VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Tết xưa - Tết nay: những giá trị văn hóa cốt lõi
Ngày đăng 30/01/2023 | 3:45 AM  | View count: 224

Tết Nguyên đán là dịp hội tụ những nét văn hóa truyền thống hơn bất cứ dịp nào trong năm. Thế nhưng những nét văn hóa ấy đac có sự thay đổi trong xã hội hiện đại. Chúng ta đang sống giữa thời đại đổi mới, bước vào kỷ nguyên số - nơi người ta dần thay những thứ cũ kỹ bằng những xu hướng mới để tiếp cận gần hơn với sự phát triển của xã hội. Một trong những thay đổi rõ nét nhất là cách “ăn” Tết.

Trong những ngày đầu xuân năm mới, chúng ta cùng dành một khoảng lặng và xem Tết xưa - Tết nay đã thay đổi thế nào...

 

Việc sắm  sắm Tết nay đã khác xưa

Cứ đến tháng Chạp, dọc các con đường từ miền quê đến thành phố đều tấp nập dòng người ngược xuôi lo sắm Tết. Từ những cành đào, chậu mai, cây quất đến những chiếc lá dong kèm xấp lạt để gói bánh chưng.

Tết cổ truyền xưa luôn níu chân người ta lâu hơn ngoài phố để hối hả chọn được những thứ ngon nhất, đẹp nhất về trưng Tết, để cả gia đình có thể đón ngày đầu năm mới tươm tất nhất có thể.Trước kia ai ai cũng hối hả chen nhau để tỉ mẩn chọn cho mình được cành đào nhiều nụ, nhiều lộc nhất. Mọi thứ cho Tết đều có thể mua được ở chợ. Cũng vì thế mà chợ Tết ngày xưa là cái gì đó náo nức và lắng đọng thật lâu trong ký ức mỗi người. 

 

Không khí đón Tết ấm áp khi cả gia đình cùng nhau quây quần quanh nồi bánh chưng và bếp lửa đỏ Ảnh: VNEpress

 

Ngày nay, chuyện sắm Tết đã khác, có khi ngồi tại nhà đặt mua đồ trên các cửa hàng online và đồ cũng đượcchuyển đến tận nhà. Dẫu vậy, trong mỗi nhà, vẫn không thể thiếu được cành đào, cành mai hay chậu quất. Có chăng, người ta thích chơi thêm những chậu bonsai, hay những chậu hoa lan, mơ trắng hoặc đào rừng... Có thể nói cây hay hoa là những thứ không thể thiếu giữa Tết xưa và nay.

 Ngày xưa, đám trẻ con háo hức ngồi xem ông bà, cha mẹ gói bánh chưng, tối trông nồi bánh chưng trên bếp lửa tiện thể nướng vài củ khoai ăn chống đói. Xưa kia, ngay từ đầu năm, mỗi nhà gom góp nuôi một con lợn để ăn Tết.Cuối năm, họ quây quần, đụng lợn làm giò chả để đón Tết. Ngày nay, bánh chưng, bánh tét bán quanh năm, mua lúc nào cũng có. Việc gói bánh chưng hay bánh tét cốt chỉ để có không khí Tết, chứ cũng không câu nệ bắt buộc. Nhiều nhà neo người, đặt mua vài cái bánh chưng, có khi ăn cả Tết còn không hết.

Ngày nay, các trung tâm thương mại, siêu thị và nhiều cửa hàng tạp hóa mọc lên khắp nơi, người dân không phải chen chúc, có thể thoải mái mua nhiều mặt hàng khác nhau về ăn Tết. 

 

Đan xen xưa nay trong  phong tục lấy may đầu năm

Tết cổ truyền xưa luôn có những phong tục lấy may. Những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới là những giây phút thiêng liêng, bởi vậy người ta luôn thực hiện những điều tốt đẹp để mong những điều may mắn.

Chẳng hạn như đêm Giao thừa đốt pháo để chúc mừng năm mới, hái lộc đầu xuân để rước may mắn về nhà, xông đất đầu năm để “lấy vía” từ người thành công, khai bút đầu xuân để cầu mong may mắn trong học hành, sự nghiệp,...

 

Còn ngày nay, đêm ba mươi, nhiều nhà tranh thủ dọn dẹp, trưng bày nốt mâm cỗ để cúng Gia tiên, tiện thể xem chương trình Táo Quân, Gặp nhau cuối năm trước khi đón Giao thừa. Nhiều gia đình hò hẹn đi đến các điểm bắn pháo hoa ngoài trời, hòa chung không khí đón năm mới cùng người dân trong cả nước. 

 

Tết xưa, trẻ con đều háo hức được bố mẹ mua cho quần áo mới để diện Tết. Còn bây giờ, điều kiện dư dả, quần áo mua quanh năm, chẳng mấy ai còn bận tâm tới việc Tết phải mua quần áo mới nữa. Trước kia, những bao lì xì đỏ đầy yêu thương được đám trẻ cẩn thận xòe hai tay đón lấy. Đến nay, sự rộn ràng, háo hức đón lì xì ấy ít nhiều đổi bằng ánh mắt thất vọng nếu như số tiền trong phong bao không được nhiều như mong đợi.

 

Điều may mắn khi nhận phong bao lì xì là những câu chúc may mắn, an lành và nụ cười thân thương từ người mừng tuổi mới. Giờ đây, hiện đại hóa, ví điện tử phủ sóng dày đặc khắp thế giới, việc chuyển khoản trong tích tắc, người ở nửa bên kia địa cầu cũng sẽ nhận được tiền lì xì.

 

Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực căng thẳng và giới trẻ ngày nay cũng lựa chọn một lối sống hiện đại, mới mẻ - sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhiều người cố tìm kiếm một cái Tết thảnh thơi, không muốn vướng bận vào những âu lo, bộn bề và bận rộn của ngày Tết. Bởi cuộc sống hiện đại càng khiến người ta nhiều lo toan, tất bật nên không còn nhiều thời gian chuẩn bị đón Tết.

 

Những năm gần đây, thông điệp "Tết sẻ chia", "Tết yêu thương" xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đó là sự sẻ chia cùng công nhân khu công nghiệp về quê, đó là giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội, là những món quà giúp "Tết ấm" cho trẻ vùng cao. Những ngày cuối năm này, nhiều bạn trẻ bận bịu "gom đồ" để những trẻ em vùng dân tộc thiểu số có cái Tết ấm áp hơn, yêu thương hơn. Nhiều phụ huynh cho con đi du lịch vùng cao, kết hợp làm từ thiện giúp đỡ trẻ nghèo trong dịp Tết, để vừa vui xuân, vừa giáo dục con cái. Nhìn vào phong tục Tết của dân tộc, có thể nhận thấy một số giá trị mới đang hình thành khi Tết đến-xuân về.

 

Cuộc sống luôn đổi thay. Trước kia người dân có nhiều phong tục khác bây giờ. Sau này rồi nhiều phong tục Tết sẽ còn thay đổi. Nhưng những giá trị luôn vững bền mà mỗi người cần hướng tới, là giá trị chân-thiện-mỹ. Phong tục Tết cũng thế, đừng câu nệ vào hình thức, mà cần hướng đến cái cốt lõi. Để từ đó, ta sẵn sàng cho sự giao thoa với những luồng văn hóa khác nhau, sẵn sàng chọn lọc, tiếp thu, tích hợp cái mới mẻ, tiến bộ.

                                                                                                        

                                                                                                                            Phương Mai