VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH
HAUFO - Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử và biểu tượng vô cùng ý nghĩa đối với người dân Thủ đô Hà Nội. Không những thế, cầu Long Biên còn là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng toàn cảnh Hà Nội từ trên cao và có những phút giây thư giãn thoải mái, bình yên nhất. Hãy cùng tìm hiểu thông tin giới thiệu lịch sử Cầu Long Biên ở Hà Nội chi tiết dưới đây để biết thêm về cây cầu nổi tiếng này.
1. Địa chỉ cầu Long Biên ở đâu?
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên nằm bắc ngang qua sông Hồng, nối hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, cầu Long Biên còn được xem là một chứng tích lịch sử quan trọng đã chứng kiến những thăng trầm của Hà Nội qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898, khánh thành vào ngày 28/02/1902 và đến nay cầu đã nhuốm màu của thời gian dù đã được tu sửa nhiều lần. Vì vậy, sau quần thể Tháp Bút – đền Ngọc Sơn cùng chùa Một Cột, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng đặc trưng và độc đáo nhất về lịch sử, văn hóa Hà Nội do con người tạo ra.
2. Lịch sử thăng trầm của cầu Long Biên
Năm 1897, dự án xây dựng cầu Long Biên đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua với mục đích nâng cao cơ sở hạ tầng và cần thiết cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương đã chọn công ty Daydé & Pille làm nhà thầu chính trong việc thiết kế và thi công cầu với số tiền chi tiêu cho phép là 5.900.000 Franc.
Tuy nhiên, trên thực tế, tổng số tiền chi phí cho công trình lớn nhất Đông Dương này là 6.200.000 Franc. Việc cho xây dựng cầu Long Biên còn có ý nghĩa giúp lưu thông hàng hóa dễ dàng từ trung tâm đồng bằng Bắc Bộ đến Hải Phòng và quay vào Hà Nội. Ngày 13/9/1889, cầu chính thức được khởi công xây dựng bên bờ tả ngạn sông Cái và được công ty Daydé & Pille thiết kế theo kiểu có rầm chìa.
Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu đã hoàn thành và được lấy tên là cầu Doumer – tên của Toàn quyền Đông Dương. Vào thời đó, đây là câu cầu lớn nhất Đông Dương và còn được người Pháp ca ngợi gọi là cây cầu nối liền hai thế kỷ. Cầu Doumer gồm đoạn bắc qua sông dài 2.290m, gồm 19 nhịp dầm thép và đặt trên 20 trụ cao hơn 40m cùng 896m đường dẫn lên cầu xây bằng đá.
Ngoài ra, cầu còn thiết kế có đường sắt cho xe lửa chạy ở giữa và hai bên là đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ. Đặc biệt, Toàn quyền Đông Dương còn cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội đến biên giới Việt – Trung sẽ được đưa vào khai thác. Đồng thời, bến phà đường sông của Hà Nội bị xóa bỏ khiến cho nhu cầu thông thương và đi lại của người dân Bắc Kỳ không còn khó khăn nữa. Bên cạnh đó, cây cầu thép Doumer còn giúp cho kế hoạch khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trở nên thuận lợi và làm cho giao thông nối giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc được tiện lợi hơn.
Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Đốc lý Hà Nội – bác sỹ Trần Văn Lai đã đổi tên thành cầu Long Biên, tên gọi đó vẫn giữ đến tận ngày nay và trở thành một trong những điểm du lịch đẹp nhất Hà Nội. Ông Vũ Văn Thìn – người dân Hà Nội đã có nhiều kỷ niệm gắn bó với cây cầu này, cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), quân đội Việt Nam cho xây dựng hai trận địa pháo phòng không ở bãi giữa sông Hồng. Đồng thời, sử dụng những điểm cao trên thành cầu làm ụ pháo cao xạ để bắn phá máy bay Mỹ. Khi đó, các nhịp cầu bị máy bay Mỹ ném bom đánh hỏng nên thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu để đảm bảo giao thông qua cầu không bị gián đoạn.
Với sự phát triển của công nghệ và gia tăng dân số, sau 20 năm sử dụng, công ty Daydé & Pille đã xây dựng thêm hai làn đường dọc hai bên cầu. Trong đó, mỗi làn có chiều rộng 2m và vỉa hè dành cho người đi bộ là 1m. Đến năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã đưa ra quy định về việc lưu thông trên cầu, cụ thể là người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè với chiều ngược lại chiều của xe cộ và tốc độ giới hạn của xe qua cầu là 15km/giờ.
