VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Viết tiếp hành trình ‘ngoại giao di sản’
Ngày đăng 03/04/2023 | 3:26 AM  | View count: 174

Công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam đang tranh thủ hiệu quả tri thức, nguồn lực, sự ủng hộ của UNESCO để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước, hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân và địa phương.

 

Trở về Việt Nam lần này, đồng hành với Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo trong chuyến thăm “mục sở thị” miền di sản của Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO chia sẻ với TG&VN về những động lực để mỗi hành trình “ngoại giao di sản” là một hành trình ghi dấu ấn...

 

Một điểm sáng của công tác ngoại giao văn hóa trong năm qua là phục vụ phát triển bền vững đất nước. Ý kiến của Đại sứ từ góc độ của Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO?

Ngoại giao văn hóa đã tranh thủ hiệu quả tri thức, nguồn lực, ủng hộ của UNESCO để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước, hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân và địa phương. Năm qua, chúng ta rất tự hào có thêm bốn danh hiệu, di sản được UNESCO vinh danh: thành phố học tập toàn cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, hai di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Ma Nhai Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Văn bản làng Trường Lưu (Hà Tĩnh).

Điều này không chỉ thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực của UNESCO về bảo tồn di sản, mà còn tạo thêm nguồn lực và không gian mới cho phát triển bền vững ở các địa phương. Việt Nam cũng được UNESCO lựa chọn là một trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa 2030, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Ta cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNESCO đối với nỗ lực hồi hương cổ vật Ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ và người dân.

 

Không lâu sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay (tháng 9/2022), Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO Lazare Eloundou Assomo vừa kết thúc “chuyến thăm vô cùng ấn tượng” tới Việt Nam (ngày 23-27/3). Theo Đại sứ, ý nghĩa của chuyến thăm này là gì?

 

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông Lazare Eloundou Assomo và cũng là chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông trên cương vị Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới kể từ khi nhận nhiệm sở (tháng 12/2021) tiếp tục đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới tới Việt Nam sau 11 năm. Diễn ra sáu tháng sau khi Tổng giám đốc UNESCO thăm Việt Nam, chuyến đi lần này của ông Lazare Eloundou Assomo tiếp tục góp phần vào việc cụ thể hoá việc triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025.

Các cuộc gặp với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo TP. Hà Nội, Quảng Ninh và Ninh Bình cũng như Hội thảo quốc tế về “Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” đã khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm tại UNESCO, nhất là trong công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản thế giới cho các thế hệ mai sau.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đánh giá rất cao chính sách của Việt Nam luôn coi trọng văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực và động lực cho phát triển bền vững.

Ông Lazare nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do Việt Nam tổ chức (Ninh Bình, tháng 9/2022) quy mô và hoành tráng nhất. Ông cũng đồng tình với nhận định của Tổng giám đốc UNESCO coi Việt Nam là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.

Với các chuyên gia giỏi và kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ông Lazare tin tưởng Việt Nam có đầy đủ cơ sở để đảm nhận tốt vai trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Qua chuyến thăm, ta cũng tiếp tục tranh thủ được tri thức, nguồn lực, sự ủng hộ của UNESCO để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước, thiết thực hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân và địa phương.

Giám đốc Assomo khẳng định, Trung tâm Di sản thế giới luôn đồng hành và hỗ trợ hết sức Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới, đồng thời cam kết sẽ xem xét, hỗ trợ trong phạm vi chức năng của mình đối với các hồ sơ đề cử di sản thế giới của Việt Nam trong thời gian tới (như các hồ sơ: Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Hang Con Moong…); cũng như tư vấn, hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy 8 khu Di sản thế giới của Việt Nam, nhất là khu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.

Ta cũng có dịp giới thiệu Khu di sản thế giới Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, vẻ đẹp của đất nước, con người, hình ảnh của Việt Nam đổi mới, hội nhập, phát triển năng động nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, với lịch sử nghìn năm văn hiến.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đã đánh giá chuyến thăm là rất thực chất, hiệu quả, để lại những ấn tượng, cảm xúc không bao giờ quên và mong muốn được trở lại thăm Việt Nam nhiều lần.

 

 

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra tại Hội thảo quốc tế về "Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam" ngày 24/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

 

Xin Đại sứ chia sẻ hướng thúc đẩy ngoại giao văn hóa, ngoại giao di sản trong thời gian tới tại UNESCO?

Giai đoạn hai, ba năm tới rất then chốt đối với tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo văn hóa năm 2022, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, tôi cho rằng, tại tổ chức UNESCO, chúng ta cần chủ động, tích cực và sáng tạo tập trung thực hiện năm nhóm nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh tham mưu, đề xuất chính sách, tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của UNESCO hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến toàn cầu của UNESCO để bắt kịp các xu thế hợp tác mới toàn cầu, hoàn thiện các khung pháp lý và nâng cao năng lực thể chế, con người.

Hai là, tiếp tục đưa quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các Tiểu ban chuyên môn, Ban thư ký Ủy ban quốc gia, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các cơ quan liên quan cần phát huy vai trò nòng cốt trong thúc đẩy triển khai hiệu quả kết quả các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và của Tổng giám đốc UNESCO, bám sát Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Chiến lược trung hạn của UNESCO và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam...

Ba là, góp phần vào việc tham gia xây dựng, vận động, bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản, "biến di sản thành tài sản", "biến tiềm lực thành nguồn lực" để phục vụ phát triển thiết thực,.. Chúng ta tiếp tục thúc đẩy các hồ sơ di sản, danh hiệu đã nộp và đang chờ UNESCO xem xét, phê duyệt như hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại với ”Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”, vận động UNESCO cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024; nộp hồ sơ di sản văn hóa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, thúc đẩy hỗ trợ hồ sơ Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Công viên địa chất Lạng Sơn...; tranh thủ sự ủng hộ cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội...

Bốn là, tiên phong trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đến nay Việt Nam đã có 57 di sản, danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất một danh hiệu UNESCO. Các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam là cách thức hữu hiệu bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam phát triển năng động, mô hình thành công của đổi mới, mở cửa và hội nhập, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.

Năm nay, chúng ta sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hội nghị quốc tế đánh giá về vai trò của các danh hiệu UNESCO cho phát triển bền vững, nhằm tranh thủ tri thức, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, du lịch bền vững sau đại dịch; đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Năm là, nâng cao vị thế và uy tín đất nước thông qua nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, tăng cường đảm nhận trọng trách quốc tế, vai trò điều hành tại các cơ chế của UNESCO như thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Chúng ta cũng tiếp tục vận động ứng cử vào Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 để đóng góp vào công việc chung của UNESCO.