VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH
HAUFO - Trong cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhà văn Thạch Lam khẳng định, bánh cuốn Thanh Trì là thức quà chính tông của người Hà Nội.
Thanh Trì là một trong những ngôi làng cổ nhất của thành Thăng Long xưa, nay được gọi là một “huyện”, nằm ở phía Đông Nam thành phố Hà Nội. Nơi đây nổi tiếng là mảnh đất có nhiều sản vật giá trị, như: dệt quai thao Triều Khúc, sơn vẽ Đông Phù, mây tre Vạn Phúc,... Nổi tiếng nhất vẫn phải kể đến món bánh cuốn Thanh Trì.
Bánh cuốn Thanh Trì khác gì so với những món bánh cuốn khác? Thứ nhất, là bởi vì bánh cuốn Thanh Trì không có nhân mộc nhĩ, nấm hương; thứ hai, bánh cuốn Thanh Trì có thể ăn nguội, không cần ăn nóng. Bánh cuốn ăn ngon nhất khi kết hợp ăn kèm với nước chấm, hành phi, một chút rau húng; đôi lúc ăn kèm miếng chả lợn hoặc đậu mơ.
Cũng có người thắc mắc, món ăn này đơn giản vậy, làm sao có thể trở thành một món đặc trưng của đất Hà Thành; cùng với phở, bún đậu mắm tôm - những món ăn vô cùng nổi tiếng?
Đáp án nằm ở phần bánh được làm vô cùng tinh tế và cầu kỳ. Ngay từ khâu chọn gạo, người Thanh Trì đã chọn loại gạo tẻ ngon, ngâm 2 -3 tiếng mới xay thật nhuyễn rồi trộn với nước. Tỉ lệ bột và nước phải vừa phải, không thể quá loãng hoặc quá khô, ảnh hưởng tới chất lượng bánh.
Hồi nhỏ, mỗi lần ăn bánh cuốn, tôi thấy tráng bánh là một công việc rất thú vị. Bánh cuốn Thanh Trì đòi hỏi một lớp bánh phải mỏng và mượt; khi dàn ra phải thật đều, khi gạt ra phải cẩn thận; bánh không thể bị dày hoặc bị rách. Những lớp bánh đẹp sẽ được đặt trên chiếc thúng lót lá chuối để mang đi bán. Khi bày ra đĩa, bánh cuốn sẽ được phết thêm một lớp mỡ hành. Khi thưởng thức, cảm nhận của thực khách về món bánh, nói như nhà văn Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội” là, “chưa đến môi đã trôi đến cổ”.
Bên cạnh phần bánh ngon, phần nước chấm cũng được pha một cách tỉ mỉ. Cũng với những đường, nước mắm, giấm, nước và chút hạt tiêu; nhưng người Thanh Trì có tỉ lệ riêng để nước chấm không quá mặn mà cũng không quá chua, đặc biệt là không làm mất đi vị béo của mỡ hành được phết trên thân bánh.
Nói đến nước chấm bánh cuốn lại không thể nói tới cà cuống - một loài côn trùng sống dưới nước.. Nhiều người ưa nhỏ một giọt tinh dầu cà cuống vào nước chấm để làm tăng cái vị ngậy ngậy, cay cay. Đây cũng là thú ăn uống có phần “đắt đỏ”, bởi loại tinh dầu này số lượng rất ít và chỉ có ở cà cuống đực.
Người Hà Nội đam mê bánh cuốn Thanh Trì bởi sự dân dã và quen thuộc, nhưng từ khâu chế biến cho tới khâu thưởng thức, nó lại đòi hỏi một sự tinh tế và cẩn thận trong từng công đoạn.
Bánh cuốn Thanh Trì có thể đóng gói và vận chuyển rất dễ dàng, nên đây cũng là một món đặc sản hiếm hoi có thể mang đi làm quà. Ở Hà Nội, những hàng bánh cuốn Thanh Trì ngon thường là những hàng quán vỉa hè ở phố cổ, mở từ lúc 5 giờ sáng, đến 8 giờ đã hết hàng. Người Hà Nội ưa thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì vào những ngày mùa hạ nóng nực.
Nguyễn Hương Giang
Ảnh: Internet