VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH

Tranh dân gian Hàng Trống - Nét đẹp văn hóa xứ Hà Thành
Ngày đăng 19/07/2020 | 3:21 PM  | View count: 2980

HAUFO - Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa. Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Một số dòng tranh dân gian ở thôn quê cũng từng làm những tranh thuần túy để cho nông dân thưởng lãm như Đông Hồ và Kim Hoàng, nhưng đa số tờ tranh này cỡ nhỏ, hợp với nhà tranh, vách đất, mái nhà xòa xuống thấp nên ánh sáng yếu. Ngược lại, tranh Hàng Trống là loại hình tranh dân gian đích xác của phố thị: kích thước của tranh Hàng Trống có thể nói là lớn nhất trong các dòng tranh dân gian, in trên nền giấy sáng nên nổi bật các sắc độ vờn màu phẩm tinh tế, có thể treo trong phòng khách của thị dân như một cách chơi nghệ thuật của chủ nhân và cũng là để khoe trình độ thưởng lãm nho nhã bậc cao. Nếu như trước kia tranh dân gian của các làng quê chỉ đơn thuần dán lên vách nhà thì tranh Hàng Trống còn được bồi thêm cả bo trên dưới rồi cầu kỳ lồng hai trục tròn để tiện treo cho sang trọng. Theo dòng lịch sử, tranh Hàng Trống được các nhà nghiên cứu có uy tín cho rằng đã xuất hiện chậm nhất khoảng thời Lê Trung Hưng, khi Thăng Long vẫn còn là kinh đô Đại Việt cho tới tận ngày nay. Một ván in tranh Hàng Trống hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội có khắc niên đại “Quý Mùi lục nguyệt khởi Minh Mệnh tứ niên” tức năm 1823, chứng tỏ sự ra đời của dòng tranh này phải sớm hơn.

Nếu ngày nay chúng ta thỏa sức treo tranh ảnh hiện đại nhờ sự phát triển của các phương tiện máy móc in ấn và nghệ thuật nở rộ thì ngày xưa, thời phong kiến, các chủ nhà của “Hà Nội ba sáu phố phường” đã có nhu cầu trang hoàng nhà cửa, cửa hàng để tiếp khách, thậm chí cả khách ngoại quốc. Vậy là tranh Hàng Trống khổ lớn, trong đó gồm cả bộ tranh tứ bình gồm 4 bức, được treo lên đã làm cho phòng khách của thị dân thời đó rực rỡ hơn hẳn. Những bộ tranh “Bốn mùa”, “Tố nữ”, “Kiều” hay các tranh “Chim công”, “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng), “Thất đồng” (Bảy đứa trẻ công kênh hái đào tiên), “Tam đa” (Ba ông già tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ)… chắc chắn đã làm sang trọng cho nhà cửa của một số thị dân trên phố xá một thời nườm nượp khách giao thương. Hồi ấy, gian thờ của các cự phú cũng đã được chú ý bày biện sang trọng. Ngoài các ban thờ chạm khảm cầu kỳ và được bày biện với các đồ thờ theo thông lệ, các tranh Hàng Trống như “Tam phủ”, “Tam tòa thánh mẫu”, “Tứ phủ công đồng”, “Ngũ hổ” hay tranh các ông Hoàng, bà Chúa… cũng góp phần quan trọng khiến cho cảm giác thịnh vượng tăng lên bội phần.

Tranh "Thất đồng"

Tranh Hàng Trống thường có ấn tượng mạnh ngay từ đầu vì khổ to, màu sắc lộng lẫy mà lại kỳ công vào các chi tiết được khắc, trổ tinh vi và vẽ tỉa thêm nét. Nội dung và ý tứ của tranh cũng sâu xa vì bao hàm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và hợp ý thanh lịch kiểu “người Tràng An”. Bởi vậy loại tranh này có thể ngắm nghía và nghiền ngẫm được rất lâu. Các bậc túc nho uyên thâm có thể vừa thưởng trà sớm mai, vừa mãn nhãn ngắm “Lý ngư vọng nguyệt” mà ngậm ngùi bởi ý tưởng ngắm bóng trăng nơi đáy nước thay vì trăng thật trên trời. Họ cũng có thể “duyệt lại” cả bộ Truyện Kiều trường thiên tiểu thuyết bằng thơ qua bộ tranh hiển hiện bằng nét của dòng tranh Hàng Trống. Khách ngoại quốc có thể thích thú ngắm bốn cô tố nữ trong trang phục thuần Việt: áo dài, tóc vấn đuôi gà… đang duyên dáng hòa tấu một khúc ca. Tranh “Ngũ hổ” còn khiến khán giả trầm trồ ngắm kỹ hơn nữa bởi bố cục hướng tâm chặt chẽ, các đôi mắt hổ long lanh đốm sáng, vằn hổ ẩn hiện đen trắng, râu ria hổ được vẩy những nét rất hoạt bằng nhũ vàng hay nhũ bạc…. Tranh “Công” cũng khiến ta thán phục đuôi công xòa rộng với tất cả các túm lông xoe tròn mỹ miều….

Tranh "Ngưu Lang - Chức Nữ"

Có một thời như thế đấy: dân phố thị thưởng thức nghệ thuật bằng tranh dân gian của chính phố thị. Đó là cách trang hoàng phòng khách hạng nhất thời phong kiến khi chưa xuất hiện công nghệ in ấn hiện đại cũng như khi hội họa hiện đại Việt Nam chưa ra đời. Lịch sử đã sang trang, thời nay dân chơi phố thị đã có thể treo tranh phòng khách bằng vô số tranh ảnh từ cổ điển đến đương đại. Nhưng các bộ tranh chơi sang trọng, nền nã mà không kém phần rực rỡ của dòng tranh Hàng Trống còn sống mãi trong ký ức lịch sử của đất kinh kỳ. Mà cũng chưa hẳn người Hà Nội đã “dứt tình” với tranh Hàng Trống vì cuộc sống hiện đại: vẫn còn những người dân hiếu cổ, các nghệ sĩ và một số trí thức treo tranh Hàng Trống vì tình yêu văn hóa dân tộc và sự lịch lãm của cư dân kinh đô xưa...

Gia Hưng