tết đầu xuân. Tuy chỉ nghe giọng của Bác, không có hình nhưng cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng”. Đến lúc lớn lên đi làm, vừa làm cán bộ, vừa làm giáo viên. Đến năm 2013, sau chuyến thăm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan được nâng cao tầm chiến lược, tỉnh Nakhon Phanom xây dựng khu tưởng niệm Bác Hồ bởi trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian sống và hoạt động ở Thái Lan từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929. Khi ấy tôi được giao là Trưởng ban Quản lý xây dựng nên tôi có ý tưởng về phòng trưng bày những hoạt động của Bác Hồ. Tôi đã tìm trên các trang mạng các hình ảnh màu đen trắng, sau đó nghiên cứu để vẽ rồi hòa màu và vẽ sao cho đúng thực tế. 


Trong tranh của ông quá trình hoạt động cách mạng của Người, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng được thể hiện qua những nét vẽ mộc mạc, chứa đựng tình cảm sâu sắc về vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng rất giản dị trong cuộc sống đời thường, chan hòa tình yêu thương nhân dân. Họa sĩ Đào Trọng Lý vẽ với mong muốn những bức tranh của mình sẽ giúp kiều bào tại Thái Lan cũng như những người Thái có cái nhìn trực quan, hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác Hồ.


Khi đặt bút vẽ, ông luôn trăn trở để làm sao họa được thần thái của Người, chuyển tải được tấm lòng, tình cảm của nhân dân đối với Bác. Vì vậy, ngoài các tác phẩm ảnh sưu tầm được, ông tìm thêm rất nhiều sách về lịch sử Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, tìm hiểu kỹ giai đoạn này Bác Hồ mặc trang phục như thế nào, trang phục của đồng bào các dân tộc ra sao… Có lẽ vì thế nên tác phẩm dù trên chất liệu sơn dầu hay màu nước, với nhiều sắc màu, vẫn được người xem nhận xét là chân thật, sinh động, kể cả những tác phẩm không thể hiện rõ nét khuôn mặt Bác như bức tranh vẽ về Bác Hồ thăm lại chiến trường xưa. Đến nay, ông đã vẽ trên 150 bức tranh về Bác và mới chỉ họa được khoảng 1% trong tổng số ảnh có giá trị về Bác Hồ mà ông đã sưu tập được. Hiện nay, nhiều tác phẩm đã được ông trao tặng các cơ quan, tổ chức đoàn thể ở trong nước và nước ngoài. Nhiều tác phẩm vẫn được trưng bày tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Dù là họa sĩ không chuyên, nhưng tranh của ông Đào Trọng Lý vẽ rất đẹp, không kém gì họa sĩ chuyên nghiệp. Mới đây, tranh của ông lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thái-Việt tại tỉnh Nakhon Phanom tổ chức. Sau triển lãm, những bức tranh vẽ từ trái tim này được ông Đào Trọng Lý tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Họa sĩ Đào Trọng Lý mong muốn, những bức họa vẽ dẫu chưa thật sáng tạo nhưng xuất phát từ trái tim sẽ bồi đắp thêm tình yêu Bác Hồ cho không chỉ kiều bào tại Thái Lan mà cho bất cứ người xem tranh. Đây cũng là cơ hội để công chúng trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, về vị lãnh tụ vĩ đại, giàu lòng bác ái, thanh bạch và dung dị trong cuộc sống đời thường. Qua đó góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng học tập và noi theo.

 

   Nguyễn Hiền t/h