TIN TỨC - SỰ KIỆN
HAUFO - Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề VĂN HÓA HÒA BÌNH HỒ CHÍ MINH VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI tại Hội thảo "về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức ngày 8/5/2020.
Tôi xin được bắt đầu bài tham luận của mình bằng trích dẫn nhận xét của nhà báo Liên Xô Ô-xip Man-den-xtan năm 1923, trong bài “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” được đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương.”
Văn hoá của tương lai mà Ô-xip Man-den-xtan nói đến chính là Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh, là sự kết tinh hoàn hảo nhất tinh hoa của văn hoá phương Đông và phương Tây, các giá trị truyền thống và hiện đại của nhân loại, hay như lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người”.
Những đặc điểm nổi bật của văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh
Thứ nhất, Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh thấm đẫm tình người, xuất phát từ tình yêu con người sâu sắc, khát vọng mang tới hoà bình, hạnh phúc cho mọi người dân không phân biệt sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp. Chính điều đó đã làm nên một Hồ Chí Minh - chiến sỹ hoà bình quốc tế chân chính, luôn làm hết sức mình, nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để có hoà bình, để tránh chiến tranh.
Hồ Chí Minh thấu hiểu hoà bình và phát triển là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân, là đích đến của nhân loại. Bác viết: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ”.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Bác đã thay mặt Nhân dân Việt Nam, chìa bàn tay hữu nghị, hòa bình với toàn thế giới: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai. Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam... ”
Mặc dù thực dân Pháp đặt ách thống trị tàn bạo lên dân tộc Việt Nam, trong thời gian từ tháng 12-1946 đến tháng 3-1947, Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và Tổng thống Pháp, đề nghị hòa bình: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó, chúng tôi đều quý như nhau”.
Năm 1955, mặc dù Hiệp định hoà bình Geneve đã được ký kết, song đất nước vẫn phải chịu nỗi đau chia cắt và phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tàn khốc khác do giặc ngoại xâm gây nên, Hồ Chí Minh vẫn bày tỏ: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho các Tổng thống Mỹ, đề nghị Mỹ đàm phán để tìm giải pháp hòa bình. Tiếc rằng những đề nghị thiện chí này đã bị bỏ qua.
Thứ hai, Văn hoá Hoà bình Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng rất rõ ràng, kiên định: Đó là hòa bình chân chính trong độc lập, tự do thực sự, trên nền tảng tôn trọng phẩm giá con người, độc lập, chủ quyền, bình đẳng giữa các quốc gia. Hoà bình không có nghĩa là đầu hàng, nhân nhượng trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc
Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Bác đã trích Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 và khẳng định: “...tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”
Bác cũng nói rõ trong thông điệp với chính phủ và nhân dân Pháp: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập... Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi".
Người kêu gọi nhân dân Pháp: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình, một nền hòa bình chân chính xây trên hòa bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước, không phân biệt chủng tộc và màu da…”
Ngày 01-01-1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình...”
Khi tiếp hai nhà báo Mỹ: H.S. Axmôrơ, chủ bút tờ Acansát nhật báo và W.C. Bach, chủ bút tờ Tin tức Maiami ngày 12.1.1967, Người nói: “Lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí, biết suy nghĩ và yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa. Còn Mỹ vẫn tiến hành chiến tranh mà lại thương lượng, thì đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng. Đó là điều chúng tôi không bao giờ làm”.
Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Níchxơn ngày 25- 8-1969, Người khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thực sự”
Thứ ba, Hồ Chí Minh luôn tranh thủ mọi cơ hội để tạo dựng hòa bình, nhưng sẵn sàng đấu tranh, hi sinh vì chính nghĩa, để giành độc lập tự do, bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh.
Hồ Chí Minh là hiện thân cho ý chí quyết tâm giành độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức. Năm 1945, Bác nói: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành lại độc lập”. Tinh thần đó được thể hiện mạnh mẽ trong Tuyên ngôn Độc lập: “ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”
Năm 1946, khi thực dân Pháp gây hấn bất chấp những nỗ lực duy trì hoà bình của ta, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm, thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi… Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”.
Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”
Thứ tư, Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh rất nhân ái, khoan dung.
Suốt cuộc đời mình Hồ Chí Minh không ngừng đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, nhưng chưa bao giờ đề cao “bạo lực” . Nếu phải dùng bạo lực thì chỉ là bất khả kháng. Người quan niệm: “Trong chiến tranh, không có chiến thắng nào là đẹp”. Người luôn đề cao biện pháp ngoại giao để tận dụng mọi cơ hội tránh đổ máu, xung đột, dùng đạo lý để thu phục nhân tâm, chinh phục đối phương.
