TIN TỨC ĐỐI NGOẠI

Bản lĩnh nâng tầm ngoại giao Việt!
Ngày đăng 02/01/2024 | 2:37 AM  | View count: 36

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Nguyễn Quang Khai để làm rõ hơn về bản lĩnh nâng tầm ngoại giao của Việt Nam.

Trong năm qua cũng như trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam chúng ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức to lớn chưa từng có, thế giới ngày càng trở nên khó đoán định, khó dự báo, các quốc gia liên tục điều chỉnh đường lối, chính sách phát triển… Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, ngoại giao Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, càng tỏa sáng, càng vững vàng, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Nguyễn Quang Khai để làm rõ hơn về bản lĩnh nâng tầm ngoại giao của Việt Nam.

 

Ngoại giao Việt Nam nhanh chóng thích ứng với tình hình mới

 

+ Thưa Đại sứ, được biết ông đã từng có rất nhiều năm gắn bó với ngành ngoại giao. Sau khi kết thúc thời gian làm ngoại giao Nhà nước, ông được chuyển sang tham gia công tác đối ngoại Nhân dân và giữ các chức vụ Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Iraq, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Iran, Phó Chủ tịch Ủy ban Việt Nam đoàn kết với Nhân dân Palestine, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), Ủy viên Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh… Với những kinh nghiệm đó, ông nhìn nhận như thế nào về ngoại giao Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ vừa qua? Đặc biệt là năm 2023, trước những biến động lớn của tình hình thế giới, ngoại giao Việt Nam đã thích ứng bối cảnh đó ra sao?

 

- Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Trong những năm gần đây, tình hình thế giới chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ và biến động vô cùng phức tạp. Cuộc đối đầu Đông - Tây, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt chưa từng có đang dẫn đến sự phân cực trên cấp độ toàn cầu. Việc NATO mở rộng về phía đông, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến Israel - Hamas tại

 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai.Trung Đông, hậu quả của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu… đã làm thay đổi mạnh mẽ trật tự thế giới và các mối quan hệ quốc tế. Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Có thể nói, tình hình thế giới chưa bao giờ phức tạp và căng thẳng như hiện nay kể từ sau thế chiến thứ hai.

 

Trong bối cảnh đó, ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu. Tiếp tục phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ quốc tế; ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam là Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhân dân đã phối hợp đồng bộ triển khai thực hiện chính sách đối ngoại do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

 

Những con số hết sức ấn tượng

 

+ Vậy, theo Đại sứ, những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại của Việt Nam nửa nhiệm kỳ vừa qua là gì?

- Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Thành tựu quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam thời gian qua là trong một thế giới đầy biến động, đã góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - một phần có đóng góp của ngoại giao.

 

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia trên thế giới, trong đó 190/193 nước là thành viên Liên Hợp Quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại với 224 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng, trong đó có ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng Pháp ngữ (OIF), Hội nghị về Phối hợp hành động và Các Biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).

 

Đến nay đã có hơn 500 hiệp định song phương và đa phương ký kết, 16 Hiệp định thương mại tự do được ký kết (tổng cộng với 53 nước), 3 Hiệp định đang đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn, tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hơn 71 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

 

Hiện nay, Việt Nam có 18 nước đối tác chiến lược, 12 nước đối tác toàn diện, 6 nước là đối tác chiến lược toàn diện và con số này sẽ còn tăng thêm nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước có nền kinh tế và ảnh hưởng lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

 

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

 

Các Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt là mạng lưới FTA đã đưa Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

 

Mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong ba năm trở lại đây vẫn tăng đáng kể. Năm 2021, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã đạt 619,17 tỷ USD, trong đó xuất siêu 25,83 tỷ USD, vốn đầu tư (FDI) đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

 

Mặc dù kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng, năm 2022, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đạt 8,02%, mức cao nhất kể từ 11 năm nay. Năm 2023, do nhiều nguyên nhân khách quan, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có chậm lại, nhưng ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo vẫn đạt 5,8%, mức cao hơn nhiều so với các nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng.

 

Thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế

+ Dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trong hơn 37 năm làm việc ở Bộ Ngoại giao và nhiều nước Trung Đông, Đại sứ đánh giá như thế nào về vị thế, vai trò của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực?

 

- Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đường lối đối ngoại rộng mở, luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, không chọn bên, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam được bầu giữ nhiều trọng trách, trong đó có Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77 (2022), lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có nhiều hoạt động nhằm duy trì đoàn kết các nước ASEAN, tham gia tích cực trong Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), phát huy vai trò của Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác Mekong... Điều này thể hiện sự tin cậy ngày càng lớn vào vai trò của Việt Nam.

 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai phiên dịch cho Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh tư liệu: Do nhân vật cung cấp

 

Bên cạnh quan hệ cấp nhà nước, Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với Quốc hội, Nghị viện của hơn 140 nước, các đoàn thể, tổ chức Nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức Nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Các nước trên thế giới đều thừa nhận chế độ chính trị của nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

 

Việt Nam tuy chưa phải là nước giàu có, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ các nước khi gặp khó khăn theo khả năng của mình. Lào, Campuchia, Cuba là những nước nhận được nhiều viện trợ của Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã kịp thời gửi khẩu trang, vật tư y tế và viện trợ tài chính cho hơn 50 nước và tổ chức quốc tế; và gần đây đã viện trợ nhân đạo cho Ukraine, Palestine ở Gaza, cử đội cứu hộ sang tham gia cứu nạn và giúp đỡ vật chất cho các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia các lực lượng giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc. Đây là những việc làm thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

 

Có thể nói, sau hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mặc dù vô vàn khó khăn, thách thức to lớn chưa từng có, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Trong những thành tựu này có sự đóng góp tích cực của ngành ngoại giao Việt Nam trong việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới!

 

Đưa hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để phát triển

+ Đại sứ là người có nhiều đóng góp trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước thuộc thế giới Ả Rập và Châu Phi. Hiện nay, ông vẫn đang tiếp tục có những đóng góp vào công tác đối ngoại Nhân dân… Trước những biến động mới, ông kỳ vọng như thế nào về nền ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo?

 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Cộng hòa Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.

 

- Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm 2023, ngoại giao Việt Nam đã thu được nhiều thành quả quan trọng, góp phần to lớn nâng cao hình ảnh, vai trò và vị thế của đất nước trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới, trong đó có báo chí Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Australia, Pháp, Đức.... đã viết bài ca ngợi “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Dư luận các nước đều cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ tăng cường quan hệ với các nước láng giềng mà còn thúc đẩy quan hệ với nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh đất nước. Hà Nội đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về niềm tin, sự thân thiện, hiếu khách trong lòng bạn bè quốc tế.

 

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Về đối ngoại, năm 2023 là một năm chất đầy các hoạt động ngoại giao song phương cũng như đa phương. Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã đi thăm chính thức nhiều nước, ký nhiều hiệp định hợp tác nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam cũng tiếp đón lãnh đạo cấp cao nhiều nước, trong đó đặc biệt phải kể đến Tổng thống Mỹ J. Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có thể nói, chưa bao giờ ngoại giao Việt Nam lại hoạt động nhộn nhịp như năm nay.

 

Tình hình thế giới sắp tới sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, khó đoán định, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Phát huy các thành quả đạt được thời gian qua, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh của mình, mở rộng hơn nữa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược toàn diện và đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống... đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đa phương, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia vào các thể chế đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, Tiểu vùng Mekong, đưa hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển, qua đó củng cố và nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của đất nước.

 

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

 

                                                                                                      (Theo Nhà báo và công luận)