VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Nghệ thuật múa rối trên đất Thăng Long có từ khi nào?
Ngày đăng 29/09/2020 | 10:35 AM  | View count: 411

HAUFO - Một trong những môn nghệ thuật dân gian được nhiều người yêu thích đó là múa rối.

Rối là nghệ thuật dùng con nộm (con rối) do người điều khiển làm trò trên sàn diễn gọi là rối cạn, trên mặt nước gọi là rối nước. Con nộm là công trình tạo hình (gắn bó với nghề tạc tượng ở nước ta) làm cơ sở vật chất cho nghệ thuật rối dân tộc. Đây là môn nghệ thuật cổ xưa có mặt trên nhiều quốc gia và được xem có nguồn gốc từ 3000 năm trước công nguyên. Với Việt Nam, trên đất Thăng Long – Hà Nội môn nghệ thuật này có từ khi nào? Điều này đã được tác giả Trần Việt Ngữ nêu trong cuốn sách Nghìn năm sân khấu Thăng Long xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 

Hầu hết các nước trên thế giới đều có múa rối. Việt Nam, múa rối là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống. Đến nay nghệ thuật múa rối Việt Nam đã đạt đến trình độ nghệ thuật có gia trị cao về tinh thần, là một trong những loại hình sân khấu giải trí hấp dẫn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại cùng với Nhà nước văn minh – Nghệ thuật thời Hùng Vương  gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ cách đây hơn 2000 năm. Con rối, trò rối thấy sử sách nhắc đến từ khi các dân tộc thế giới còn ở buổi sơ khai (thế kỷ V trước Công nguyên ở Ai Cập, châu Phi, Trung Quốc, châu Á; thế kỷ II ở Tây Á; thế kỷ III ở Đông Nam Á...). Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Trần Việt Ngữ thì chưa thấy sách sử chép trò rối có từ thời nào, họa chăng từ đời Lý, Trần, Lê mới ghi đây đó loại trò múa rối - leo dây. Có người nói rối bắt nguồn từ trò múa (mặt) nạ như múa Sọ người ở Đông Anh, hoặc nẩy sinh từ trò nhại dung dáng nói năng người chết trong các đám tang, sau chuyển sang dùng con nộm đóng thay.

Trước khi chính thức trở thành nghệ thuật sân khấu, múa rối nước là hoạt động nằm trong các phường hội dân gian rải rác khắp thôn xóm, được "nuôi lớn" bằng nhiệt huyết của người dân. Từ xa xưa, người Việt Nam đã chế tạo ra 3 dạng rối: rối đồ chơi, rối diều - rối gió và rối pháo.

 

 

Phổ biến nhất với nghệ thuật múa rối nước là rối đồ chơi. Các mô hình rối đồ chơi xuất phát đều là những khối gỗ mộc mạc. Sau khi được đẽo, khắc, tô màu dưới bàn tay của người nghệ sĩ, chúng sẽ trở nên có hồn hơn, trở thành một phần làm nên thành công của buổi diễn.

Nghệ nhân làm rối thường truyền nghề cho con trai mà không cho con gái học, sợ mất nghiệp. Rằng ngày trước cha ông ta dùng nộm để kể lại công tích các vị thánh thần bảo trợ làng xã, để dân xóm ngưỡng tín tri ân, sau mới vươn ra thể hiện những sinh hoạt đời thường ngày thêm mạnh thêm rộng, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật ngày một nâng cao của đông đảo bà con xóm làng. Hàng năm các phường rối làm lễ giỗ Tổ hay cúng tế thánh thần bản địa, vào các ngày "sinh" "hoá" của mỗi ngài, và tuỳ nơi mà có văn tế bằng chữ Hán hay chữ Nôm; có phường chỉ khấn miệng.

Cũng trong sách Nghìn năm sân khấu phần viết về múa rối của Thăng Long, tác giả Trần Việt Ngữ thấy rằng qua sổ tay điền dã của cán bộ ngành múa rối, thì miền Bắc nước ta còn dấu tích hoạt động của hơn 30 phường rối, với trên 100 trò lẻ, ở các dạng rối tay, rối que, rối dây và đặc biệt rối nước. Trước đây nghệ nhân rối là nông dân hoặc thợ thủ công vẫn lấy ruộng đồng làm nguồn sống chính; phường rối gồm toàn đàn ông trong nhiều lắm là vài ba gia đình, chỉ truyền nghề cho con trai, con rể, do Ông Trùm biết chút ít chữ Hán, chữ Nôm, thạo nghề, dẫn giắt lo liệu mọi việc; phường rối được làng cấp cho đôi ba sào ruộng lấy hoa lợi mà sắm sửa đồ nghề vật dụng; phường phải lo tròn đêm diễn tế cúng thánh thần bản địa, phải xem như suất "diễn thiêng", yêu cầu cũng là đòi hỏi, bà con ngồi, đứng vây kín ba bên thái độ kính tín, ngưỡng vọng, thoả thuê. Sau đêm đó, phường mới ra diễn bên ngoài những trò phản ánh sinh hoạt đời thường, làm vui mọi người trẩy hội. Họ tự hào vì làm tốt "công việc mà Thánh" hơn là chuyện "thu tiền người xem" trong hội làng nhà.

 

 

Có thể nói rối nước là tiếng nói, tâm hồn của người nông dân đất Việt từ đó đã lan tỏa sức hấp dẫn đến chốn kinh kỳ cũng như mọi nẻo. Nghệ thuật múa rối qua lịch sử cũng có nhiều đổi thay để không bị mai một mà được giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Để lưu giữ hồn cốt dân tộc, múa rối nước ngày một phát triển mạnh hơn với những phường rối nước được hình thành, đầu tư với nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc. Với Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, nghệ thuật múa rối đã được gìn giữ và phát huy với Nhà hát Múa rồi nước Thăng Long được thành lập năm 1969 và là một trong những điểm biểu diễn nghệ thuật múa rối nước nổi tiếng của Việt Nam. Nhà hát Múa rối nước Thăng Long là một trong những nhà hát múa rối truyền thống còn hoạt động và những con rối bằng gỗ sơn mài của nhà hát đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Từ năm 1990 nhà hát thường xuyên tổ chức lưu diễn quốc tế và đã tham dự nhiều liên hoan nghệ thuật múa rối toàn thế giới.

Múa rồi nước là môn nghệ thuật mà du khách nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam, thăm Hà Nội không bỏ qua thưởng thức buổi biểu diễn của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long.