Ngoài ra, còn có nhiều quy tắc khác như mỗi súc vật kéo hay thồ có người điều khiển thì có thể qua cầu tất cả các giờ, nếu đi bầy đàn thì chỉ được qua cầu từ nửa đêm tới gần sáng; cấm đốt rác hay đốt lửa trên cầu… Hiện nay, cầu Long Biên chỉ dành riêng cho xe máy, xe lửa, xe đạp và người đi bộ. Đến năm 2002, cầu Long Biên lại được sửa chữa và gia cố lại với kiểu dáng độc đáo cả về thiết kế lẫn chất liệu xây dựng. Vì vậy, đã trở thành cây cầu sở hữu chiều dài lớn thứ hai trên thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông thời bấy giờ.
Cầu Long Biên không chỉ có nhiệm vụ quan trọng giúp người dân qua sông dễ dàng mà còn là chỗ dựa vững chắc để những đoàn xe vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ cho chiến tranh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dù bị bom đạn ném hơn phá hỏng nhiều nhịp cầu lẫn trụ lớn hơn 10 lần nhưng cầu Long Biên vẫn được tiếp tục đi vào hoạt động. Và đến ngày hôm nay, cây cầu còn đứng vững là nhờ vào công sức giữ gìn và bảo vệ của những người dân Việt Nam yêu nước. Theo kinh nghiệm đi du lịch Hà Nội, dù hiện nay thủ đô Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu rộng rãi và hiện đại hơn như cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân. Song cầu Long Biên vẫn là một chứng nhân lịch sử vô cùng quan trọng của Hà Nội đã tồn tại qua hai thế kỷ.
Không những vậy, cầu vẫn giữ vai trò kết nối các phương tiện xe máy, xe đạp, tàu hỏa lưu thông từ bờ này sang bờ kia sông Hồng. Đặc biệt, hướng đi của các phương tiện nằm bên trái cầu được xem là trái ngược với luồng giao thông của Việt Nam và ở đầu cầu vẫn còn gắn tấm biển kim loại khắc tên nhà thầu thi công cùng thời gian xây dựng cầu. Và khi nhắc đến cầu Long Biên là nói tới một cây cầu nổi tiếng nối liền lịch sử với hiện tại và một trong những biểu tượng đặc trưng về một Hà Nội xưa lam lũ, vất vả.
Ngày nay, cầu Long Biên thu hút rất nhiều du khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử xưa. Khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh sông Hồng thơ mộng, ngắm nhìn sà lan nổi bên dưới hay dạo bộ, đạp xe thư giãn trên cầu. Đặc biệt, bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm lý tưởng để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên cầu, xa xa sẽ thấy cầu Chương Dương cùng với toàn cảnh Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, du khách còn được chứng kiến tận mắt những phần khung thép gỉ và nhiều chỗ bị quân đội Mỹ ném bom trên cầu trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Ngoài ra, cạnh cầu Long Biên còn có bãi đá sông Hồng với khung cảnh rộng lớn, xanh ngắt là địa điểm quen thuộc được giới trẻ Hà Thành và khách du lịch đến chụp ảnh, tận hưởng không khí trong lành.
Vào buổi chiều, du khách có thể ghé qua khu chợ trời ở gần cầu để mua rau xanh, hoa quả tươi ngon và đồ ăn nhanh. Đêm đến, khi đi dọc cầu Long Biên, du khách sẽ bắt gặp người dân đang đi dạo, tập thể dục; những cặp đôi đang hẹn hò trên cầu hay ở thành cầu còn sót lại những ổ khóa, những dòng chữ trắng xóa chứng minh tình yêu đôi lứa… Đồng thời, du khách còn cảm nhận từng cơn gió mát lạnh từ sông Hồng thổi vào xua tan đi những ưu phiền trong cuộc sống.
Nếu đến Hà Nội vào mùa đông thì cầu Long Biên còn là nơi lý tưởng để nhâm nhi món ngô, khoai nướng nóng hổi và thơm lừng. Tham khảo thông tin giới thiệu lịch sử Cầu Long Biên ở Hà Nội được cung cấp đầy đủ trên đây, du khách sẽ hiểu thêm về quá khứ hào hùng của cây cầu nổi tiếng bậc nhất thủ đô, giúp chuyến du lịch Hà Nội càng thêm thú vị, đáng nhớ.
Nguồn: Du lịch Việt Vui tổng hợp