VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Ẩm thực Hà Nội – nét đặc sắc của ẩm thực Việt
Ngày đăng 10/09/2020 | 11:16 AM  | View count: 34785

Haufo - Có thể nói ẩm thực là một trong những nét đặc trưng của văn hóa của mỗi vùng, miền,… điều kiện sống của từng vùng sẽ chi phối văn hóa ẩm thực của vùng đó. Đúng vậy, văn hóa ẩm thực Hà Nội có những nét văn hóa ẩm thực chung thì bên cạnh đó nó cũng những đặc trưng riệng biệt mà không vùng hay miền quê nào có được. Hãy cùng tôi tìm hiểu và khám phá “văn hóa ẩm thực” nơi đây nhé!

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” (Ca dao)

Câu cao dao không chỉ thể hiện tình cảm của người con trai và người con gái mà còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa ẩm thực “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, là những món phổ biến luôn xuất hiện trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt từ xưa đến nay. Nét đẹp từ xa xưa đó của người Việt gìn giữ và phát huy và trong mâm cơm của người Hà Thành bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp món ăn bình dị này. Không chỉ vậy văn hóa ẩm thực Hà Thành vẫn luôn mang những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt với tính dùng đũa, tính cộng động: bao giờ trong bữa ăn cũng có bát nước chấm chung hoặc múc ra từ bát từ bát nước chấm chung đó. Trước mỗi bữa ăn người Việt bao cũng có thói quen mời đó là tính hiếu khách của người Việt hay tính dọn thành mâm: các món ăn thường được dọn lên cùng một lúc chứ không như phương Tây ăn món nào mới mang lên món đó. Nó còn thể hiện qua các dịp lễ, tết,… trong mâm cỗ cúng của người Hà Nội vẫn không mất đi nét đẹp truyền thống của văn hóa ẩm thực Việt như ngày Tết Hàn Thực trên bàn thờ cúng không thiếu bánh trôi, bánh chay hay Tết Nguyên Đán mâm cỗ cúng thường có 4 bát 4 đĩa, cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa. Bát gồm: bát móng chân giò hầm măng lưỡi lợn, bát canh bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Đĩa gồm: bánh chưng, địa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. Bên canh mang những nét chung của văn hóa ẩm thực Việt thì ẩm thực Hà Thành cũng mang nét đặc trưng riêng biệt. Cái nét riêng biệt đó là sự độc đáo, sự tinh tế thể hiện qua cách chế biến, cách thưởng thức và chính là ở tấm lòng của kẻ trao và người nhận. Ẩm thực Hà Thành đã được nâng lên thành nét tinh tế của nghệ thuật ẩm thực. Sự độc đáo, tinh tế và tấm lòng được người dân Hà Thành trao vào những món ăn và những món ăn này trở thành nét đẹp của Hà Nội. Những món ăn không thể không nhắc đến là chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, cốm Làng Vòng, bún chả, phở bò… Chả cá Lã Vọng đã trở thành món ăn đặc sắc và hấp dẫn của Hà Nội. Món ăn được chế biến cầu kỳ ngày từ khấu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến và cách ăn cũng là một quá trình nghệ thuật cầu kỳ và công phu.

Chả cá Lã Vọng

 

Cá làm chả thường là cá lăng tươi, nếu không có thì thay bằng cá nheo, cá quả. Cá sẽ được lọc và ướt với gia vị rồi đem nướng. Khi nướng người nướng phải lật đều tay để cho cá chín đều. Chả cá khi ăn cũng là một quá trình nghệ thuật tài tình, chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ sôi trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ (đang sôi) lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm.

Bánh cuốn Thanh Trì là một trong những món ăn có tiếng ở Hà Nội. Bánh được tráng thành những lá mỏng, khi ăn thì ăn với nước chấm, hành khô hoặc có thể ăn kèm chả. Khi ăn bạn sẽ có cảm nhận được mùi thơm dịu của bánh và nhân quyện lẫn vị chua cay mặn ngọt của nước chấm, lại thêm vài giọt tinh dầu cà cuống nữa thì thật là tuyệt. Đúng là một kết hợp tinh tế của hương vị.

Bánh cuốn Thanh Trì

 

Nói đến ẩm thực Hà Nội thì không thể không nhắc đến “bún chả”. Để làm được ra những miếng chả thơm, vừa chín tới, màu sắc vàng rộm, vừa giòn vừa dẻo, thì người đầu bếp phải làm khá cầu kỳ và trải qua nhiều công đoạn chế biến. Bún chả được ăn cùng với rau sống và châm nước chấm. Khi ăn sẽ cảm nhận được cái ngậy, béo của thịt, cái mát của rau và mùi thơm của nước chấm.

Bún chả Hà Nội

Bún chả Hà Nội

 

Một món đặc sản nữa không thể bỏ qua vì nó mang nét đẹp, sự tinh tế của ẩm thực Hà Nội đó là cốm Làng Vòng. Cốm Vòng quả là một thứ quà đặc biệt trong mọi thứ quà Hà Nội. Làm được những hạt cốm thơm ngon thì phải cốm phải là giống nếp cái hoa vàng, lúa làm cốm khi còn xanh gặt về, đồ chín, giã nhanh, đều tay, sàng sảy, ủ kín mới có được cái loại cốm dẻo và thơm như thế. Còn màu xanh hấp dẫn đó thì do hồ thêm nước lá cơm xôi. Cốm gói trong lá sen là để giữ ẩm và đượm lấy hương thơm ngát của lá sen tơ, làm tăng thêm vị cốm.

Cốm Làng Vòng

 

Phở bò cũng là một trong những món ăn đặc sắc và tinh tế, nó là sự hòa quyện của bánh phở, nước dùng và các gia vị để tạo nên hương vị đậm đà và hấp dẫn. Chế biến được một tô phở đúng, chuẩn không hề đơn giản một chút nào và không phải người đầu bếp nào cũng chế biến được. Khi bạn thưởng thức bạn có thể ăn cùng với quẩy và thêm chút ớt, tiêu, dấm, chanh,.. sẽ giúp món phở thêm ngon và đậm đà hơn.

Bên cạnh sự có sự khéo léo thì người đầu bếp phải mang tấm lòng của mình gửi gắm vào món ăn, đó cũng chính là linh hồn của món ăn. Điều đó đã nên sự khác biệt của ẩm thực Hà Nội. Nếu bạn được thưởng thức những món ăn này dù chỉ một lần chắc chắn bạn sẽ không thể quên được hương vị của nó.

Phở Hà Nội

 

Ẩm thực Hà Nội không chỉ có nét đặc trưng của ẩm thực Việt mà còn là nơi hội tụ ẩm thực Việt. Đúng vậy, đến với Hà Nội bạn có thể dễ dàng thưởng thức những món của các vùng miền như đặc sản núi rừng như nhộng ong rừng, thịt lợn Mường, gà rừng,…Hay những món ăn miền trung như bún bò Huế, bánh Huế, cao lầu…đến những món Sài Gòn như cơm tấm, bánh canh, lẩu… Thật vậy, văn hóa ẩm thực Hà Nội là nơi mang nét đặc sắc của ẩm thực Việt. Tiếp nhận những nét ẩm thực mới độc đáo của nhiều nền ẩm thực khách nhau, ẩm thực Hà Nội lại không hề bị phai nhạt mà nó lại càng làm bật nền ẩm thực Hà Thành đó chính là sự tinh tế và độc đáo.

 

Bài viết đoạt giải nhất cuộc thi "Kết nối niềm đam mê ẩm thực" - Đợt 1

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Huyền