TIN TỨC - SỰ KIỆN
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ cảm nhận khi trải qua những khúc quanh lịch sử với nhiều đau thương, ít ai có thể hình dung được những bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 30 năm qua. 30 năm sau, những câu chuyện thành công đó kỳ vọng được viết tiếp bằng quyết tâm “tăng tốc, bứt phá”, nối mạch những nhịp cầu vượt thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhìn lại một năm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, những điểm nổi bật nhất được gợi lên là gì, thưa Đại sứ?
Trong không khí phấn khởi, tự hào đón Xuân mới, cũng là bước vào năm kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước, chúng ta vui mừng trước những bước tiến thực chất, hiệu quả khi nhìn lại hành trình một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (ĐTCLTD) Việt Nam-Hoa Kỳ.
Về chính trị - ngoại giao, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở các cấp; điển hình là các sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Joe Biden gặp gỡ song phương tại New York (tháng 9/2024); Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc với Tổng thống Biden dịp dự các hội nghị APEC và G20; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm chính thức Hoa Kỳ và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (tháng 9/2024); Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng thăm và làm việc tại Hoa Kỳ (tháng 8/2024); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm và làm việc tại Hoa Kỳ (tháng 3/2024); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đồng chủ trì đối thoại chiến lược toàn diện lần thứ nhất tại Washington (tháng 3/2024)…
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt của chính trị Hoa Kỳ khi diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống đầy kịch tính. Chưa đầy một tuần sau ngày bầu cử, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống đắc cử Donald J. Trump đã điện đàm, trao đổi phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Phía Mỹ có nhiều đoàn cấp Thứ trưởng trở lên, các đoàn nghị sĩ Quốc hội thăm Việt Nam. Trong đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng thống Joe Biden cử đã đến thắp hương viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà riêng.
Cùng quan hệ chính trị tốt đẹp, lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là điểm sáng, trở thành trọng tâm và động lực phát triển cho hành trình dài phía trước.
Hai nước tiến hành Đối thoại kinh tế và tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại Năng lượng cấp Lãnh đạo Bộ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jose W. Fernandez cho rằng “quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và không có bằng chứng nào rõ ràng hơn trong lĩnh vực hợp tác kinh tế”.
Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại thứ 8 của Hoa Kỳ (dự kiến tổng kim ngạch đạt 145-150 tỷ USD năm 2024). Hợp tác trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng sạch, chuyển đổi số và phát triển bền vững được đẩy mạnh.
Năm qua, Hội đồng kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ (USABC) tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng đột biến khi đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Select USA (sự kiện xúc tiến thu hút đầu tư vào Hoa Kỳ) lần thứ 10 lên tới 70 doanh nghiệp, là đoàn lớn thứ 5 trong tổng số gần 80 đoàn quốc tế tham dự. Điều đáng mừng là trong khi các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ cam kết và tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực chinh phục thị trường cạnh tranh khốc liệt như Hoa Kỳ.
Hợp tác quốc phòng – an ninh đạt kết quả thiết thực trên các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa cũng như hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về hợp tác quốc phòng tạo ra dấu ấn mới trong quan hệ quốc phòng song phương. Các lĩnh vực hợp tác khác như giao lưu nhân dân, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch tiếp tục được hai bên quan tâm thúc đẩy và đạt kết quả tích cực.
Cũng còn có những thách thức phải vượt qua, và những lựa chọn khó khăn phải cân đo đong đếm. Nhưng với những kết quả đã đạt được, trên cơ sở lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Một quá trình hiếm có, hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn, về khả năng hòa giải sau mâu thuẫn, điển hình cho quy luật mọi điều đều có thể tốt đẹp hơn... là những cụm từ đã được lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước không ít lần nhấn mạnh. Theo Đại sứ, trước dấu mốc 30 năm quan hệ vào năm 2025, đâu là những giá trị cốt lõi để hai nước cùng nhau làm nên một hành trình kỳ diệu như vậy?
Trải qua những khúc quanh lịch sử với nhiều mất mát, đau thương, ít ai có thể hình dung được những bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 30 năm qua. Trong bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia tháng 9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, để quan hệ hai nước bước sang trang mới và phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay, yếu tố quan trọng nhất là truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam; là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế.
Không thể không nhắc tới vai trò của những nhân vật “phá băng”, “xây cầu” và tạo nên “những điều phi thường” đến từ bên kia chiến tuyến. Cố Thượng nghị sĩ John McCain, người từng bị giam giữ trong chiến tranh tại Việt Nam, cùng nhiều cựu chiến binh và đồng nghiệp khác như John Kerry, Patrick Leahy… xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy hòa giải và mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao 30 năm trước.
Qua nhiều chuyến thăm Việt Nam, ông thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với con người nơi đây, khẳng định niềm tin vào sức mạnh công lý khi “chúng ta cần xây những cây cầu, không phải những bức tường”.
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành nền tảng để hai bên hàn gắn, tiến tới bình thường hóa, xây dựng lòng tin. Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ có chung lợi ích về phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ… mà còn chia sẻ các mục tiêu vì hòa bình, hợp tác và phát triển chung trên thế giới.
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, ông đã trích dẫn câu trong Kinh Thánh: Hãy để khoảnh khắc này là “thời điểm chữa lành và xây dựng”.
Từ đây mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Phát biểu trước Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 79 vừa qua, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh quan hệ ĐTCLTĐ Việt Nam-Hoa Kỳ là “minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải” và “là bằng chứng cho thấy ngay cả từ nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó”.
Như vậy, có thể nói, lương tri, trách nhiệm, mưu cầu chung về công lý, hòa bình, thịnh vượng, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, là những giá trị cốt lõi làm nên hành trình kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Năm 2025, Hoa Kỳ có chính quyền mới. Đại sứ kỳ vọng như thế nào về những bước phát triển mới trong quan hệ song phương thời gian tới?
