VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Xin chữ đầu năm: Nét đẹp văn hóa của người Việt
Ngày đăng 30/01/2023 | 1:18 AM  | View count: 91

Xin chữ, cho chữ là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những câu đối, bức thư pháp không chỉ dừng lại là nghệ thuật viết chữ đẹp, sự am hiểu của các ông đồ về Nho giáo, mà qua đó còn thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc đã có từ ngàn đời nay cần được gìn giữ và phát huy.

Xin chữ - những giá trị nhân văn

 

Từ xa xưa, chữ viết luôn được người Việt coi trọng và gìn giữ… Với mỗi người Việt Nam, ngày Xuân năm mới là ngày khởi đầu mang theo nhiều điều tốt đẹp, niềm tin và hy vọng về một năm vạn sự như ý. Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt mỗi dịp Tết đến Xuân về, thông qua việc xin chữ mỗi người sẽ gửi gắm những ước muốn, dự định của mình cho cả năm nhận được nhiều may mắn, bình an, phúc thọ tràn đầy. Xin chữ, cho chữ bắt nguồn từ việc, các nhà nho xưa kia coi đây là thú chơi, viết tặng nhau những bức thư pháp, câu đối, bài thơ, bài phú… nhân dịp đầu Xuân năm mới, mừng thọ, mừng tân gia, mừng duyên mới.

Hình ảnh những ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, bày “mực tàu giấy đỏ”, giấy vàng trở nên thân thuộc biết bao mỗi dịp đầu Xuân năm mới. Màu đỏ tượng trưng cho rực rỡ của tương lai, màu vàng tượng trưng cho phú quý. Những con chữ rồng bay, phượng múa được viết trên nền giấy vàng, đỏ như một lời chúc của người cho chữ cũng như ước nguyện của người xin chữ sẽ đón những may mắn, thành công rực rỡ trong năm mới. Có thể thấy rằng, tục lệ xin chữ đầu năm như một món quà tinh thần vô giá không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân năm mới của người Việt.

 

Cho chữ và xin chữ đầu năm là phong tục có từ lâu đời của người Việt Ảnh: Vinh Nguyễn 

 

Xuất phát từ việc gửi gắm những mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực trong năm mới, người đi xin chữ trước khi đến gặp các ông đồ đã đặt niềm tin vào những con chữ muốn xin hoặc nói lên những nguyện vọng để các thầy viết tặng những con chữ, lời chúc phù hợp.

Từng chữ được trích ra từ trong kinh điển không cần dài dòng nhưng lại hàm chứa trong đó rất nhiều nội hàm sâu sắc mà ở đó là những ước nguyện hết sức chính đáng của mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Không phải việc xin chữ tự nhiên thành mà bởi những người xin chữ đã gửi gắm niềm tin vào đó từng con chữ để có thêm động lực, quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu và nguyện vọng đã đặt ra trong năm mới.


Giữ gìn nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau


Tục xin chữ đầu năm tưởng như có lúc bị mai một do nhiều điều kiện tác động. Gần đây các câu lạc bộ, cá nhân các thầy đồ cũng làm nhiều việc để tuyên truyền cho đông đảo người dân, trong đó có các bạn trẻ hiểu giá trị, nguồn gốc của nền Nho học, thông qua các triển lãm, kết hợp với các nhà trường, các chương trình hội sách bài dựng lều, chõng viết tặng chữ thư pháp cho các cháu học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác xã hội, đoàn đội dịp kết thúc năm học.

 


 

Không chỉ các trường học, một số doanh nghiệp cũng chọn tặng, tri ân khách hàng món quà văn hoá tinh thần là bức thư pháp đầy ý nghĩa và trang trọng. Hoặc trong giỏ quà Tết tặng đối tác, khách hàng, bên cạnh rượu, chè, thuốc lá, bánh mứt Tết truyền thống là món đồ vật chất cũng có bức thư pháp trang trọng tặng kèm trong đó, Qua đây, đông đảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận nền Nho học, đặc biệt nghệ thuật thư pháp, giúp mỗi người trong chúng ta thêm trân quý, nhớ về nguồn cội dân tộc một cách tự nhiên nhất.


Khi đặt bút lên viết mỗi nét chữ thư pháp, người viết phải dành tâm trí của mình vào đó. Khi cho chữ cũng chính là cho đi tình cảm chứ không đơn thuần là viết chữ. Chính điều này mới có thể tạo nên giá trị, hồn cách và nét đẹp của việc cho và xin chữ.

 

                                                                                                                           Uyển Nhi