hà nội - thành phố vì hòa bình
Nhắc đến xứ Đoài là nhắc đến vùng đất với vẻ đẹp cổ xưa, vùng văn hóa đặc trưng cùng lề lối sinh hoạt, ứng xử mang nhiều nét riêng, độc đáo. Năm 2022, tròn 200 năm Thành cổ Sơn Tây được xây dựng.
Nằm giữa trung tâm thị xã, Thành cổ Sơn Tây là một công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo bậc nhất Việt Nam được xây dựng vào năm 1822. Ngày xuân về thăm xứ Đoài, tìm hiểu những nét văn hóa đậm đà bản sắc, những phong tục tập quán giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn không gian văn hóa ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn và thi vị ấy.
Thành cổ Sơn Tây - những giá trị lịch sử
Với lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong có một không hai ở Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1822 và là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Đây cũng là di tích văn hóa, lịch sử đại diện cho mô hình thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, nơi đây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp.
` Hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi hiệu triệu, nơi đây đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt, quả cảm, anh dũng của nghĩa quân chống lại sự tấn công của giặc Pháp.
Năm 1946, tại Vọng cung đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà để quyết định các vấn đề quan trọng, mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với những giá trị văn hóa - lịch sử của mình, năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Kiến trúc quốc gia.
Xứ Đoài - nồng nàn phong vị Tết xưa
Muốn tận hưởng không khí Tết đến, Xuân về, không đâu bằng đi chơi chợ Tết. Còn muốn thấy lại hình ảnh phiên chợ Tết xưa, hãy về chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) nằm trên dải đất xứ Đoài. Với nhiều người, đây là một trong số ít không gian đậm chất chợ phiên Đồng bằng Bắc bộ, nơi người dân quanh vùng mang sản vật, nông cụ tới trao đổi, bán mua. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang kể rằng: “Từ bao đời nay, chợ Nủa vẫn duy trì một tháng sáu phiên, trong đó có hai phiên đặc biệt quan trọng, họp vào cuối tháng Chạp (ngày 22 và 27 Âm lịch). Đây cũng là phiên chợ làm nên sức hấp dẫn “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa”, đông đến nỗi thành giai thoại người đi chợ phải chia phiên - “Nủa gái 22, Nủa trai 27” - người nghe tiếng một lần là mong đến, người đến rồi lại muốn trở lại lần sau”.
Chợ Nủa với hình ảnh phiên chợ Tết xưa Ảnh: Nguyễn Anh
V ậy chợ Nủa ngày Tết có gì cuốn hút đến thế? Một khu chợ với những lều lán, hàng quán len mình dưới tán cây cổ thụ xanh ngắt; hàng hóa ăm ắp, đa dạng sắc màu cùng không khí mua bán tươi vui, tấp nập có thể thấy ở bất cứ đâu trong những ngày giáp Tết. Nét đặc trưng của chợ Nủa ở chỗ, hầu hết hàng hóa là sản vật do chính tay người bán tạo ra, đến từ nhiều vùng nuôi trồng, làng nghề truyền thống. Bên cạnh mặt hàng nhu yếu phẩm, chợ Nủa ngày Tết không thể thiếu những gánh hàng bán vôi, bán lá mùi già... với quan niệm mua về để xóa đi những chuyện cũ không may, sẵn sàng đón một năm mới mặn mà, sung túc.
Đi chợ Nủa còn là để gặp lại những thức quà dân dã, như: Bánh hòn, bánh sắn, bánh rợm, chè lam...; những cụ bà răng đen, môi đỏ, thơm đượm mùi trầu; những câu chào mời, hỏi thăm hồn hậu cùng ngữ điệu đặc trưng của vùng kẻ Nủa... Tất cả như đưa ta trở lại không gian chợ phiên từ thế kỷ trước với chất quê, khiến người ta ấm lòng.
Ở xứ Đoài, phong vị Tết xưa còn được lưu giữ thông qua nhiều tục lệ, trong đó có tục làm bánh Tết, trước để dâng cúng tổ tiên, sau dành tiếp đãi họ hàng, chòm xóm. Theo đó, ngoài bánh chưng - loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, nhiều làng, xã trên mảnh đất này còn làm thêm một vài loại bánh riêng, theo phong tục quê hương. Làng Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) có tục giã bánh giầy dâng thánh; các xã Chàng Sơn, Cần Kiệm, Hương Ngải... (huyện Thạch Thất) làm bánh mật, bánh gai. Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) bao đời nay vẫn duy trì tục nấu chè lam, chè kho, kẹo dồi, kẹo lạc... và làng Phú Nhi cách đó không xa lại nổi tiếng với món bánh tẻ truyền thống thơm ngon. Với người Dao, người Mường ở các huyện Quốc Oai, Ba Vì..., ngày Tết sẽ không trọn vẹn, nếu thiếu đi món bánh giầy và đòn bánh tét.
Song, độc đáo nhất phải kể đến tục làm bánh Tết của người Canh Nậu (huyện Thạch Thất) với 13 loại bánh, gồm: Bánh chưng, bánh nếp, bánh đúc, bánh tẻ, bánh gấc... Theo cụ Đỗ Đặng, người làng Canh Nậu, mỗi thức bánh trên mang một ý nghĩa tốt lành và việc thực hành phong tục là góp phần gìn giữ một nếp sống đẹp của quê hương thông qua việc mọi thành viên cùng chăm chút, vun vén cái Tết ấm cúng, đủ đầy cho gia đình, họ tộc.
Tết Nguyên đán là lễ Tết cổ truyền trọng đại của dân tộc Việt, là thời điểm thiêng liêng kết nối đất trời, dịp giao cảm giữa con người và vạn vật. Ngày xuân về với xứ Đoài là tìm về với vẻ đẹp xưa cũ, những giá trị văn hóa được chắt lọc, bồi đắp bao đời, để mỗi người thêm trân quý và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy, góp phần làm cho văn hóa xứ Đoài thêm đậm đà bản sắc và trường tồn với thời gian.
Uyển Nhi