TIN TỨC - SỰ KIỆN

Gợi mở tiềm năng hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp
Ngày đăng 19/12/2024 | 8:44 PM  | View count: 13

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (19-22/12) thu hút nhiều quốc gia và doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu trên thế giới, trong đó có sự góp mặt của phái đoàn đến từ Pháp.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

 

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 lần thứ hai sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 19-22/12. Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của Triển lãm đối với ngành công nghiệp quốc phòng cũng như hợp tác quốc tế của Việt Nam?

 

Đối với tôi, Triển lãm Quốc phòng quốc tế không chỉ thể hiện mong muốn khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam mà còn đánh dấu sự tiếp nối sau thành công năm 2022.

 

Đây cũng là dịp để Việt Nam đẩy mạnh mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng, mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược, tăng cường năng lực quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong bối cảnh đó, Pháp mong muốn đóng góp vào nỗ lực này thông qua các giải pháp đáng tin cậy, công nghệ hiện đại và chi phí hợp lý.

 

Ngoài ra, tôi rất mong chờ được khám phá những sản phẩm nổi bật từ ngành công nghiệp và công nghệ quốc phòng của Việt Nam tại Triển lãm lần này, đồng thời tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu trang bị, công nghệ của các lực lượng vũ trang Việt Nam.

 

Tập đoàn Airbus sẽ mang máy bay trực thăng đến với Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. (Nguồn: Airbus)

 

Hơn hết, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, minh chứng qua sự phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng đang đứng trước thách thức lớn khi phải luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về thiết bị tiên tiến, đòi hỏi các lực lượng có trình độ kỹ thuật và chuyên môn rất cao.

 

Tôi tin rằng các doanh nghiệp quốc phòng của Pháp có kinh nghiệm dày dặn và sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khắt khe này. Hiện nay, Pháp là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới nhờ công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng và khả năng làm chủ toàn bộ chuỗi sản xuất.

 

Trong khu vực châu Á, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng đã tin tưởng lựa chọn trang thiết bị của Pháp cho lực lượng vũ trang.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang hướng tới việc tận dụng các mối quan hệ đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần áp dụng một chiến lược tiếp cận mang tính từng bước. Lộ trình này có thể khởi đầu bằng việc nhập khẩu thiết bị từ các đối tác quốc tế, tiến tới hợp tác sản xuất để chuyển giao công nghệ và cuối cùng là phát triển năng lực tự chủ trong sản xuất nội địa.

 

Pháp và các doanh nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình này. Tôi tin rằng, hai bên có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng và việc hiện thực hóa những cơ hội đó phụ thuộc vào quyết tâm của cả hai quốc gia.

 

Đại sứ kỳ vọng gì từ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, trong bối cảnh sự kiện này không chỉ kỷ niệm những dấu mốc quan trọng của Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?

 

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 hướng tới hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã đến thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần này, ông Lecornu cũng muốn quay trở lại Việt Nam để tiếp tục trao đổi công việc cùng với Bộ trưởng Phan Văn Giang, nhưng do bận các sự vụ khác nên đã ủy quyền cho Thiếu tướng Caroline Salahun, Phó Cục trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổng cục trang bị vũ khí (DGA) dẫn đầu phái đoàn Pháp.

 

Radar Ground Master 200 (GM200) thuộc dòng radar Multi Mission All-in-one của Tập đoàn Thales. (Nguồn: Tập đoàn Thales)

 

DGA là cơ quan chịu trách nhiệm về trang bị cho quân đội Pháp, hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp quốc phòng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trang bị vũ khí. Đội ngũ của DGA cũng hoàn toàn làm chủ những khía cạnh kỹ thuật và công nghiệp. Tôi tin rằng, đây là chìa khóa để có thể triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể mà Việt Nam và Pháp mong muốn.

 

Ngoài ra, việc Pháp tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 còn là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa những định hướng quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Emmanuel Macron đã nhất trí tại Paris ngày 7/10, đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định cam kết trong việc thúc đẩy mối quan hệ thông qua các dự án hợp tác cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, từ đó mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng và bền vững hơn.

 

Chính vì vậy, có thể nói, Pháp cùng với khoảng 20 doanh nghiệp quốc phòng tham gia Triển lãm nhằm tăng cường và phát triển các mối quan hệ hợp tác mới với Việt Nam.

 

Đại sứ đánh giá như thế nào về các kết quả hợp tác quốc phòng gần đây giữa Việt Nam và Pháp? Sự hợp tác này liệu sẽ có triển vọng như thế nào trong tương lai, thưa ông?

 

Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Đây chính là nhận định được Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong cuộc gặp tại Paris tháng 10 vừa qua. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp này cũng đặt ra tham vọng chung về một mối quan hệ hợp tác quốc phòng sâu rộng và thiết thực hơn.

 

Và để hiện thực hóa tham vọng này, chúng ta cần triển khai những hành động cụ thể, bắt đầu với hai hướng chính:

 

Trước hết, Pháp sở hữu các sản phẩm quốc phòng có thể đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đất liền, trên biển và trên không. Nhiều trang thiết bị đã được "kiểm chứng qua thực chiến", chứng minh hiệu quả vượt trội khi đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, quân đội Việt Nam hiện cũng đã sử dụng các máy bay và trực thăng của Tập đoàn Airbus cùng nhiều thiết bị quốc phòng khác từ Pháp.

 

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong những dự án cụ thể, từ cung cấp trang thiết bị đến chuyển giao công nghệ và năng lực. Theo tôi, đây là hướng đi thiết yếu nhằm đáp ứng mục tiêu của Việt Nam trong việc làm chủ công tác bảo trì và sửa chữa các thiết bị quốc phòng hiện có, đảm bảo sự chủ động, bền vững.

 

Tàu Frigate for Defense and Intervention thuộc Tập đoàn Naval (Pháp). (Nguồn: Tập đoàn Naval)

 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đào tạo, chúng ta đã hợp tác hiệu quả trong việc huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi tin rằng, còn rất nhiều lĩnh vực khác mà hai nước có thể cùng nhau tiến xa hơn, như cứu trợ nhân đạo, ứng cứu thảm họa, quân y, hay đào tạo ngôn ngữ cho quân nhân Việt Nam.

 

Pháp có bề dày kinh nghiệm tác chiến và sở hữu những trường quân sự danh tiếng. Tôi mong muốn hai nước có thể tăng cường trao đổi thông qua việc cử chuyên gia Pháp đến Việt Nam để đào tạo, tổ chức các khóa huấn luyện nhân dịp tàu hải quân Pháp thăm Việt Nam, hoặc mời các sĩ quan Việt Nam tham gia khóa học tại Pháp. Tôi cũng hy vọng quân nhân Việt Nam có thể tham gia huấn luyện cùng các lực lượng Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Với tiềm năng lớn và những kế hoạch đầy triển vọng, chắc chắn hợp tác quốc phòng giữa hai nước chúng ta sẽ còn tiến xa hơn nữa, mang lại lợi ích bền vững và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định trong khu vực.

 

Phái đoàn Pháp do Thiếu tướng Caroline SALAHUN, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổng cục Trang bị (DGA) dẫn đầu. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu của Pháp cũng sẽ tham gia Triển lãm, bao gồm Thalès, Airbus, MBDA, Safran, Naval Group, Zodiac Milpro...

 

Tại Triển lãm, Pháp sẽ trình bày các công nghệ và thiết bị quân sự hiện đại, đồng thời tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc phòng thông qua các chương trình liên doanh sản xuất, chuyển giao công nghệ và xuất khẩu trang thiết bị.

 

(Theo baoquocte.vn)