VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Học qua Di sản
Ngày đăng 04/11/2018 | 10:55 PM  | View count: 175

Văn Miếu vốn là nơi thu hút rất đông đảo học sinh, sinh viên vào tham quan, nhưng với mục đích tâm linh là chủ yếu. Vậy làm thể nào để những bạn trẻ đến với Văn Miếu hiểu được giá trị thực sự của Di sản này, và trân trọng, yêu mến những gì cha ông ta để lại. Một chương trình học tập thông qua Di sản đang được bước đầu ứng dụng cho một số trường tiểu học tại Hà Nội và thu được kết quả tốt đẹp.

Học từ hiện vật

Khác với kiểu tham quan thụ động thường thấy, là học sinh cả một trường đến cùng một lúc, đứng nghe hướng dẫn viên thuyết minh câu được câu chăng, hết buổi đi về mà không biết có lọt được thông tin nào vào trí nhớ không, mô hình tham quan- học tập ở Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng gọn nhẹ, phù hợp với một hoặc một vài lớp học, mang tên “Lớp học xưa”.

Ở đây, học sinh không phải là tham quan mà giống như đang được tham gia vào những trò chơi liên quan đến nhau. Học sinh được tổ chức thành những nhóm nhỏ khoảng 15 em, ban đầu sẽ được xem hiện vật kiểu “trực tiếp”, tức là tự tay chạm, sờ vào hiện vật đã được các cô chú hướng dẫn viên mang xuống. Nhiều em lần đầu tiên được chạm vào bộ quần áo thầy đồ, bút nghiên, được biết thế nào là mài thỏi mực tàu để viết bằng bút lông… Các cô hướng dẫn còn kể những câu chuyện về lớp học ngày xưa, về cách các thầy kiểm tra trò có cầm bút chắc hay không bằng cách giật bút khi trò đang viết.

Sau khi đã biết qua khái niệm thế nào là một ông đồ và một lớp học thời xưa, các em sẽ tự tổ chức một lớp học thời xưa với học trò khoanh tay thi lễ thầy, với những bài học đơn giản nhưng sâu sắc đầu đời. Thậm chí, có cả những bài học “vỡ lòng” của sách Tam Tự Kinh được đưa vào để các bạn học sinh hiểu thêm về tiếng Hán, thứ ngôn ngữ của cha ông từng sử dụng để ghi lại tất cả những điều liên quan đến cuộc sống, để từ đó có thái độ trân trọng với chữ nghĩa.

Những kết quả

Những lớp học đầu tiên tham gia chương trình học này của Văn Miếu Quốc Tử Giám là lớp 1 và lớp 4 của các trường tiểu học Nghĩa Tân và Lý Thường Kiệt. Điều làm các thầy cô giáo và các cán bộ phòng Giáo dục của Văn Miếu bất ngờ nhất là sự hòa nhập rất nhanh và tự tin của các em. Nhóm lớp 1 và nhóm lớp 4 với những cách tiếp cận riêng đã cho thấy những kết quả hết sức thú vị. Các em vẽ tranh, đố vui, tìm hiện vật trong phòng trưng bày và đánh dấu vào tờ phiếu. Ở lớp lớn hơn, các em đọc thơ, đặt vè, sáng tác và thậm chí còn tự dàn dựng hoạt cảnh lớp học xưa với thầy đồ, học trò… Điều lý thú là các em hào hứng và vui vẻ thực sự khi tự mình tham gia vào các hoạt động này, như cô giáo Nguyễn Kim Toàn, phụ trách lớp 4 thuộc trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa cho biết, thì các em rất thích, tự đặt ra vè và bài hát, và sau khi kết thúc chương trình, em nào cũng háo hức mong muốn được quay trở lại.

Cô giáo Chung Thủy (Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết, năm nay trường đã tổ chức cho các em học sinh lớp 1 tham quan mô hình “Lớp học xưa”. Các con được tham gia nhiều hoạt động như quan sát, tìm hiểu hiện vật, kể chuyện, vẽ, nặn đất, và những kiến thức các con thu lượm được thể hiện qua những sản phẩm hết sức cụ thể. Cô Thủy nhấn mạnh, những kết quả này khi tổ chức trong lớp học bình thường thì không được như vậy, hơn thế nữa, giáo viên còn nắm được rõ học sinh của mình tiếp thu được cái gì.

Mô hình này phù hợp với học sinh ở hai lớp 4 và 5, vì theo các chuyên gia, lứa tuổi này ham đọc, ham học hỏi, nhưng cũng vẫn còn hồn nhiên và dễ tuân theo các yêu cầu của giáo viên hoặc người hướng dẫn hơn, chưa bộc lộ rõ cá tính như các lớp trên và cũng không còn quá bé như các lớp dưới.

Thành công của mô hình này đang mở ra những hướng tiếp cận và khai thác mới đối với hệ thống di sản ở Hà Nội và trong cả nước nói chung, khởi đầu từ những lớp học vui vẻ được xây dựng riêng cho học sinh, rồi tiến tới xây dựng những mô hình tìm hiểu cho khách du lịch, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch và thu hút đông đảo du khách hơn…

Một số nơi khác cũng đang xây dựng những mô hình học tập như thế này và khá thành công, như “Em làm nhà khảo cổ” của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, hay CLB “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Chương trình “Em làm nhà khảo cổ” mới đầu chỉ tổ chức sáng chủ nhật, sau đã phải mở rộng sang sáng thứ 7 và luôn luôn quá tải. Còn CLB “Em yêu lịch sử” vẫn đều đặn hoặt động từ năm 2007 đến nay.

Có nhiều hướng để khai thác tốt di sản phục vụ cho giáo dục và bảo tồn, đồng thời dùng di sản nuôi di sản, nhưng điều quan trọng nhất là phải tạo những sức hấp dẫn nhất định. PGS, TS Bùi Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, giáo dục nghệ thuật trước hết phải mang niềm vui đến cho người học. Khi chúng ta quá đưa các yếu tố kỹ thuật vào sẽ vô tình khiến cho các em nhỏ thấy học khó. Chính vì thế, để có một chương trình thật tốt cho học sinh, Văn Miếu Quốc Tử Giám cần hướng tới việc giáo dục nghệ thuật mang lại niềm vui cho các em. Các kỹ thuật và kỹ năng chỉ nên đưa vào những bậc học cao hơn.

Bà Hoàng Yến (Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long) cho rằng, hướng khai thác của Văn Miếu Quốc Tử Giám là hướng khai thác đúng, là một cách đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao, ngoài việc xây dựng những chương trình hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi và hoạt động của các em nhỏ, cũng cần có sự thay đổi về nhận thức từ cả phía nhà trường về hoạt động ngoại khóa, cũng như cần sự chung tay của cả Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bà Phạm Thanh Hường, đại diện UNESCO Việt Nam thẳng thắn cho rằng, chương trình gặt hái thành công bởi di sản có vị trí thuận lợi về giao thông, thông tin, về nhận thức và điều kiện của các phụ huynh. Những chương trình như thế này rất cần nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác. “Điều quan trọng là sự thay đổi về nhận thức chứ không chỉ là thu nhận kiến thức. Từ mô hình này, có thể tiến tới đa dạng hóa sản phẩm cho khách du lịch và công chúng nói chung” – bà Hường chia sẻ.

Theo NDO