hà nội - thành phố vì hòa bình

Di tích lịch sử Hà Nội trên nền tảng số
Publish date 12/01/2022 | 4:53 PM  | View count: 311

HAUFO - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều hoạt động văn hóa tại các di tích, danh lam thắng cảnh ở Hà Nội phải đóng cửa. Vậy, làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa - lịch sử của người dân mà vẫn chấp hành tốt quy định phòng chống dịch?

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, trong năm 2021, các di tích lịch sử, địa điểm tôn giáo buộc phải ngừng hoạt động nhiều lần nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 

 

Dù phải đóng cửa và không thể đón khách trực tiếp, các di tích lịch sử vẫn chuẩn bị nhiều cách khác nhau để tiếp cận công chúng. Một trong số đó là giao lưu trên nền tảng số. Đây là phương thức phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, cũng như đáp ứng được xu hướng “số hóa”, “toàn cầu hóa” trên thế giới. Có thể kể đến hai trường hợp tiêu biểu là “Dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” và “Di tích Nhà tù Hỏa Lò”.

 

“Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” trên mọi thiết bị

 

Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” được chính thức khởi động vào tháng 09/2021, khi Thành phố đang trải qua những ngày cuối cùng của đợt giãn cách thứ hai. Trong “Thư ngỏ”, đội ngũ dự án khẳng định: “...chúng tôi, những người thực hiện, muốn tái hiện ít nhiều phong khí của một nền lịch sử văn hiến rạng rỡ, và giữ cho ngọn lửa văn hóa vốn âm ỉ cháy trong đời sống Việt được truyền tay, kế thừa.”

 

Dự án là một chuỗi các hoạt động văn hóa nhằm quảng bá, đưa Di tích Quốc gia Đặc biệt này đến gần hơn với công chúng, trong bối cảnh dịch bệnh. Dự án gồm nhiều sự kiện đặc biệt với các hình thức khác nhau như: Talkshow, Tọa đàm, Di tích lịch sử qua Công nghệ 3D,... được thông báo và phát sóng qua trang fanpage.

 

 

Ngoài trang “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” trên nền tảng Facebook, công chúng có thể tiếp cận thông tin qua kênh Youtube của dự án, với bố cục tối ưu hóa trên mọi thiết bị. Cách làm này có thể đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Chỉ với thiết bị điện tử bất kỳ, khán giả đã có thể tham quan, hiểu rõ hơn về Di tích lịch sử đặc biệt này.

 

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là “Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam”, là nơi thờ Khổng Tử, lưu giữ nền văn hóa Nho giáo lâu đời chốn Kinh kỳ. Mỗi năm, Di tích đón hàng triệu lượt du khách, là nơi sĩ tử ghé thăm mỗi dịp thi cử.

 

Bạn đọc tìm hiểu về dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” có thể truy cập vào link dưới đây:

https://www.facebook.com/quoctugiam.kgvh/

 

“Di tích Nhà tù Hỏa Lò” và sự trẻ hóa nội dung

 

Có thể nói, fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò” là một trong những trang văn hóa có tương tác “khủng” nhất ở thời điểm hiện tại, với gần 100 nghìn người theo dõi.

 

Nói tới hai từ “lịch sử” và “văn hóa”, ta thường nghĩ tới những gì “nghiêm túc” và “khô khan”; nhưng đội ngũ sáng tạo nội dung của Nhà tù Hỏa Lò lại không nghĩ vậy. Các bạn chia sẻ những kiến thức về Hỏa Lò thông qua những bức ảnh hài hước, “bắt trend”, phong cách kể chuyện truyền cảm. Trung bình, những bài đăng như vậy thường thu hút hơn 5 nghìn lượt “react” và hàng trăm lượt bình luận. Lịch sử đã đến với các bạn trẻ một cách tự nhiên và vô cùng thú vị.

 

 

Không chỉ có những nội dung hài hước, fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò” còn bao gồm những hình ảnh về khuôn viên Nhà tù, những hiện vật xưa; câu chuyện về những người tù chính trị được làm thành một chuỗi podcast. Khán giả như được tham quan, nghe và cảm nhận bầu không khí ở Hỏa Lò một cách trực tiếp.

 

Nhà tù Hỏa Lò được Thực dân Pháp xây dựng vào thế kỷ 19, chuyên giam giữ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương. Sau này, trong Chiến tranh Việt Nam, đây là nơi Đảng ta giam giữ những tù chính trị người Mỹ.

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thông tin về Nhà tù Hỏa Lò, truy cập vào link:

https://www.facebook.com/hoaloprisonrelic

Nguyễn Hương Giang