Trong 30 năm qua, yếu tố đồng thuận lưỡng đảng đóng vai trò nền tảng, bảo đảm sự phát triển liên tục và ổn định của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trước những thay đổi trong chính trị nội bộ Hoa Kỳ qua các đời Tổng thống.
Mỗi Tổng thống đều để lại dấu ấn riêng, góp phần không nhỏ trong hành trình đáng kinh ngạc từ cựu thù tới ĐTCLTD. Tổng thống Bill Clinton là người mở ra chương mới trong quan hệ hai nước với quyết định lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống George W. Bush, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh (1975-2005) và 10 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2005). Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Tuyên bố Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết (2013) và chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ diễn ra nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (2015). Gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023 khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên ĐTCLTD vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng thống Donald J. Trump là Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất đã tới Việt Nam hai lần (2017, 2019) khi đương nhiệm. Qua mỗi chuyến thăm, ông không chỉ bày tỏ sự ngưỡng mộ về đất nước và con người Việt Nam mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; ca ngợi “tinh thần tự tôn dân tộc” của “một đất nước mạnh mẽ”.
Ông từng chia sẻ ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của Việt Nam sau bao khó khăn để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 11/11/2024, Tổng thống đắc cử Trump bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước; tin tưởng quan hệ hữu nghị sẽ tiếp tục phát triển; đồng thời đề cập một số lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại mà Mỹ quan tâm và mong muốn thúc đẩy.
Chúng ta kỳ vọng, với những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, với sự ủng hộ lưỡng đảng, cam kết của lãnh đạo cùng sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp hai nước, quan hệ ĐTCLTD vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững sẽ còn vươn tới những tầm cao mới trong năm 2025 và mai sau. Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2023 đã xác định rõ 10 trụ cột hợp tác quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết tâm hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác một cách hiệu quả và thực chất hơn.
Thưa Đại sứ, vừa qua "gã khổng lồ" công nghệ NVIDIA của Mỹ đã giữ trọn lời hứa hợp tác và đầu tư tại Việt Nam. Cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang còn có nhiều hoạt động bên lề gần gũi tạo ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận. Đại sứ đánh giá như thế nào về câu chuyện và tín hiệu đáng mừng này?
Câu chuyện NVIDIA tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng về sự đồng hành giữa “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu và một quốc gia đang nỗ lực tạo dấu ấn mới cho ngành công nghệ nước nhà trên bản đồ thế giới.
Thỏa thuận giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn NVIDIA về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam thể hiện quyết tâm của Chính phủ “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong lĩnh vực AI, một trong những ngành công nghệ có nhiều phát triển đột phá hiện nay.
Đánh giá về việc lựa chọn Việt Nam là “quê hương” thứ hai của NVIDIA, Chủ tịch Jensen Huang nhấn mạnh “với rất nhiều nhiệt huyết và sự tin tưởng, Thủ tướng đã thuyết phục tôi rằng Việt Nam nên là ngôi nhà tương lai của NVIDIA. Con người Việt Nam, những cơ hội tại Việt Nam là lý tưởng để đầu tư ngày hôm nay”. Như vậy, với sự hỗ trợ và khuyến khích của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp… chúng ta hy vọng sự hiện diện của NVIDIA tại Việt Nam sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng AI phong phú và sôi động; phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao; và hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp AI nhằm đẩy nhanh các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, thỏa thuận với NVIDIA có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước; gửi đi thông điệp rõ ràng về ưu tiên của ta; về tiềm năng, sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Đại sứ có thể chia sẻ một số điểm nhấn nổi bật trong chuỗi các hoạt động dự kiến được tổ chức trong năm 2025 để kỷ niệm 30 năm quan hệ hai nước?
Bản thân dấu mốc 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ không chỉ là thời khắc lịch sử quan trọng mà còn là minh chứng sống động, bền bỉ về sức mạnh của ý chí hàn gắn, xây dựng lòng tin và cam kết chung vì lợi ích của nhân dân hai nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Theo đó, các sự kiện kỷ niệm 30 năm quan hệ hai nước giống như những chiếc cầu nối vượt thời gian, gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ có các chuỗi hoạt động tri ân, tôn vinh những nỗ lực hàn gắn hai dân tộc. Những câu chuyện cảm động về tinh thần quả cảm, vị tha, hòa hiếu và nhân văn sẽ được tái hiện một cách sâu sắc. Các cuộc triển lãm, hội thảo, và tọa đàm sẽ nhấn mạnh vai trò của nhiều thế hệ lãnh đạo, bạn bè trong chính quyền, quốc hội và nhân dân hai nước, những người góp phần đưa quan hệ giữa hai nước trở thành hình mẫu lịch sử về hòa giải và xây dựng sau chiến tranh.
Nhìn vào hiện tại, các sự kiện kỷ niệm sẽ phản ánh sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Các cuộc trao đổi, tiếp xúc, đối thoại; các diễn đàn kinh tế, hội chợ thương mại; chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, giáo dục; và các cuộc triển lãm, tuyên truyền, quảng bá… không chỉ đơn thuần là dịp kỷ niệm, mà còn là cơ hội để chúng ta định hình tầm nhìn mới cho tương lai, mở rộng không gian hợp tác và đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ bước vào giai đoạn phát triển sâu sắc và thực chất hơn nữa.
Các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước trong năm nay cùng sự phối hợp của các cấp, ngành và địa phương chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho quan hệ ĐTCLTD.
Khi Việt Nam đang vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc, chúng ta cũng có thể hy vọng vào sự “tăng tốc, bứt phá” trong quan hệ song phương để từ đó viết tiếp những câu chuyện thành công cho 30 năm sau.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!