VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH
HAUFO - Nằm ở ngoại ô Hà Nội các làng nghề truyền thống không chỉ góp phần làm giàu đất kinh kỳ xưa mà luôn còn là một nét văn hóa hấp dẫn. Mỗi làng nghề mang một đặc trưng, một vẻ đẹp riêng có để mỗi du khách tự cảm nhận và trải nghiệm.
Những phát hiện về khảo cổ học và những cứ liệu lịch sử đã chứng minh được các làng nghề Việt Nam ra đời từ hàng ngàn năm trước đây. Làng nghề là một đơn vị hành chính cổ xưa, mang hàm ý là những người cùng nghề sống hợp quần thể để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc và các cá biệt của địa phương. Các làng nghề truyền thống hầu hết tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định... Một số ít rải rác ở các vùng cao và châu thổ miền Trung và miền Nam
Hà Nội vốn là vùng đất kinh kỳ, chốn giao thương náo nhiệt nên bao quanh thành phố tập trung rất đông đúc những làng nghề thủ công truyền thống. Chính những làng nghề nhỏ bé ấy đã góp phần tạo nên một tổng thể văn hóa đậm nét dân gian cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và ngoại vi kinh thành cũ nói riêng. Ngày nay, nhiều làng nghề cũ vẫn còn tồn tại và trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho những du khách say mê tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương.
LÀNG GỐM BÁT TRÀNG
Chắc chắn khi nhắc đến các làng nghề truyền thống ở Hà Nội thì làng gốm sứ Bát Tràng sẽ là điểm đến được nhắc đến đầu tiên. Bởi làng gốm này đã trải qua lịch sử hàng trăm năm tạo dựng nên những sản phẩm gốm sứ mang tính nghệ thuật cao.
Lò Bầu ở Bát Tràng được ra đời từ cuối thế kỷ XIX, là lò nung gốm sử dụng củi để đun đốt
Bát Tràng là một làng cổ nằm bên sông Hồng, từ xưa, người dân ở đây đã sinh sống và phát triển bằng nghề gốm sứ. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và kỹ thuật lò nung chuẩn xác cùng với việc thổi “linh hồn” vào tác phầm, các nghệ nhân ở đây đã khéo léo tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã thể hiện cho sự tinh tế của con người.
Dành thời gian ghé qua làng cổ Bát Tràng, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc lâu đời và trải nghiệm một đời sống bình yên nơi làng quê. Với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và thấm đẫm màu thời gian, Bát Tràng chính là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi còn lưu dấu tại Hà Nội với những di tích thời xưa như: nhà cổ Vạn Vân, đình làng Bát Tràng.
Hầu hết khách du lịch khi đến với làng gốm Bát Tràng đều mong muốn được một lần tự mình làm ra những sản phẩm gốm sứ độc đáo. Chỉ với một chút "học phí" nho nhỏ, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn các thao tác cơ bản để tạo nên một tác phẩm gốm của riêng mình. Từ cách điều khiển bàn xoay, nhào nặn đất sét cho đến khi sản phẩm được cho vào lò nung và giao lại cho bạn để mang về nhà, tất cả sẽ cho bạn một cơ hội trải nghiệm vô cùng đặc biệt.
LÀNG LỤA VẠN PHÚC
Lụa Hà Đông hay làng lụa Vạn Phúc chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km.
Các sản phẩm lụa tơ tằm Hà Đông có tiếng từ cách đây hàng trăm năm. Vào thời phong kiến, lụa Vạn Phúc là một trong những loại lụa xuất sắc nhất được chọn để may quần áo cho triều đình. Do vậy, người xưa mới có câu ca dao:
"Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông…”
Tơ lụa Vạn Phúc là những mặt hàng dệt thủ công từ tơ tằm, bền, đẹp, lại vô cùng phong phú về màu sắc, kiểu dáng. Nhiều năm trở lại đây, làng lụa Vạn Phúc đã phát triển và trở thành một trong các điểm du lịch được yêu thích nhất tại Hà Nội bởi những vẻ đẹp rất riêng với bao "lụa là gấm vóc".
Nếu có một lần đến thăm làng nghề truyền thống của Hà Nội này, bạn sẽ được đi tham quan xưởng dệt, được tìm hiểu quy trình để tạo ra những tấm lụa mềm mịn, từ công đoạn như khâu tơ, hồ sợi, khâu dệt đến khâu nhuộm… Mỗi khâu đều phải tiến hành từng bước khá công phu thì mới cho ra đời được những sản phẩm chất lượng nhất khiến lụa Hà Đông lừng danh khắp trong nước.
