VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH
Đại dịch Covid - 19 hoành hành gây ra tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và được ví như một cuộc đại suy thoái lần 2. Ngành du lịch Việt Nam và các nước là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất.Năm 2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách du lịch giảm. Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục bị thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch giảm mạnh,dịch bệnh làm “đóng băng” ngành du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Thủ đô Hà Nội nói riêng .
Sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, du lịch Hà Nội đã có dấu hiệu khởi sắc hơn khi nhiều sản phẩm du lịch mới thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch đã được hình thành, hâm nóng thị trường du lịch nội địa từ cuối năm 2021. Bước vào năm 2022, từ giữa tháng Hai, thành phố Hà Nội đã cho phép các điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trở lại đón du khách trong dịp đầu năm mới Nhâm Dần. Cùng với việc mở cửa du lịch quốc tế và các hãng hàng không khôi phục nhiều đường bay quốc tế đã tạo điều kiện cho ngành Du lịch Thủ đô từng bước phục hồi và phát triển.Với những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023, trong đó tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa; đồng thời, tổ chức khai thác phục vụ khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.Các đơn vị kinh doanh du lịch chủ động tìm kiếm thị trường khách mới để sẵn sàng phục hồi. Ngoài những sản phẩm mang tính đặc thù của Hà Nội, như: Tour xe đạp khám phá phố cổ, tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" duy trì hằng tuần, các đơn vị còn xây dựng nhiều sản phẩm "độc, lạ" để hấp dẫn du khách như tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” hay tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt”… Với những tín hiệu khởi sắc trên cùng nhiệm vụ rõ ràng đã được đặt ra trong năm 2022, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ ngành du lịch Thủ đô sẽ quyết tâm sớm phục hồi thị trường, đưa "kinh tế xanh" của Hà Nội trở thành "nền kinh tế mũi nhọn" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
"Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế", bà Đặng Hương Giang cho biết.
Đón cơ hội lớn cho việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh của Hà Nội nhân dịp Sea Games 31, ngành du lịch Thủ đô đã có kế hoạch chuẩn bị công tác tuyên truyền, xây dựng sản phẩm du lịch, chuẩn bị hệ thống lưu trú trước, trong và sau sự kiện lớn này.Để tạo sức hấp dẫn, kích cầudu lịch, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức lễ hội du lịch nhân dịp SEA Games 31 để thu hút khách trong và ngoài nước. Hàng loạt các sự kiện đã được tổ chức để chào đón SEA Games 31 không những thu hút khách du lịch mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa không khí của sự kiện thể thao lớn này. Đó là Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get On Hanoi 2022" và trải nghiệm bay khinh khí cầu do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức; Hành trình Hữu nghị năm 2022 tại huyện Quốc Oai; Lễ hội quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm; Tuần lễ du lịch Bát Tràng; khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; khai mạc Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 và đón quyết định công nhận "Điểm Du lịch Phù Đổng" Lễ hội Tình yêu tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín …..
Sở Du lịch cũng tích cực tham gia, tổ chức các sự kiện trong dịp tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi) 2022; tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh đến các di tích danh thắng trên địa bàn Thành phố.Một trong những giải pháp tăng lượng khách đến Thủ đô cũng như níu giữ chân khách ở lại lâu hơn là Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành bạn; liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch của khu vực nội thành và ngoại thành; liên kết giữa các điểm đến với công ty lữ hành.
Đến thời điểm này, với thông điệp“Hà Nội - đến để yêu”, lượng khách du lịch đến Hà Nội có tín hiệu khởi sắc trở lại. Phải nói rằng, dịch Covid-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế, trong đó có du lịch. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đại dịch này cũng tạo ra một “cuộc cách mạng” lớn, buộc các đơn vị phải tích cực chuyển đổi, sáng tạo. Du lịch Hà Nội đã có sự vận động mạnh mẽ, được chứng minh ở sự chuyển mình với nhiều mô hình du lịch mới được hình thành ngay trong mùa dịch. Điều này góp phần tô đậm hơn bản sắc du lịch Hà Nội, định vị rõ ràng hơn thương hiệu: Du lịch Hà Nội - Du lịch của văn hoá và di sản, khẳng định Hà Nội, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Ngân An