hà nội - thành phố vì hòa bình
Cách đây 25 năm, ngày 16/7/1999, Hà Nội là một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố vì hòa bình”.
Để đạt được danh hiệu đầy tự hào đó, Hà Nội đã đáp ứng hàng loạt tiêu chí như: Có thành tích tiêu biểu về thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái,…
So với lịch sử Thăng Long - Hà Nội, chặng đường 25 năm không phải quá dài, nhưng trong giai đoạn phát triển mới, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” đã đặt lên vai Hà Nội những nhiệm vụ, thử thách mới. Phát huy truyền thống văn hiến quý báu được trao truyền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã cùng nỗ lực phấn đấu, đạt những kết quả đáng tích cực. Các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII, XIV, XV, XVII của Đảng bộ thành phố đã được chính quyền, quân, dân Thủ đô thực hiện đạt kết quả cao. Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Nhiều công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội được triển khai. Hàng loạt công trình tiêu biểu là: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Biểu tượng và giấy chứng nhận "Thành phố vì Hòa bình"
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12, ngày 29/5/2008 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan” (có hiệu lực từ 1/8/2008), đã tạo thế và lực mới cho Hà Nội phát triển với diện tích 3.344,7km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, 29 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số hơn 6 triệu người (hiện nay là 30 quận, huyện, thị xã). Nhiều vấn đề, công việc khó, chưa từng có tiền lệ phát sinh khi mở rộng địa giới hành chính đã được thành phố xử lý phù hợp, hiệu quả, tạo sức phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô.
Chính trị, an ninh ổn định, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được nâng lên, khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế chọn Hà Nội là điểm đến. Số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạc & Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/3/2024, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) là hơn 970,8 triệu USD, gấp hơn 6,1 lần (600 %) so với cùng kỳ năm 2023.
Du khách nước ngoài thăm Thủ đô Hà Nội
Để giữ vững danh hiệu là một trong những thủ đô có nhiều cây xanh, hồ nước trên thế giới, Hà Nội đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước, hướng tới xây dựng Thủ đô thành một đô thị “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Cùng với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị giai đoạn 2016 - 2020; 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh, tạo không gian, cảnh quan xanh trên địa bàn thành phố.
Nhằm mang đến những không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân ngày cuối tuần, Hà Nội đã từng bước đưa vào hoạt động nhiều không gian, tuyến phố đi bộ, như: Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Trần Nhân Tông kết nối với hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất; phố Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây... Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Mới đây, trang giới thiệu du lịch nổi tiếng thế giới Tripadvisor đã công bố danh sách giải thưởng Best of the Best Travellers' Choice Award do các thành viên khắp nơi trên thế giới bình chọn. Trong hạng mục điểm đến ẩm thực tốt nhất, Hà Nội xuất sắc vượt qua nhiều thành phố khác trên thế giới để giành vị trí số 1. Theo đánh giá của những người bình chọn, Hà Nội sở hữu rất nhiều điểm tham quan thú vị, được biết đến với nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng. Đối với hầu hết du khách, chuyến đi không thể trọn vẹn nếu không thử một số món ăn nổi tiếng như phở, bún chả hay bánh mì. Ngoài ra, khách nước ngoài cũng khá hào hứng để thử những món ăn lạ miệng chỉ có tại Việt Nam như bún đậu mắm tôm, cà phê trứng.
Song song với đó, Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, như hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc; nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá. Năm 2019, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Nội đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa và con người, chuyển hóa nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo.
Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, hoà bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, những năm qua, Thủ đô Hà Nội không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức để tự tin phát triển và hội nhập.
Quỳnh Dương