TIN TỨC - SỰ KIỆN

Bánh chưng Tranh Khúc - đậm đà phong vị Tết cổ truyền
Ngày đăng 12/10/2020 | 2:42 PM  | View count: 694

Ở Hà Nội, bánh chưng làng Tranh Khúc là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân thủ đô mà nhiều khách phương xa.

Nói đến mâm cơm trong ngày Tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng xanh để dâng cúng lên ban thờ tổ tiên. Bánh chưng Tranh Khúc ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội có vị dẻo, thơm, “ăn là nhớ” đã nức tiếng xa gần cả trong nước và ở nước ngoài. Mời quý vị cùng nghe bài viết của phóng viên Lan Phương về “Bánh chưng Tranh Khúc - đậm đà phong vị Tết cổ truyền”.

 

Ông Nguyễn Văn Thành, người dân xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, trình diễn gói bánh chưng

 

Từ sự tích bánh chưng, bánh dày vào thời vua Hùng do một vị hoàng tử tên là Lang Liêu làm ra để dâng lên vua cha, chiếc bánh chưng đã trở thành món ăn không thể thiếu dâng lên ban thờ, thể hiện lòng biết ơn các đấng sinh thành đồng thời tạ ơn trời đất đã đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Đến ngày nay, chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn giữ vẹn nguyên giá trị, trở thành nét truyền thống của người dân Việt.

 

Chị Nguyễn Thị Phương Hường (bên trái) giới thiệu chiếc bánh chưng Tranh Khúc của làng mình.

 

Ở Hà Nội, bánh chưng làng Tranh Khúc là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân thủ đô mà nhiều khách phương xa. Chị Nguyễn Thị Phương Hường, người dân làng Tranh Khúc, cho biết để bánh chưng ngon thì cần rất nhiều yếu tố: “Đầu tiên là phải chọn nguyên liệu. Các nguyên liệu đều phải ngon và là thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc. Cần phải chọn gạo, đậu và thịt  để tạo nên một cái bánh ngon”.

 

 Các nguyên liệu chính để làm nên chiếc bánh chưng gồm: gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong

 

Người dân trong làng lựa chọn cẩn thận từ cái lá dong. Phải là lá dong nếp, cuống nhỏ để khi gói, bánh sẽ thơm hơn loại lá tẻ giòn, dễ rách. Nguyên liệu làm nhân bánh gồm có gạo nếp cái hoa vàng, thịt ba chỉ được tẩm ướp tiêu và muối, đỗ được đồ lên rồi xay nhuyễn.

Ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì  đưa ra bí quyết làm bánh chưng ngon: “Chúng tôi trần qua thịt lợn để loại bỏ các tạp chất, làm cho miếng thịt thơm hơn rồi mới tẩm ướp gia vị. Với đỗ xanh, chúng tôi đã bỏ bớt cái nước đầu đi nếu không sẽ có mùi ngái. Thế nên, bánh chưng chúng tôi gói có độ béo, độ bùi. Ngoài ra, chúng tôi gói bánh không cần khuôn. Bởi vì nhược điểm của khuôn là khi gói, bánh sẽ không được chắc. Lúc luộc lên thì bánh sẽ bị nhão. Nhưng nếu gói bằng tay thì bánh sẽ được bóp chặt lại, luộc lên, chiếc bánh chưng chắc hơn và ngon hơn. Đó là bí quyết”.

 

Đỗ xanh được đồ lên, đánh nhuyễn và viên lại thành từng nắm to.

 

Chị Nguyễn Thị Phương Hường cũng lưu ý một chi tiết nữa trong quá trình luộc bánh để bánh rền, ngon: “Trong quá trình luộc, người ta phải để ý khâu pha nước vào nồi luộc làm sao cho đúng giờ, đúng thời điểm. Ví dụ cách khoảng thời gian một tiếng thì họ phải thêm một lần. Nhiều người cứ nghĩ pha nước trước và sau, lúc nào cũng được thì sẽ làm cho bánh nhão”.

 

Sau khi luộc xong, những chiếc bánh chưng như thế này được đóng gói hút chân không và đem đi khắp miền Tổ quốc.

 

Sau khi luộc sôi từ tám đến mười tiếng, mẻ bánh nóng hổi nghi ngút khói được vớt ra khỏi nồi, mùi thơm quấn quyện, ngào ngạt. Bánh nào bánh nấy vuông vức và đều chằn chặn. Đặc biệt, bóc chiếc bánh chưng ra, vỏ bánh có màu xanh đẹp mắt, khó lẫn. Ấy cũng là một bí quyết riêng của làng nghề bánh chưng cổ truyền này như lời ông Nguyễn Văn Thành: “Muốn bánh chưng xanh từ trong ra ngoài thì làm thế nào? Chúng tôi sử dụng lá riềng. Lá riềng giã nhỏ rồi vắt lấy nước và lọc lại nước. Lấy nước lá riềng trộn với gạo, đến khi luộc lên thì bánh chưng sẽ xanh mướt. Tuy nhiên, lá riềng ấy mà cho quá nhiều thì sẽ bị nồng. Cho ít quá thì lại không đủ xanh, màu nhợt không đẹp. Chính vì vậy, người ta cho lượng vừa đủ độ để cho bánh xanh”.

Bà Lương Thị Hồng Vân, 62 tuổi, là một người Hà Nội nên bà khá cầu kỳ và để tâm trong cách ăn uống và thưởng thức ẩm thực truyền thống: “Tôi ở Hà Nội, đã ăn bánh chưng Tranh Khúc và biết là rất ngon rồi. Ăn  bánh tôi thấy rền bánh, ngon. Tôi thích hay chọn những chỗ nào ăn ngon. Bởi tôi hay quan tâm đến ẩm thực. Kể cả trên tivi có chương trình là xem rồi ghi chép lại để làm”.

Bánh chưng Tranh Khúc cũng đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Australia, Singapore và khu vực châu Âu. Ban đầu chỉ là để làm quà biếu, sau dần, bánh chưng Tranh Khúc đã được vận chuyển ra nước ngoài theo công nghệ hút chân không nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức bánh chưng truyền thống của người Việt xa quê. Đặc biệt, ông Bùi Đắc Lễ, một người con của làng Tranh Khúc, từ nhiều năm nay đã trực tiếp làm bánh chưng quê mình ngay tại Ba Lan để phục vụ bà con trong cộng đồng.

Câu hát “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ. Nhành mai vàng bên cành đào tươi” báo hiệu Tết đã về với mọi người, mọi nhà. Trong khói hương trầm thơm ngát, bữa cơm sum họp gia đình trong ngày tết cổ truyền của dân tộc đầy ắp hương vị của mùa xuân.

 

Lan Phương