hà nội - thành phố vì hòa bình

Sóc Sơn - mảnh đất địa linh, nhân kiệt
Ngày đăng 26/02/2024 | 8:17 AM  | View count: 225

Sóc Sơn là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, với tổng diện tích đất tự nhiên 306,5 km², phía Bắc giáp huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), phía Đông Bắc giáp huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), phía Đông Nam giáp huyện Yên Phong (Bắc Ninh), phía Nam giáp huyện Đông Anh, phía Tây giáp huyện Mê Linh và thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Với truyền thống lịch sử - văn hoá lâu đời, Sóc Sơn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hoá và một kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng, tiêu biểu cho một diện mạo văn hoá truyền thống và đậm đà bản sắc văn hoá Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sóc Sơn có hơn  400 di tích lịch sử - văn hoá và cách mạng kháng chiến được công nhận, trong đó, 49 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố.Huyện hiện có gần 100 lễ hội truyền thống được bảo tồn và tổ chức thường xuyên.

 

 

Đền Sóc là một di tích lịch sử và văn hóa quốc gia tọa lạc tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân, khu di tích lịch sử đền Sóc được vua Lê Đại Hành cho xây dựng tại khu vực núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội. Khu di tích đền Sóc được nhà nước xếp hạng khu di tích lịch sử văn hoá vào năm 1962, được xây dựng từ thời Tiền Lê (năm 980), đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên được kiểu dáng kiến trúc, quy mô và vị trí của các công trình. Trong thế kỷ XX, mặc dù đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt nhưng hầu như các di tích trong khu vực không bi ảnh hưởng. Khu di tích lịch sử đền Sóc vẫn giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa vô giá, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Khu di tích kiến trúc nghệ thuật đền Sóc là di tích quốc gia đặc biệt.

 

Lễ hội Đền Sóc

 

Khu di tích đền Sóc gồm có 6 công trình kiến tạo, mỗi công trình có một giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật riêng biệt. Đó là: đền Thượng, đền Mẫu, đền Trình (đền Hạ), chùa Đại Bi, chùa Non và khu nhà bia (nơi có lăng bia đá 8 mặt). Quần thể di tích này trải từ chân núi lên đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trước khi lên thăm các di tích trên ngọn núi này, các di tích nằm ở khu vực chân núi gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng được bố trí rất gần nhau. Tâm điểm của tập hợp các di tích này là đền Thượng - nơi thờ Đức Thánh Gióng với quy mô đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chuôi vồ, bên ngoài ngôi đền gồm năm gian hai trái, bên trong là hậu cung. Cách bài trí trong đền, cách sắp xếp đồ thờ, khí tự … tạo ra sự linh thiêng của nơi thờ cúng thần linh. Ngôi đền có cách bài trí sắp xếp mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

 

Chùa Non Nước nằm trong khu di tích đền Sóc, tọa lạc trên sườn núi ở phía tây bắc khu đền Sóc, có quy mô kiến trúc khá bề thế, các công trình kiến trúc được quy hoạch tập trung trong một không gian thoáng mát. Tục truyền, sau khi dẹp giặc Ân, trên đường về núi Sóc, Thánh Gióng đã dừng chân tại đây và xuống tắm ở hồ Tây. Khi lên đường, Thánh Gióng để quên cái roi sắt bị gãy trong chiến trận. Nhân đó, người dân lập đền thờ Thánh.

 

Hội Gióng Đền Sóc diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (Hà Nội).

 

Hình tượng Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho khí phách Việt Nam, cho tinh thần bất tử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Giáo sư Phan Huy Lê đã từng viết lời dẫn trong cuốn “Hội Gióng đền Sóc” như sau: “Hình tượng Thánh Gióng, sự tích Thánh Gióng từ bao đời nay đã đi sâu vào ký ức và tình cảm sâu lắng của nhân dân ta và được biểu hiện cụ thể qua các đền, miếu thờ cúng, qua các chứng tích, các chuyện kể, các bài ca, các hội hè diễn xướng dân gian… Từ cái nôi của dân tộc, người Việt Nam toả đến đâu thì sự tích về Thánh Gióng cũng được lưu truyền đến đấy. Mỗi khi cần vươn lên với những cố gắng phi thường trong xây dựng và bảo vệ đất nước, người Việt Nam lại nghĩ đến sức mạnh Thánh Gióng. Đặc biệt mỗi khi tổ quốc lâm nguy, đất nước bị giặc ngoại xâm xâm lược, hình tượng Thánh Gióng phá giặc Ân lại như thôi thúc, giục giã mọi người Việt Nam yêu nước”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến Đảng ta đã lãnh đạo hàng ngàn vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp”.

 

Biểu tượng người anh hùng làng Gióng đấu tranh và hy sinh anh dũng, đem lại nền độc lập thái bình cho nước Việt sẽ mãi mãi trường tồn trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

                                                                                                                                                 Hoàng Dương