hà nội - thành phố vì hòa bình

Chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ linh thiêng
Ngày đăng 09/02/2023 | 12:08 AM  | View count: 155

Thủ đô Hà Nội là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử hàng nghìn năm, nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đặc trưng cho một nền văn hóa tâm linh bao đời tiếp nối. Trong đó, ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và lâu đời nhất Thăng Long đó là Chùa Trấn Quốc - một điểm dừng chân có giá trị về tâm linh, sẽ mang đến cho ta góc nhìn thú vị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, đã tồn tại gần 1.500 năm của Việt Nam.

Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ ở Việt Nam tọa lạc trên một gò đất, trông xa xa giống hệt như một hòn đảo nhỏ. Bao quanh chùa là làn nước xanh biếc, chẳng khác gì một bức tranh sơn thủy hữu tình. Thời nhà Lý - Lê, Trấn Quốc Tự là trung tâm Phật Giáo của kinh thành Thăng Long. Năm 2021, ngôi chùa này vinh dự nằm trong danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn.

 

Chùa Trấn Quốc mang nét bình yên mà cổ kính giữa lòng Hà Nội Ảnh: Vietgoing

 

Trấn Quốc Tự được xây dựng từ thời Tiền Lý, thế kỷ thứ VI. Ban đầu, chùa có tên là Khai Quốc, năm 1440, vua Lê Thái Tông đổi tên chùa thành An Quốc với mong muốn đất nước an bình, trường tồn. Đến thời vua Lê Kính Tông, tức năm 1615, chùa được di dời vào khu vực đê Yên Phụ, dựng lại trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàn Nguyên nhà Trần. Năm 1639, chúa Trịnh cho tu sửa lại cổng tam quan và làm hành lang 2 bên tả, hữu. Chùa có tên Trấn Quốc từ thời vua Lê Hy Tông. Đầu thời nhà Nguyễn, chùa được tôn tạo trên quy mô hoành tráng, đúc chuông và đắp thêm tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng ngự giá, ban cho chùa 20 lạng bạc để trùng tu và mở rộng. Đến năm 1842, chùa được vua Thiệu Trị ban 1 đồng vàng lớn cùng 200 quan tiền, đồng thời đổi tên chùa Trấn Quốc thành Trấn Bắc. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi ngôi chùa này bằng cái tên Trấn Quốc và giữ mãi cho đến ngày nay. Trải qua thời gian, Trấn Quốc Tự được tôn tạo, tu bổ và bổ sung thêm nhiều hạng mục, mang đến vẻ đẹp trang nghiêm cho ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi.

Trấn Quốc Tự là ngôi chùa theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và Phật Bà Quan Âm. Bên cạnh đó, chùa còn có ban thờ Chu Thương, Quan Vũ, Quan Bình, Đức Ông và các thị giả.

 

Nhà Tiền đường năm phía sau nhà Tam Bảo Ảnh: Vietgoing

 

Nhìn từ trên cao, chùa có dạng hình chữ Công với 3 phần chính là Thượng điện, Tiền đường và Nhà Thiêu hương. Ngoài ra, Cửu phẩm liên hoa hay Bảo tháp cũng là điểm nhấn thú vị trong tổng thể công trình. Bảo tháp lục độ đài sen là công trình được xây dựng từ năm 1998 đến 2003, tạo thành khu vườn tháp cho chùa. Tòa Bảo tháp có tổng cộng 11 tầng, diện tích khoảng 10,5 m2. Bên trong Bảo tháp có tượng Phật A Di Đà được làm từ đá quý và khoảng 66 pho tượng khác.

 

Chùa Trấn Quốc nhìn từ trên cao

 

Bên trên Bảo tháp có một tòa sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) đúc từ đá quý. Trông xa xa, Cửu phẩm liên hoa như một đóa sen đang nở rộ, sáng lấp lánh và tỏa ngát hương thơm. Bảo tháp chùa Trấn Quốc được đánh giá là công trình mang đậm tính mỹ thuật, vừa giữ được nét mềm mại, uyển chuyển cho kiến trúc tổng thể vừa tăng thêm phần uy nghi, lộng lẫy. Tiền đường của ngôi chùa được xây dựng ở phía tây, đằng sau là Nhà Tam bảo, 2 dãy hành lang 2 bên chính là Thượng điện và Nhà Thiêu hương. Tiền đường là nơi đặt rất nhiều pho tượng Phật và Quan Công. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến pho tượng Phật Thích Ca Nhập Niết bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Đây cũng chính là pho tượng Niết đẹp nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, trong Tiền đường còn có nhiều pho tượng Phật bằng đồng quý giá khác.

Thượng điện là công trình tiếp theo mà ta không nên bỏ qua khi đi tham quan chùa Trấn Quốc. Sau Thượng điện có một gác chuông được xây thành nhà 3 gian. Công trình được xây bằng gỗ, mái ngói vảy cá đỏ mang đến nét cổ kính đặc trưng. Bên phải gác chuông là khu vực nhà thờ tổ, phía bên trái là nhà bia. Trấn Quốc Tự hiện đang lưu giữ 14 tấm bia, trên bia là thơ của những vị Tiến sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Không chỉ mang giá trị lịch sử của chùa, những tấm bia này còn là tài sản quý đối với văn hóa Hà Nội xưa.

Nhắc đến Trấn Quốc Tự, người ta sẽ nhớ ngay đến cây bồ đề lớn, được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng. Đại bồ đề Đạo Tràng là nơi mà Phật Thích Ca đã ngồi hành đạo từ cách đây 25 thế kỷ. Tương truyền, cây bồ đề mọc ra từ một nhánh được lấy từ chính cây gốc ở Bodh Gaya, Ấn Độ - nơi Đức Phật đã đạt Giác ngộ. Cây bồ đề của chùa Trấn Quốc có nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh, biểu trưng cho trí tuệ của Đức Phật, lòng nhân ái và vị tha của ngài đối với chúng sinh. Qua gần 60 năm, cây vẫn tươi tốt và tỏa bóng mát khắp một góc chùa. Hàng năm, có rất nhiều người đến khấn bái và hành lễ trước cây bồ đề quý này.

Chùa Trấn Quốc là biểu tượng cho lịch sử và văn hóa tâm linh trường tồn của người dân Thủ đô. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, nơi đây vẫn sẽ là điểm tham quan tâm linh lý tưởng đối với những dân Thủ đô.

                                                                            

                                                                                                                                   Nguyễn Hiền tổng hợp