LÀNG NÓN CHUÔNG
Từ bao đời nay, hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc đã trở thành một trong những biểu tượng in đậm trong tâm thức của đất nước và con người Việt Nam. Khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đều có những vùng làm nón lá mang những nét đẹp và sắc thái riêng biệt. Và nón lá bền đẹp nức tiếng ở vùng Bắc Bộ chính là nón lá của làng Chuông, Hà Nội.
Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng đến làng Chuông, bạn vẫn dễ dàng được chiêm ngưỡng những mảnh sân phơi đầy nón trắng mong manh trong nắng.
Trong làng, ai ai cũng biết làm nón, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều tranh thủ tham gia làm nón những lúc nông nhàn. Những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ ấy đã cho ra đời những sản phẩm vô cùng độc đáo, mang đặc trưng rất riêng của người Việt.
Ghé thăm làng nón Chuông, bạn nên đến vào dịp tổ chức phiên họp chợ Nón vào các ngày 4,10, 14, 20, 24, 30 âm lịch hằng tháng để có cơ hội trải nghiệm sự tấp nập và những nét văn hoá lâu đời vẫn còn lưu giữ tại nơi đây.
Thêm một điều ấn tượng ở làng nghề truyền thống này là nơi đây còn rất nhiều ngôi nhà cổ vẫn đang được sử dụng, tạo nên một không gian văn hóa rất riêng biệt. Chính điều này sẽ mang lại cảm giác bình yên, sâu lắng cho mỗi du khách.
LÀNG HOA TÂY TỰU
Một trong những làng nghề truyền thống ở Hà Nội được nhiều du khách tìm đến vào mùa xuân chính là làng hoa Tây Tựu. Làng hoa này thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km. Đây là ngôi làng có truyền thống văn hóa và sản xuất lâu đời với nghề trồng hoa ở Tây Tựu được hình thành từ năm 1930. Qua gần 100 năm làm nghề, năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh là làng nghề truyền thống tại Hà Nội.
Nghề trồng hoa đã giúp nâng cao thu nhập, tạo mức sống tốt hơn cho người dân; đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giờ đây, làng hoa Tây Tựu chính là nguồn cung cấp hoa tươi cho toàn thành phố Hà Nội và những tỉnh thành lân cận.
Cứ mỗi khi đến dịp cận Tết, khắp Tây Tựu lại được tô điểm đầy màu sắc với vô số các loài hoa như hoa hồng, hoa lily, hoa đồng tiền, thược dược… Người người, nhà nhà nô nức chuẩn bị mùa bán hoa Tết tạo nên bầu không khí tui tươi, tấp nập.
Tới làng hoa Tây Tựu, bạn sẽ gặp những cánh đồng hoa rộng lớn tựa như một bức tranh rực rỡ. Vài năm trở lại đây, người dân làng hoa bắt đầu kết hợp làm du lịch khi mỗi độ hoa nở, những nhà trồng hoa lại dành ra một góc vườn để du khách tới tham quan và chụp ảnh.
LÀNG MIẾN CỰ ĐÀ
Miến là món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt món ăn dân dã này không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết và những ngày trọng đại khác trong các gia đình người Việt Nam. Và nhắc đến làng làm miến là phải nhắc đến Cự Đà - một ngôi làng cổ ven sông Nhuệ đầy thơ mộng.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây, làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, xã cực Bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội, là một trong những làng cổ truyền thống từ xa xưa. Nghề làm miến ở Cự Đà đã có cách đây hàng trăm năm.
Vào những ngày nắng đẹp, dọc trên những con đường làng Cự Đà sóng sánh sắc vàng của miến đang phơi. Nhìn từ xa, cả ngôi làng như được khoác lên một màu vàng óng ánh huyền ảo. Những sợi miến phơi trên hiên nhà rũ xuống, lấp lánh như những sợi tơ trong nắng thu, cứ thế nối tiếp nhau trên từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh rất đẹp, thu hút du khách và những nhà nhiếp ảnh.
Nếu đến đây vào buổi sáng, du khách sẽ thấy khung cảnh nhộn nhịp của người dân nơi đây. Người bưng các phên bánh miến gác vào các băng gỗ bên đường, người mang miến ra phơi, người lại chở miến đi giao. Cuộc sống bình dị nhưng đong đầy niềm vui.
Nguồn: vntravellive.com