TIN TỨC - SỰ KIỆN

Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Ngày đăng 28/02/2020 | 10:47 AM  | View count: 41

HAUFO - Ngày 7/6/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Với kết quả này, Việt Nam thay thế Kuwait từ ngày 01/01/2020. Tháng 01/2020, Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Gắn kết Liên hợp quốc với ASEAN

Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý đánh giá, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch trong một tháng có rất nhiều việc phát sinh. Hội đồng Bảo an đã phản ứng rất nhanh và có những quyết định kịp thời. "Việt Nam đã làm được những việc mà Việt Nam muốn làm, đó là tận dụng tháng Chủ tịch đầu tiên để đưa ra chủ đề 75 năm Hiến chương Liên hợp quốc, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống Liên hợp quốc và các nước thành viên về tầm quan trọng của Hiến chương đối với việc giải quyết hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam cũng tận dụng được vị trí Chủ tịch ASEAN ở Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng Một này để đề cao tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, trong đó lấy ASEAN là một hình mẫu điển hình".

Việt Nam đã mở đầu tháng Chủ tịch bằng cuộc thảo luận mở có số nước tham gia đông nhất từ trước tới nay là 109 nước và 111 người tham gia phát biểu, diễn ra trong ba ngày và kết thúc bằng sự kiện hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc. Điều đó giống như cái kết mở với thông điệp: Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong Liên hợp quốc, giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực để nâng cao vai trò của Hiến chương, tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế.

Đạt được mẫu số chung

Thách thức lớn nhất mà Việt Nam gặp phải trong tháng Chủ tịch vừa qua là về vấn đề cơ chế viện trợ xuyên biên giới của Syria. Việc này đã được thảo luận suốt từ nhiệm kỳ Chủ tịch tháng của Mỹ (tháng 12/2019) nhưng không đạt được kết quả nhất trí nên tiếp tục đưa ra trong tháng 01/2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch, cho đến ngày cuối cùng hết hạn cơ chế đó nếu không được gia hạn sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo cho hàng triệu người Syria.

Diện khác biệt và tính chất khác biệt giờ đã khác trước, nên với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, điều quan trọng là phải tìm ra điểm đồng thuận và tìm ra được những khác biệt, từ đó tìm ra được mẫu số chung. Muốn đạt được mẫu số chung đó, Chủ tịch phải làm thế nào để các nước đến được với nhau, nhất trí được công thức để có thể vượt qua. Tháng vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các nước ủy viên, Hội đồng Bảo an đã làm được điều này đối với một số vấn đề cấp bách, kịp thời.

Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của Liên hợp quốc. Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức một buổi họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của Hội đồng Bảo an cho các nước thành viên, quan sát viên của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác. Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và 1 quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế Liên hợp quốc, 1 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây.

Tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước cho rằng, việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Bảo an là thách thức rất lớn, đồng thời chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Các nước đánh giá 2 sự kiện về thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và hợp tác Liên hợp quốc-ASEAN là những dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Hội đồng Bảo an trong tháng đầu tiên của thập kỷ mới. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của Hội đồng Bảo an cho các nước không phải thành viên, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

23 tháng ở phía trước

Về những ưu tiên của Việt Nam sau tháng Chủ tịch, Việt Nam còn 23 tháng nữa của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và sau nhiệm kỳ Việt Nam vẫn phải tiếp tục đóng góp cho Hội đồng Bảo an bởi sự nghiệp này còn rất lâu dài để đạt được mục tiêu là nâng tầm đối ngoại đa phương của đất nước. Việt Nam đang ra sức chuẩn bị  các nội dung công việc cho 23 tháng tới để đóng góp thực chất hơn, sâu hơn, với vị thế cao hơn của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong công cuộc giữ gìn hòa bình an ninh. Đặc biệt một thách thức lớn và cũng coi đó là mục tiêu của Việt Nam là đảm nhiệm tháng Chủ tịch tiếp theo vào tháng 4/2021 thành công hơn tháng Chủ tịch đầu tiên này./.

                                                                                                                                                  Bảo Anh