hà nội - thành phố vì hòa bình

Đặc sắc lễ hội xuân Hà Nội
Ngày đăng 08/02/2023 | 3:23 AM  | View count: 409

Mùa xuân - mùa của trăm hoa đua nở và cũng là mùa của những lễ hội trải dài từ Bắc vào Nam. Lễ hội mùa xuân ở Việt Nam là một trong những nét đẹp văn hóa và tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc, thường được tổ chức sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Các lễ hội mùa xuân ở mỗi miền có đặc trưng riêng luôn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Thủ đô Hà Nội được biết đến là vùng đất nghìn năm văn hiến nên văn hóa lễ hội Hà Nội rất đặc sắc và đa dạng. Bản tin Hữu nghị & Hợp tác kính mời độc giả cùng du xuân tới một số Lễ hội xuân đặc sắc giữa lòng Hà Nội.

1. Hội gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) 

Diễn ra vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, Hội gò Đống Đa là một trong những lễ hội mùa xuân lớn của Hà Nội đã có từ hơn 200 năm trước, tổ chức với quy mô thành phố ( Từ sau ngày giải phóng Thủ Đô 10/10/1954, L ễ hội gò Đống Đa được coi là Q uốc lễ ). Đến với Hội gò Đống Đa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một đám rước hoành tráng với nhiều sắc màu rực rỡ kéo dài từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa. Lễ hội được tổ chức nhằm tái hiện lại chiến thắng gò Đống Đa vang danh lịch sử và để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong ngày hội có nhiều trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ, đặc biệt là trò rước Rồng lửa Thăng Long và chứng kiến lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng đã hy sinh vì dân vì nước. 

2. Lễ hội Đền Gióng (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội)

 Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ( Hội Gióng gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây là một trong những lễ hội độc đáo, đặc sắc của Hà Nội bởi những nghi lễ cổ xưa nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Người có công đánh đuổi giặc Ân. Hội đền Gióng được tổ chức bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày liên tiếp với các nghi lễ truyền thống: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương - dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thành Gióng. Theo truyền thuyết xưa, nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời.

 

 

Vào ngày mùng 7 âm lịch, là phần lễ rước voi rất hoành tráng với hàng nghìn người tham gia. Dù đã trải qua rất nhiều thế hệ nhưng lễ hội Đền Gióng vẫn không thay đổi. Các lễ hội mùa xuân nói chung và lễ hội đền Gióng vẫn giữ nguyên được nét đẹp về giá trị văn hoá, tinh thần đến giới trẻ ngày nay.

3. Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội)

Trong số 103 đền thờ Hai Bà Trưng ở 9 tỉnh, thành phố trên cả nước (huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã), đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi có ý nghĩa đặc biệt nhất. Nơi đây không chỉ lưu lại dấu thiêng về Hai Bà thời thơ ấu, là nơi Hai Bà xưng vương, lập đô sau khi đánh tan giặc ngoại xâm những năm đầu công nguyên (40 - 43). Để tưởng nhớ công ơn Hai Bà, hàng năm, tại đây, vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội. Nét độc đáo nhất trong lễ rước kiệu Hai Bà chính là nghi thức giao kiệu: Bắt đầu lễ rước kiệu từ Đền ra, kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng, thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng. Việc giao kiệu trong lễ rước là nghi thức độc đáo, chỉ xuất hiện tại lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng - một trong những lễ hội mùa xuân tại Hà Nội bày tỏ lòng tôn kính công lao của Hai Bà. Song hành với tế lễ, bên ngoài có rất nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, hội thi nấu cơm, bịt mắt bắt dê, chọi gà…

4. Lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây, Hà Nội)

Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, tọa lạc tại Vân Gia, phường Trung Hưng là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1964 và lễ hội Đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kì vào ngày 14 đến hết ngày 17 tháng Giêng âm lịch và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính. Tâm điểm của Lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng, sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (để tế lễ, diễn lại sự tích Thánh Tản Viên đã từng đến nơi đây), rồi quay trở lại Đền Và. Lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài và đã trở thành cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ Nam - Bắc sông Hồng thành một khối. Đến với Đền Và, ai cũng cảm thấy như trở về với cội nguồn tiên tổ, cội nguồn văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc xứ Đoài.

Đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân bạn bè, mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết xuân và là dịp để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Ngân An