VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Lễ hội truyền thống Thăng Long – Hà Nội
Ngày đăng 29/09/2020 | 10:11 AM  | View count: 483

HAUFO - Thăng Long - Hà Nội mảnh đất địa linh nhân kiệt, vùng đất ngàn năm văn hiến, một trung tâm văn hoá lớn của Việt Nam. Với các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đã trở thành một biểu tượng của văn hoá Việt Nam - kết tinh của nghìn năm văn hiến.

Là vùng đất cổ xưa nên cũng lưu truyền rất nhiều văn hoá lễ hội, đó là những món ăn tinh thần để nhân dân ta nhớ lại truyền thống hào hùng, anh dũng của dân tộc. Là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội nhất của miền Bắc Việt Nam, cùng với vùng đất Phú Thọ, xứ Kinh Bắc và các vùng đất khác, lễ hội truyền thống ở khu vực Hà Nội được tổ chức nhiều nhất vào mùa xuân. Phần nhiều lễ hội tưởng nhớ những nhân vật lịch sử, truyền thuyết như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Quang Trung, An Dương Vương, hội làng Đào Nguyên… Một số lễ hội có tổ chức những trò chơi dân gian độc đáo như hội thổi cơm thi làng Thị Cấm, hội bơi cạn và bắt chạch làng Hồ, hội chạy cờ làng Đơ Thao, lễ hội thả diều truyền thống Bá Giang.

 

Lễ hội Gò Đống Đa: Hằng năm diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch sau Tết Nguyên đán (5/1 âm lịch). Đây là nơi tổ chức lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Lễ tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Hội còn có nhiều tò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại gò Đống Đa lịch sử.

 

Màn sử thi tái hiện chiến thắng của vua Quang Trung tại trận Ngọc Hồi-Đống Đa Ảnh: Như Ý

 

Lễ hội Cổ Loa: Lễ hội hàng năm diễn ra tại Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, từ ngày mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch (chính hội vào ngày mồng 6) để tưởng nhớ Thục phán An Dương Vương, người đã được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi. Ông đã có công xây thành Cổ Loa, trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Trong dịp lễ hội, nhiều tích xưa như rước vua sống, lễ ươm gươm tại đền Sái, rước cỗ bỏng, … được tái hiện. Lễ hội đền Cổ Loa có đám rước thần uy nghiêm của 12 xóm trong xã. Trong phần hội có nhiều trò chơi vui: chơi đu, thổi cơm thi, hát ca trù, hát chèo…

 

Nghi thức lễ – tế – rước của Bát xã Loa Thành

 

Lễ hội Phù Đổng: Hội Gióng, hay Hội Phù Đổng (làng Phù Đổng) là lễ hội truyền thống lớn được tổ chức ở nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ để kỷ niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hội Gióng thực sự có sức thu hút kỳ diệu và đã được dân gian ghi nhận qua câu ca dao:

Ai ơi mùng chín tháng tư

 

Không đi Hội Gióng cũng hư mất người

 

Vào ngày mồng 9 tháng Tư âm lịch hàng năm, những người dân ở khắp nơi tụ hội về đây tham dự, xem lễ hội làng. Lễ hội làng Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3km gồm đền Thượng, đền Mẫu và chùa Kiến Sơ. Bắt đầu từ ngày mồng 6, dân làng tổ chức lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay lên đền Thượng và ngày chính hội tổ chức hội trận tái hiên lại cảnh Thánh Gióng phá giặc Ân. Các ngày từ mồng 10 đến 12 được tiếp nối bằng các lễ rửa khí giới, rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo.

 

 

Hội đền Đồng Nhân: Đền Đồng Nhân thuộc phường Đồng Nhân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây, hàng năm thường mở lễ hội từ ngày mồng 3 tới ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch. Đền thờ Hai Bà Trưng là thờ những vị nữ anh hùng đã có công đánh giặc Đông Hán giành quyền tự chủ cho đất nước và làm rạng ngời trang sử vẻ vang của dân tộc. Lễ hội hàng năm thu hút được khá nhiều du khách tới dự và tham quan du lịch.

 

Đám rước đi ra đường 

 

Hội làng Lệ Mật: Làng Lệ Mật nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Hằng năm mở hội vào ngày 23 tháng Ba âm lịch, tưởng nhớ Hoàng Đức Trung (thành hoàng làng Lệ Mật), người đã có công được vua Lý ban đất lập 13 trang trại. Hội Lệ Mật có trò múa rắn nhằm tôn vinh nghề bắt và nuôi rắn ở đây. Hội Lệ Mật còn là dịp để cư dân trong làng và những người đi xa có dịp về quê, ôn lại lịch sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn với tổ tiên.

 

Múa giảo long trước sân đình, điệu múa chính là câu chuyện kể lại sự tích có thật về vị Thành hoàng làng Hoàng Đức Trung đã có công cứu vớt công chúa nhà Lý trên sông

Thiên Đức.

 

Hội phủ Tây Hồ: Phủ Tây Hồ nơi người Hà Nội đi lễ vào các ngày mùng Một, ngày Rằm. Phủ được xây vào thế kỷ XVI thờ Mẫu Liễu Hạnh. Ngày mồng 3 tháng Ba âm lịch là ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh, rước kiệu các Mẫu từ phủ Tây Hồ qua đường Yên Phụ, Cổ Ngư, ngược lại đường Quán Thánh tới đền Nghĩa Lập (32 phố Hàng Đậu) lấy mã rồi quay lại. Các ngày mồng 6, mồng 7/3 có các cuộc thi văn, hát chầu văn, đàn hát ở chùa Phổ Linh (thôn Tây Hồ) lôi cuốn nhiều người tham gia.

 

 

Lễ hội chùa Hương: Diễn ra ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Lễ hội chùa Hương tấp nập du khách từ giữa tháng Giêng tới tận tháng Ba âm lịch, nhưng đông nhất vào khoảng từ ngày Rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai. Với cảnh núi non, sông nước cùng quần thể di tích chùa Hương, lễ hội là điểm đến của các tăng ni, phật tử, những người hành hương và du khách. Theo hành trình phổ biến, khách trẩy hội thường bắt đầu từ bến Đục, ngồi đò theo dòng suối Yến, ghé lễ đền Trình. Từ đó du khách tiếp tục đi qua cầu Hội, hang Sơn Thuỷ hữu tình, núi Đôi Chèo, núi Con Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà… rồi cập bến vào chùa Thiên Trù. Từ đây du khách bắt đầu hành trình đi bộ thăm chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và đến đệ nhất động Hương Tích. Vào những ngày lễ hội, dòng người trẩy hội kéo dài không ngớt. Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất ở Việt Nam, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách.

 

Các nghệ sĩ biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Hương 2020

 

Trên đây là những lễ hội tiêu biểu, ngoài ra, Hà Nội còn rất nhiều lễ hội lớn nhỏ khác nhau mang đậm bản sắc văn hoá và lịch sử của người Hà Nội như hội đền Bạch Mã, hội Đền Voi Phục, hội Đền Ghềnh, hội làng Triều Khúc, hội Bơi Thượng Cát, hội Bích Câu đạo quán… Có thể thấy đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý giá cho hoạt động khai thác và phát triển du lịch Thăng Long – Hà Nội.

 

Gia Trang