hà nội - thành phố vì hòa bình
Trong nhộn nhịp những âm thanh sôi động của làng quê đang từng ngày đổi mới, về xã Khánh Hà, huyện Thường Tín để được nghe điệu hát Trống quân. Với cách giữ gìn mộc mạc, chân quê mà rất hiệu quả, từ người già tới người trẻ, gái hay trai đều dạy nhau điệu hát dân gian này.
Nó như chất keo dính kết nối tình làng nghĩa xóm trong biết bao thế hệ người dân thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Trống quân là loại trống cổ nhất của người V iệt, trống được nâng lên đánh bằng cái hũ, trên là cái mâm đồng, kéo dây ra hai bên. Hiện có khoảng 1000 bài hát trống quân. Khánh Hà đã, đang phục dựng lại lối hát trống quân.
Hiện nay câu lạc bộ hát Trống quân xã Khánh Hà có 45 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ các em nhỏ 10 tuổi cho đến các cụ cao niên 70, 80 tuổi. Để hát được Trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo màu nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu mầu đỏ, nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen. Chứng kiến không khí say sưa tập luyện của các thành viên Câu lạc bộ Hát Trống quân Khánh Hà trong những ngày lễ hội mới thấy sự đam mê, yêu văn nghệ của người dân nơi đây.
Cụ Nguyễn Thị Ny với chiếc Trống quân
Hát Trống quân trên thuyền ở Khánh Hà, có lẽ là hình thức diễn xướng dân gian thuộc loại thơ mộng và lãng mạn nhất. Vào những đêm trăng sáng mùa thu, trong khi có các tốp trai gái hát Trống quân ở bãi cổ đầu làng, có tốp hát trên bờ sông thì lại có tốp con trai, con gái ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ thường được dùng để chở lúa, chèo dọc sông Tô Lịch, sông Nhuệ từ đầu làng này đến cuối làng kia, rồi lại quay ngược nhiều vòng, từ chập tối đến tận mờ sáng thì mới kết thúc cuộc hát. Mỗi khi tốp con trai hay tốp con gái cất lên một câu hát thì họ lấy một thanh gỗ nhỏ, gõ vào thành thuyền vừa để lấy nhịp vừa để đệm.
Lối hát trên thuyền của các tốp con trai, con gái Khánh Hà cũng tuân thủ theo trình tự 4 chặng. Mở đầu, thuyền của đám con trai làng lượn đi lượn lại cạnh thuyền của một đám con gái hát ướm hỏi:
Này cô cả, cô hai đấy ơi.
Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
Khác tình sao chẳng ra chơi với tình.
Đi đâu từ tối chẳng ra
Để chờ, để đợi sương xa lạnh lùng...
Đáp lại lời chào ướm hỏi của đám con trai trên thuyền muốn đến kết bạn hát, đám con gái ngồi trên thuyền nếu nhận lời thì gõ vào thành thuyền một nhịp trống rồi hát đáp:
Thuyền ai đi ngược về xuôi
Có về Đan Nhiễm với tôi thì về.
Đan Nhiễm có bóng cây đề
Có sông tắm mát, có nghề chẻ nan
Chẻ nan đan dậm cho ngoan
Mài dao cho sắc vót nan cho đều.
Anh cả, anh hai đấy ơi...
Đặc sắc và độc đáo là vậy, nhưng từng có thời điểm hát Trống quân ở Khánh Hà bị gián đoạn, có lúc tưởng rơi vào quên lãng. Chứng kiến những câu hát đã chinh phục bao lớp người dần rơi vào quên lãng, những người tâm huyết với điệu hát Trống quân như cụ Nguyễn Thị Ny, ông Nguyễn Mạnh Tươi… luôn ấp ủ phải làm một điều gì đó để lưu giữ nét văn hoá đặc sắc này. Ông Nguyễn Mạnh Tươi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Trống quân xã Khánh Hà bộc bạch: “Từ năm 2005, xã Khánh Hà bắt đầu phục dựng lại lối hát Trống quân. Đầu tiên là gặp các cụ cao tuổi để ghi lại các lời hát, làm tài liệu để dạy hát cho các cháu nhỏ từ 10 đến 15 tuổi. Hiện khó khăn lớn nhất mà C âu lạc bộ phải đối mặt là lớp trẻ lớn lên, họ lập gia đình nên thường bỏ hát. Đáng lo hơn cả, C âu lạc bộ chỉ tìm được các kép nữ, không tìm được kép nam nên công tác lưu giữ và truyền dạy điệu hát càng trở nên cấp bách hơn. Khánh Hà có 6 người được phong tặng nghệ nhân biểu diễn. Nét mới của hát Trống quân ở Khánh Hà là các nghệ nhân đã sáng tác thêm những lời ca mới để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Màn hát đối đáp của các thành viên CLB Trống quân xã Khánh Hà
Nhờ sự đầu tư, quan tâm của các cấp, tình yêu, sự tâm huyết với nghề của các nghệ nhân, các thế hệ trẻ hát Trống quân ở Khánh Hà đã có được sức sống mới. Xã đã đầu tư đóng thuyền, may trang phục cho các diễn viên của Câu lạc bộ. Vào ngày hội làng, người dân nơi đây cũng như khách thập phương được thưởng thức điệu hát độc đáo này.
Nội dung các câu hát Trống quân thường đề cập đến các sự kiện lịch sử, phong tục tập quán, địa danh làng xã, sản vật quê hương, đất nước nên có thể coi nội dung các câu hát là kho dữ liệu quý về lịch sử làng xã và là kho tàng tri thức về lịch sử, địa lý, văn hoá quê hương,… Từ đó góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn học dân gian và nghệ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của người dân Việt Nam, đồng thời góp phần giải tỏa những lo toan, nhọc nhằn trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung.
Nguyễn Hiền