hà nội - thành phố vì hòa bình
Khu phố cổ Hà Nội với những mái nhà nhuốm màu thời gian, những di tích thâm trầm, cổ kính, phố phường luôn nhộn nhịp và khu phố cũ với những công trình, biệt thự mang kiến trúc Pháp khang trang, phong cách, là nét đặc trưng của Thủ đô mà hiếm đô thị nào có được.
Dù Hà Nội đang trong quá trình phát triển với những tòa nhà cao tầng hiện đại, đường xá khang trang, sạch đẹp nhưng kiến trúc của khu phố cổ, phố cũ chưa bao giờ bị phá vỡ. Bởi, các kiến trúc này hàm chứa giá trị văn hóa lâu đời, là một phần của văn hóa Thăng Long - Hà Nội nên luôn được quận Hoàn Kiếm nói riêng, Hà Nội nói chung gìn giữ, phát huy.
Những giá trị quý
Khu phố cổ Hà Nội được biết đến với 36 phố phường, mỗi tên phố đều gắn với chữ “Hàng” đặc trưng và một nghề thủ công truyền thống do người dân bốn phương mang về khi di cư lên đất Kinh kỳ. Nghề kim hoàn phố Hàng Bạc do người dân Châu Khê (Hải Dương) và Đồng Xâm (Thái Bình) mang về, nghề gò thiếc phố Hàng Thiếc do người làng Phú Thứ (huyện Hoài Đức, Hà Tây, nay là Hà Nội) đưa về, nghề làm thuốc đông y do người làng Đa Ngưu (Hưng Yên) đưa về… Khu phố cổ là một hệ thống 121 di tích với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… cùng hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân... Cùng với đó, Khu phố cổ Hà Nội chứa đựng các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, từ nếp sống sinh hoạt của người dân, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống… Từ những giá trị đó, Khu phố cổ Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đối với khu phố cũ, thường gọi là khu phố Pháp bởi nhiều ngôi nhà ở đây mang đặc trưng kiến trúc Pháp và là không gian kết nối giữa nhiều khu khác nhau. Khu phố cũ có cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, nhiều ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng. Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX đã kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo, từ đó tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Nam Á có được.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội đã có hơn nửa thế kỷ chịu ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa, văn minh Pháp. Do đó, diện mạo của đô thị Hà Nội đã chịu tác động lớn và hình thành nên bản sắc đô thị ngày nay. Tuy nhiên, kiến trúc đô thị có sự pha trộn hài hòa, qua thời gian, lại trở thành phù hợp giữa những nét “kinh điển, hoa lệ” của châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hóa Hà Nội.
Những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn của khu phố cổ và phố cũ trở thành nguồn lực để quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung khai thác phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa tương đối hiệu quả. Việc giữ gìn văn hóa, kiến trúc đặc trưng các khu vực này trong xu thế phát triển hiện nay chính là sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, tạo bản sắc riêng cho Thủ đô.
Gìn giữ di sản trong tái thiết đô thị
Ngôi nhà cổ số 87 Mã Mây
Giữ gìn những giá trị quý được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, do vậy công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong Khu phố cổ Hà Nội được quận Hoàn Kiếm quan tâm. Có thể kể tới việc giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo 22 di tích, bảo tồn 24 nhà ở có giá trị, hoàn trả lại không gian kiến trúc cho di sản. Đề án phục dựng các lễ hội trong Khu phố cổ Hà Nội cho thấy nỗ lực của quận Hoàn Kiếm trong việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể. Cụ thể, quận đã khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, cải tạo, chỉnh trang theo hướng văn minh, chất lượng cao. Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa, xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bà Trần Thuý Lan, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, tiếp nối và phát huy các nội dung, yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa, Ban thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động về văn hóa, nghệ thuật tại các điểm di tích, tập trung giới thiệu nếp sống của người Hà Nội xưa, khôi phục lễ hội nghề kim hoàn, tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống định kỳ, trưng bày giới thiệu các làng nghề truyền thống gắn với phố nghề chuyên doanh trong khu phố cổ. Các chương trình này đều có sự tham gia tích cực của cộng đồng, góp phần quản lý, bảo tồn di sản văn hóa khu phố cổ một cách bền vững và lâu dài.
Đối với việc bảo tồn giá trị các khu phố cũ với các công trình mang kiến trúc Pháp, quận Hoàn Kiếm tập trung nguồn lực, kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình như: Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm (số 2 phố Tràng Thi), trụ sở Công an phường Cửa Đông (số 18 phố Nguyễn Quang Bích), trường Mầm non 1- 6 (số 23 Nguyễn Quang Bích), Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương (26 Hàng Bài)... Các dự án hoàn thành đã đem lại diện mạo mới cho những công trình mang dấu ấn kiến trúc của một thời, qua đó để giới thiệu, quảng bá giá trị di sản của Hà Nội đến nhân dân. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục tiến hành cải tạo kiến trúc, cảnh quan phố Tràng Tiền và triển khai dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 phố Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, dự án trùng tu biệt thự mẫu 49 Trần Hưng Đạo đã hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp bị xuống cấp từ nhiều năm qua.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, chính quyền và nhân dân thành phố nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng luôn coi trọng và xác định việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản khu phố cổ, phố cũ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm không chỉ của chính quyền mà vai trò đóng góp của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển kinh tế là một câu hỏi mà chính quyền quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm, cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước các quyết định của mình. Các dự án và các hoạt động đã triển khai đều thực hiện trên tinh thần vừa gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống, vừa tiếp thu, chọn lọc để phát triển, hướng tới mục tiêu nâng cao điều kiện sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển kinh tế.
Quận Hoàn Kiếm xác định việc bảo tồn giá trị khu phố cổ và phố cũ Hà Nội trong quá trình tái thiết đô thị sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc cũ mà còn tạo ra bản sắc riêng cho quận cũng như thành phố. Đó cũng là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội quận, đặc biệt là thu hút khách du lịch đến tham quan, lưu trú.
(Theo TTXVN)