VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Áo dài - sức mạnh mềm của Việt Nam
Ngày đăng 12/12/2022 | 7:31 AM  | View count: 606

Không phải loại trang phục nào cũng có sức mạnh bền bỉ theo thời gian và có một vị thế riêng trong lòng người dân Việt, dù cho các xu hướng thời trang luôn cập nhật mới mẻ từng ngày từng giờ.

Trải qua những khoảng thăng trầm lịch sử, đi cùng đất nước trên chặng đường lớn lên, áo dài như trở thành một nhân chứng sống, góp phần vào bụi vàng văn hoá, lối sống, bản sắc riêng biệt của con người Việt Nam, từ đó kết tinh nên một vẻ đẹp mà không loại trang phục thời trang nào có thể so sánh được. 

 

Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống Ảnh: Vietnam+

“Xin làm ơn đi chậm lại! Trời, đẹp quá!”. Ông quay phim hét to lên loa phóng thanh để đề nghị đoàn Việt Nam hãy đi chậm lại để lên khuôn hình cho đẹp. Những tà áo dài thướt tha, đủ màu sắc và hoa văn trang trí khiến cho đoàn diễu hành đột nhiên bừng sáng như có đàn bướm chấp chới vẫy cánh lạc vào một rừng hoa. Những ngày cuối tuần, Hà Nội chuyển lạnh nhưng khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tản bộ, vui chơi tham gia nhiều hoạt động tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 diễn ra tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 có sự tham gia của các người mẫu chuyên và không chuyên, các nhà ngoại giao nước ngoài đến từ các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế trên địa bàn Thủ đô. Sự thành công của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 tiếp tục viết nên câu chuyện về tình yêu áo dài và hành trình đưa áo dài gắn với du lịch, trở thành “Đại sứ du lịch” của Hà Nội và cả nước.

Còn một câu chuyện nữa, cách đây hơn chục năm, một cặp vợ chồng người Mỹ là đối tác của Nhà xuất bản Thế giới, yêu Việt Nam đến mức mà cứ ngày Quốc khánh Việt Nam thì thế nào người vợ cũng sẽ tự tay làm nem rán và một vài món Việt, mặc áo dài Việt mà bà đã cắt may ở Hà Nội, mời du học sinh Việt Nam quen biết đến để nâng cốc chúc mừng. Thật đáng tiếc là bà đã đột quỵ năm nọ và ra đi mãi mãi. Nhưng ông chồng, khi sang thăm chúng tôi vẫn còn nhắc lại kỷ niệm tuyệt vời này.

Và cũng nhiều lần, những người bạn quốc tế của chúng tôi tìm mua búp bê hình thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài, đội nón và nhiều người cũng nhờ chúng tôi cho thông tin về người may đo áo dài Việt. Quả thực, áo dài Việt Nam đã trở thành một dấu chỉ để nhận biết được bản dạng hay bản sắc Việt. Ẩm thực, trang phục, kiến trúc, âm nhạc, lối ứng xử, thói quen tư duy… đều tham gia đóng góp xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Thực ra, trước khi xuất hiện áo dài thì người Việt cả nam và nữ hay mặc áo giao lĩnh (2 vạt cổ áo vắt chéo nhau). Từ năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ra sắc lệnh bắt dân Đàng Trong mặc loại áo dài cài khuy bên phải. Sau này vua Minh Mạng triều Nguyễn còn ra sắc chỉ quy định loại áo này cho toàn thể cõi Việt Nam thống nhất. Đó chính là loại áo ngũ thân (5 vạt), tiền thân cho loại áo dài hai thân (2 vạt). Gọi là áo ngũ thân vì khổ vải xưa dệt bằng phương pháp thủ công nên nó không rộng; người ta chắp 2 mảnh vào để tạo ra một vạt và thêm một mảnh (1/2 vạt) ở bên để lấy chỗ cài khuy tay phải và xòe ra che thân khi người mặc áo ngồi. Áo ngũ thân lúc đầu lụng thụng; đến những nam 1930, họa sĩ Cát Tường cải biên chiếc áo thành hai vạt, bó thân người hơn, đường xẻ nách cao hơn, cổ thon nhỏ lại; đủ sức để tôn những nét đẹp hình thể vốn có của phụ nữ. Thêm nữa, chiếc áo dài cách tân này có ưu điểm lớn là che kín được khuyết điểm (nếu có) về hình thể. Nó khiến phái nữ khi mặc lên là bừng sáng, xinh đẹp, trẻ trung, sang trọng. Phải chăng vì thế mà nó tạo ra sức mạnh vô hình cho phụ nữ Việt Nam chinh phục được trái tim bạn bè quốc tế. Thấy áo dài ở đâu là thấy luôn cả Việt Nam, cũng như người ta nhận ra người Nhật mặc bộ Ki-mô-nô, hay người Hàn là nhớ bộ Han-bok.

Nam cán bộ, công chức ngành văn hóa tại Thừa Thiên-Huế trong trang phục áo dài ngũ thân Ảnh: V.T.H

Những năm gần đây, phong trào tìm về cội nguồn dân tộc đã làm sống dậy các di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại, trong đó có chiếc áo dài ngũ thân dành cho nam giới. Kiểu áo này cũng thuộc loại áo dài mặc trong các hoàn cảnh trang trọng, và bước đầu nó đã được khôi phục này, có cải biến để thích ứng với đời sống hiện tại… Những thử nghiệm mà các vị Đại sứ nước ta như Phạm Sanh Châu, Trần Văn An, Đinh Toàn Thắng... mặc khi trình quốc thư lên lãnh đạo tối cao nước chủ nhà chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận quốc thư, thay vì mặc comple đã quá quen thuộc. Chúng tôi nghĩ rằng trong các dịp lễ tết truyền thống, hay lễ nghi đối ngoại, nếu cả nam giới cũng mặc bộ “Quốc phục” này thì sẽ tạo cảm xúc hay ấn tượng tốt đẹp cho khách nước ngoài. Trang phục truyền thống là sản phẩm sáng tạo của vô vàn nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà may đo thực hiện; nó là cả một di sản văn hóa quý báu của dân tộc để lại mà chúng ta nên khai thác, biến nó thành sức mạnh mềm để quảng bá cho văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hiện đại mà vẫn không quên truyền thống. 

                                                                                       Trần Lâm