VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Mỹ thuật mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Ngày đăng 18/01/2020 | 10:36 AM  | View count: 238

HAUFO - Xét trong bảy loại hình nghệ thuật thì mỹ thuật là một lĩnh vực thiệt thòi nhất, bởi lẽ, trong chúng ta, tỷ lệ những người được trang bị kiến thức cơ bản tối thiểu về tạo hình là quá ít, trong khi hội họa rất cần một lượng kiến thức nhất định để có thể thưởng thức đúng giá trị thẩm mỹ tạo hình. Cho nên việc làm cho mỹ thuật có sức ảnh hưởng rộng rãi và tác động mạnh mẽ đối với nhận thức, hình thành tư duy thẩm mỹ, môi trường thẩm mỹ là điều cần thiết.

Thông qua các tác phẩm, công trình mỹ thuật phản ánh về mọi mặt của đời sống, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Mỹ thuật thực hiện việc nghiên cứu các xu hướng phát triển, quy luật hoạt động đặc thù, tác động của kinh tế, xã hội đối với mỹ thuật nhằm khẳng định và phát huy bản sắc dân tộc trong mỹ thuật Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của mỹ thuật đương đại thế giới, làm phong phú và phát triển bền vững cho nền mỹ thuật nước nhà.

Trong những năm qua, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển và những thành tựu nhất định, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi nền kinh tế đất nước chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các hoạt động mỹ thuật đã có sự thay đổi đa dạng, phong phú và phát triển mạnh mẽ. Quan niệm về nghệ thuật trở nên đa dạng, dân chủ và mở rộng hơn. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng ngày càng cao và phong phú. Đội ngũ nghệ sĩ tạo hình ngày càng đông đảo với nhiều lĩnh vực khác nhau, như hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật. Có thể thấy rõ thông qua việc hình thành và mở rộng hệ thống các trường đào tạo mỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật. Từ 150 hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo trong 20 năm (1925 -1945) đến nay mỗi năm các trường Mỹ thuật trong cả nước đã đào tạo được gần 1500 hoạ sĩ trên nhiều lĩnh vực mỹ thuật như: Nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ứng dụng, sân khấu - điện ảnh, sư phạm Mỹ thuật ... Số lượng các nghệ sĩ tạo hình trong cả nước đã lên đến con số hàng vạn.

Hoạt động hợp tác, trao đổi mỹ thuật, triển lãm, các cuộc thi mỹ thuật và triển lãm quốc tế cũng phát triển sôi động. Mỗi năm, có trên 300 triển lãm mỹ thuật được tổ chức trong nước và nước ngoài. Ngoài các triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương tổ chức theo truyền thống, hàng trăm triển lãm mỹ thuật do các nhóm tác giả đứng ra tổ chức  theo những chất liệu, nội dung khác nhau nhưng rất phong phú về màu sắc và quy mô. Cũng như vậy, nhiều tác giả nước ngoài đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân để tổ chức các triển lãm mỹ thuật quốc tế. Những điều này đã góp phần làm phong phú hoạt động mỹ thuật, đưa mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi hơn cũng như giới thiệu mỹ thuật Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mỹ thuật, gallery phát triển đã từng bước góp phần hình thành nên thị trường mỹ thuật. Nếu đầu những năm đổi mới, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ có vài gallery thì đến nay ở hai thành phố này đã có hàng trăm gallery, nhiều thành phố khác như: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... cũng có nhiều gallery. Các gallery không những chỉ là nơi thường xuyên trưng bày, bán tác phẩm mà còn là nơi tổ chức triển lãm tranh, giới thiệu tác giả - tác phẩm với công chúng. Nhiều gallery đã liên kết với các gallery nước ngoài góp phần đưa mỹ thuật Việt Nam hội nhập với thế giới. Gần đây nhất phải kể đến những cơ hội vàng như: Triển lãm “SEMANGAT X” với các tác phẩm tham dự của hai nghệ sỹ Việt Nam Phạm Huy Thông và Phạm Hải An diễn ra tại Malaysia ; Triển lãm nhóm các tác phẩm mỹ thuật từ Việt Nam mang tên “Việt  Nam – quá khứ và hiện tại” trong khuôn khổ sự kiện nghệ thuật quốc tế “Nghệ thuật Châu Á tại London” Mỹ thuật Việt Nam đang từng bước làm quen với những hoạt động mới như đấu giá, hội chợ, curator (giám tuyển mỹ thuật)... Nhờ đó, mỹ thuật Việt Nam được nhiều công chúng trong nước và quốc tế biết đến, vị trí và uy tín trên trường quốc tế của mỹ thuật Việt Nam được nâng cao.  

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập để phát triển nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa Việt là thế mạnh mà chúng ta cần nâng niu trân trọng. Công ước của UNESCO  về đa dạng văn hoá đã nhấn mạnh đến việc giữ gìn bản sắc riêng để đảm bảo sự đa dạng của nền văn hoá trên thế giới. Người nghệ sĩ chắt lọc những tinh tuý của mỹ thuật thế giới, làm phong phú cho nền mỹ thuật nước nhà đồng thời góp phần tạo thêm sự đa dạng cho vườn mỹ thuật quốc tế những nét văn hoá đặc trưng riêng của con người Việt Nam. Dòng chảy hơn 75 năm nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ năm 1945 đến nay đã làm nên thành công nhất định, đồng thời tìm thấy nhiều tài năng mang dấu ấn quốc tế. Hy vọng nền mỹ thuật nước nhà sẽ đạt được những thành tựu rực rỡ hơn nữa, khẳng định vị trí của mỹ thuật Việt Nam trên con đường hội nhập./.

                                                                                                                                Gia Hưng