Hồ Chí Minh phân biệt rõ ràng giữa những kẻ chủ trương chiến tranh và những người bị ép buộc, lôi kéo, lừa mỵ để làm bia đỡ đạn, sẻ chia với những gia đình mất người thân cho những cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy. Khi thăm trại tù binh trong chiến dịch Biên giới 1950, thấy một đại úy Pháp rét lạnh, Người đã cởi áo khoác của mình trao cho anh ta. Viên sĩ quan Pháp cảm động trào nước mắt.
Trong chuyến trao trả tù binh cuối cùng sau kháng chiến chống Pháp ngày 03-9-1954, một sĩ quan Pháp nói: “Trong tấm lòng biết ơn nhân dân Việt Nam, tôi không thể nào quên Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng khoan dung, đại lượng và chính sách khoan hồng của Người đối với chúng tôi”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Người bày tỏ: “Chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ, hy sinh, mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ và các người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành”
Nhà thơ Đức Vili Xanbao đã viết: “Trong tầm nhìn của Bác, không những cho thấy Người là nhà Quốc tế đáng kính phục mà còn là nhà văn hóa lớn, giàu tình thương yêu nhân loại”.
Thứ năm, V ăn hoá hoà bình Hồ Chí Minh vượt ra khỏi phạm vi của một đất nước, một dân tộc, mang tầm thời đại.
Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác Lê-nin, văn hoá hoà bình của Hồ Chí Minh là sự hội tụ của truyền thống văn hoá Việt Nam yêu nước, nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung, với những tư tưởng tiến bộ trên thế giới về một thế giới tự do, bình đẳng, bác ái, nơi không còn áp bức, bóc lột, chiến tranh và bạo lực. Người tin tưởng sâu sắc về sức mạnh của đoàn kết quốc tế và sự cần thiết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài đánh vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của mặt trận thống nhất nhân dân hai nước; mà cũng là thắng lợi chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa”.
Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru đã nhận xét: “Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng... Cái cần bây giờ là tiếp cận h òa bình, hữu nghị và tình bạn. Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tiếp cận đó”.
Chính vì vậy ngọn cờ hoà bình, độc lập, tự do mà Hồ Chí Minh giương cao đã huy động được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới, tạo nên sức mạnh vô song của mặt trận nhân dân quốc tế đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh, chống lại kẻ thù chung của hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, mang lại thắng lợi hoàn toàn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và mở ra kỷ nguyên mới của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Ý nghĩa thời đại của Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh
Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại và vẫn đang phát huy mạnh mẽ giá trị trong bối cảnh hiện nay.
30 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 13/9/1999, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hoá hoà bình ( The Declaration and Programme of Action on a Culture of Peace), nêu 8 lĩnh vực hành động để xây dựng và thực thi Văn hoá hoà bình là: Văn hoá hoà bình thông qua giáo dục; Phát triển kinh tế xã hội bền vững; Tôn trọng quyền con người; Hiểu biết, khoan dung và đoàn kết; Bình đẳng giới; Dân chủ; Tự do thông tin và tri thức; Hoà bình và an ninh quốc tế.
Những nội dung này đều đã được phản ánh trong văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh cả trong tư tưởng và hành động thực tế.
Xin nêu một ví dụ nhỏ để thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và văn hoá hoà bình qua một bài thơ của Người mà chúng ta hẳn đều còn nhớ:
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Hoà bình thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh gay gắt cả truyền thống và phi truyền thống. Chiến tranh không chỉ diễn ra trên chiến trường với vũ khí tối tân hiện đại, mà còn chiến tranh thương mại, chiến tranh trong không gian mạng, và có thể cả trong không gian vũ trụ. Bên cạnh xung đột sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chúng ta cũng đang chứng kiến cuộc chiến cam go của con người chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, dịch bệnh... Giải quyết các thách thức toàn cầu bắt buộc phải có sự chung sức của các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, những giá trị nhân văn cao đẹp của văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh càng toả sáng, soi đường cho chúng ta xây đắp hoà bình, giải quyết những vấn đề của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đi theo ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững, trong đó coi trọng việc củng cố và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Chúng ta kiên định thực hiện chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Là một đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã được tín nhiệm bầu và đảm nhiệm tốt vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và đang đóng góp tích cực vào những nỗ lực kiến tạo và bảo vệ hoà bình, bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền lợi chính đáng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
Những thành tựu to lớn của đất nước ta trong công cuộc đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ đã mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng triệu người dân Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Việt Nam ngày nay là một đất nước hoà bình, ổn định, đang phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Giá trị của văn hoá Việt Nam - văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh càng toả sáng vào lúc này, khi cả nước cùng chung sức chiến đấu chống dịch bệnh COVID-19 và mỗi người bệnh, không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài, đều được quan tâm chăm sóc, chữa trị trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh là nguồn lực tinh thần vô giá, đã góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta và sẽ tiếp sức cho chúng ta trong nỗ lực bảo vệ hoà bình và xây dựng tương lai tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới./.
Nguyễn Phương Nga
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam