hà nội - thành phố vì hòa bình

Hà Nội với những dấu ấn văn hóa và lịch sử thời Pháp thuộc
Publish date 05/04/2022 | 4:17 PM  | View count: 2903

Trong thời kì Pháp thuộc (1884 - 1945), Hà Nội trở thành Thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Campuchia). Thời kỳ lịch sử đặc biệt này đã kiến tạo nên một bộ mặt mới cho thành phố, cũng để lại một số những công trình kiến trúc đặc biệt, những “dấu ấn văn hóa và lịch sử” còn tồn tại và có ý nghĩa tới ngày nay.

Vườn hoa Con cóc

Vườn hoa Con cóc có vị trí rất đẹp, nằm giữa Ngân hàng Nhà nước và khách sạn Metropole, phía sau Hồ Hoàn Kiếm. Có thể nói, nơi đây từ lâu đã là một địa điểm văn hóa - lịch sử gắn liền với đời sống của người dân Hà Nội.

 

Người Pháp xây dựng vườn hoa này vào năm 1901, đặt tên là “Quảng trường Chavassieux” để tưởng nhớ Leon Jean Chavassieux (1848 - 1895) - quan cai trị Pháp ở Đông Dương. Ở trung tâm của vườn hoa là một đài phun nước, phía trên đặt tiểu sành có chứa di hài ông. Vườn hoa nằm đối diện dinh Thống xứ Bắc Kỳ, nơi ông đã làm việc trong 2 năm (nay là Nhà khách Chính phủ).

 

 

Đài phun nước sở hữu phong cách kiến trúc kết hợp Đông - Tây, khi những chi tiết trên cột trụ mang phong cách Pháp, nhưng dưới bệ đỡ là 8 bức tượng rồng chầu ra bốn hướng. Đây được coi là đài phun nước “cổ nhất Hà Nội”, khi không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

 

Năm 1945, vườn hoa có tên mới là “Diên Hồng”, nhưng quen thuộc hơn với người dân Hà Nội là “vườn hoa con cóc” - bởi 4 bức tượng con cóc trên đài phun  Hàng ngày, người dân tới đây vui chơi, tập thể dục; có nhiều cặp đôi lựa chọn vườn hoa là địa điểm chụp hình cưới. Danh hài nổi tiếng Charlie Chaplin và vợ cũ của ông - nữ minh tinh Paulette Goddard - đã từng đi dạo tại vườn hoa vào kỳ trăng mật của họ.

Nhà hát Lớn

Nhà hát Lớn không chỉ là một công trình kiến trúc nổi tiếng ở Hà Nội, mà nó còn là một biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của Thủ đô.

 

Nhà hát tọa lạc trên Quảng trường Cách mạng tháng Tám, không xa Hồ Hoàn Kiếm và cạnh khách sạn Hilton Hanoi. Người Pháp khởi công xây dựng năm 1901, đến năm 1911 mới hoàn thành. Nhà hát Lớn ra đời với mục đích phục vụ nghệ thuật cho người Pháp và số ít người Việt thượng lưu thời bấy giờ.

Nhà hát được lấy hình mẫu nguyên gốc là nhà hát Opera Garnier tại Paris. Nó chủ yếu có kiến trúc Tân cổ điển Pháp, nhưng cũng được tổng hòa bởi các phong cách khác nhau như Phục Hưng, Baroque,... Phía bên trong nhà hát có sức chứa 598 ghế, với nhiều đèn treo, đèn chùm pha lê và những tấm gương lớn. Cuối cùng, phía sau sân khấu là 18 phòng trang điểm dành cho diễn viên, 2 phòng tập, cùng các phòng khác như thư viện, phòng họp.

 

Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch. Không chỉ vậy, đây còn là một địa điểm mang tính lịch sử, khi là nơi diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh năm 1945; cũng như là nơi diễn ra cuộc họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946.

 

Ngày nay, Nhà hát Lớn mở cửa rộng rãi, chào đón tất cả những người yêu nghệ thuật. Tại đây, khán giả không chỉ được chiêm ngưỡng những buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam, mà còn của các nghệ sĩ quốc tế.

Cầu Long Biên

Nói tới những dấu ấn văn hóa - lịch sử có từ thời Pháp thuộc, không thể không nhắc tới cầu Long Biên. Năm 2022, Thành phố Hà Nội kỉ niệm tròn 120 năm ngày khánh thành cầu Long Biên (1902 - 2022).

 

 

Cầu Long Biên là cây cầu nổi tiếng, nối liền giữa hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm. Chiếc cầu được xây dựng từ năm 1898, được chính thức đưa vào sử dụng vào năm 1903. Nó có tên ban đầu là cầu Paul Doumer - đặt theo tên của Toàn quyền Đông Dương người Pháp lúc bấy giờ.

 

Hương Giang