VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Vài nét về văn hóa vỉa hè ở Hà Nội
Ngày đăng 25/01/2022 | 2:13 PM  | View count: 1941

HAUFO - “Quán cóc liêu xiêu một câu thơ”, việc sinh hoạt, buôn bán trên những con phố vỉa hè, theo thời gian; đã trở thành một nét văn hóa, một đặc trưng khiến người ta nhớ ngay đến Hà Nội.

Vỉa hè là bộ phận cao hơn, nằm bên cạnh một con đường. Hai bên vỉa hè thường là lối đi bộ, hoặc là nơi bố trí các hạ tầng kỹ thuật đô thị như bốt điện, cột đèn,... Nhưng đối với người dân Hà Nội, vỉa hè là một nơi chứa đầy ký ức.

 

Từ văn hóa ẩm thực vỉa hè…

 

Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, vì đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch bệnh, thành phố phải đóng cửa những quán ăn vỉa hè, chỉ cho bán mang về. Các con phố trở nên thưa thớt và vắng bóng những tiếng rao.

 

Không ai biết những quán ăn vỉa hè xuất hiện từ khi nào. Điều đặc biệt nhất trong ẩm thực Hà Nội, là hầu hết những quán hàng ngon, lâu đời và nổi tiếng đều là quán vỉa hè. Có thể kể đến phở gánh Hàng Chiếu, bún đậu Gốc đa, cháo lòng Ô Quan Chưởng,... Người Hà Nội luôn có tâm lý phải ăn ngoài đường thì mới thoải mái.

 

Nộm - Món ăn vặt vỉa hè nổi tiếng

 

Ăn đã vậy, uống cũng thế. Văn hóa trà đá và cà phê của Hà Nội cũng được mọi người biết đến và nhớ tới. Trà đá vỉa hè xuất hiện ở mọi góc phố, nhất là trong khu phố cổ. Một chiếc ấm, đặt trên chiếc bàn dài những cốc, kẹo cao su, các loại nước đóng chai xanh đỏ; vài cái ghế, điếu cày,... là có ngay một hàng trà đá. Thói quen của người Hà Nội sau mỗi bữa sáng là sẽ ngồi lề đường uống một cốc trà đá.

 

 

…tới những dịch vụ bình dân như cắt tóc, bơm vá xe

 

Các hàng cắt tóc vỉa hè trở nên đắt khách sau đợt giãn cách dài, hồi tháng 9/2021. Có lẽ vì lý do ở mặt đường, thoáng đãng và không tiếp xúc với nhiều người nên những tiệm này còn đông hơn những salon tóc hiện đại.

 

Một dịch vụ cũng đã trở thành “thương hiệu” của Thủ đô, đó là bơm vá xe vỉa hè. Chỉ cần một biển hiệu nho nhỏ, một cái bơm, một bộ dụng cụ là các ông, các bác trung niên đã có thể hành nghề. Dịch vụ này thường xuất hiện ở các góc phố như bên cạnh những quán trà đá, quanh Hồ Hoàn Kiếm hoặc Hồ Tây.

 

Trong xu thế kinh doanh hiện đại, dịch vụ vỉa hè phải cạnh tranh với các cửa hiệu khác to lớn và chuyên nghiệp hơn, nhưng một bộ phận người lớn tuổi vẫn thích ngồi chờ đợi, tin dùng những dịch vụ thế này. Đây cũng là một nét văn hóa luôn tồn tại trong đời sống của người Hà Nội.

 

Và đôi gánh hàng rong

 

Dù cho quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, nhưng trên những con đường, vẫn tồn tại những gánh hàng rong từ thập niên trước. Có khác đi, là những đòn gánh đã được thay thế bằng những chiếc xe đạp. Người Hà Nội có thể mua được mọi thứ trên gánh hàng rong: nào những rau củ, hoa quả, thậm chí cả những món ăn. Trong “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng cũng đã dành sự ưu ái của mình cho phở gánh, hơn là những quán phở có biển hiệu khác.

 

 

Gánh rong bán hoa quả, dễ gặp nhất là trên khu phố cổ. Còn khu Hồ Tây, đẹp nhất là những chiếc xe chở đầy hoa trong một ngày thu nắng đẹp. Những bó hoa được các cô, các bà gói thành bó, để cho chị em mua về trang trí nhà cửa, hoặc thành phụ kiện chụp ảnh “sống ảo”. Thành phố trở nên đẹp, nên thơ hơn nhờ những xe hoa này.

 

 

Cho tới nay, có rất nhiều ý kiến liên quan tới vấn đề: Văn hóa vỉa hè liệu có làm hình ảnh Thủ đô trở nên xấu đi? Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, họ cũng có văn hóa vỉa hè, tuy nhiên rất trật tự và được quy định chặt chẽ. Rõ ràng văn hóa vỉa hè là cần thiết, nhưng đòi hỏi sự quan tâm, quản lý sát sao.

 

Nguyễn Hương Giang