TIN NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Chung sức vì sự phát triển của Thủ đô
Ngày đăng 01/08/2023 | 8:58 AM  | View count: 135

Ngày 1/8/2008, Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan chính thức có hiệu lực. 15 năm qua, cùng với sự phát triển của Thủ đô, quận Tây Hồ đã có những bước chuyển biến vượt bậc về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, chung sức vì sự phát triển của Thủ đô, từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã dành gần 400 tỷ đồng hỗ trợ các huyện ngoại thành của Thủ đô nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Những chuyển biến vượt bậc

 

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15 của Quốc hội, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô. Kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

 

Trong thành tích chung của Thủ đô, có sự đóng góp rất quan trọng của quận Tây Hồ. Hòa chung nhịp phát triển của thành phố, nhìn lại 15 năm qua (2008 – 2023), Tây Hồ hôm nay đã có có sự chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị hiện đại, kinh tế phát triển vững chắc theo đúng định hướng cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Quận đã tập trung đầu tư về hạ tầng đô thị, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ kinh doanh, dần thu hút được các doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

 

Với các chính sách thông thoáng, chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, đến tháng 6/2023, trên địa bàn quận đã có 6.382 tổ chức, doanh nghiệp và 7.932 hộ kinh doanh (năm 2010, trên địa bàn quận có 2.201 doanh nghiệp và 4.426 hộ kinh doanh). Giá trị sản xuất các ngành do quận quản lý tăng bình quân trên 13,48%/năm. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Nếu như năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 177,2 tỷ đồng; Doanh thu thương mại-dịch vụ-du lịch đạt 4.992,4 tỷ đồng; Giá trị sản phẩm trồng trọt đạt trên 140 triệu đồng/ha… thì đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của quận đạt 477,8 tỷ đồng; Doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 49.417,9 tỷ đồng; Giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân 232,3 triệu đồng/ha. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận năm 2022 ước đạt 4.182 tỷ 615 triệu đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2008 (368,75 tỷ đồng)…

 

Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, song song với phát triển kinh tế, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị và xã hội luôn được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm: Dân chủ, công khai, công bằng và đúng pháp luật. Mọi khó khăn đã được tháo gỡ, nhiều dự án trọng điểm của Thành phố hoàn thành, có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của quận như hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, An Dương Vương, Xuân La, cầu Nhật Tân, đường Vành đai II, đường Văn Cao - Hồ Tây... Các khu đô thị mới, khu vui chơi, giải trí được xây dựng mang đặc trưng của khu đô thị hiện đại. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước sạch, thoát nước được cải tạo, nâng cấp đồng bộ; các tuyến đường giao thông, dân sinh được bê tông hóa.... Tây Hồ đã thực sự đổi khác qua thời gian -  đồng chí Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

 

Cùng với đó, công tác quản lý Hồ Tây và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường Hồ Tây được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, 15/7 vừa qua, quận đã thực hiện di dời xong toàn bộ các phương tiện thủy cũ nát ra khỏi mặt nước Hồ Tây. Hệ thống chiếu sáng, cây xanh xung quanh Hồ Tây được đầu tư, cảnh quan môi trường Hồ Tây và các vùng phụ cận đã có bước tiến vượt bậc được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao…

 

“Phát triển kinh tế luôn gắn với xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống dân sinh, đó là quan điểm được lãnh đạo quận Tây Hồ quán triệt trong suốt quá trình phát triển. Bởi thế, sau 15 năm nhìn lại, người dân Tây Hồ có thể tự hào bởi không ít những dấu ấn tiên phong của quận” - đồng chí Lê Thị Thu Hằng chia sẻ. 

 

Đáng chú ý, Tây Hồ là quận đầu tiên trên địa bàn Thành phố triển khai xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa” (Quảng An, Nhật Tân) với hơn 40 tiêu chí. Đến nay, toàn quận đã có 5/8 phường đạt danh hiệu "Phường văn hóa", và đang phấn đấu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Hệ thống nhà văn hóa, nhà sinh hoạt được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tây Hồ cũng là đơn vị đầu tiên của Thành phố thực hiện việc kiểm kê hàng ngàn cổ vật trong 63 di tích lịch sử văn hóa của quận, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị di tích lịch sử…

 

Luôn đồng hành và sẻ chia

 

15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cũng là quãng thời gian Thành phố bắt tay làm điểm và nhân rộng phong trào xây dựng nông thôn mới. Với khu vực nông thôn rộng lớn, “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) được Thành phố xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu để phát triển Thủ đô. Với những định hướng và bước đi đúng đắn, Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ, không thể không kể đến sự chung tay giúp sức của các quận đối với các huyện khó khăn.

 

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song với tinh thần tương trợ, cùng nhau phát triển, liên tục và bền bỉ, 13 năm qua (từ năm 2011 đến nay), quận Tây Hồ đã dành gần 400 tỷ đồng hỗ trợ các huyện ngoại thành. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, quận Tây Hồ là địa phương “thơm thảo” nhất khi đã hỗ trợ tổng kinh phí lên tới 210,8 tỷ đồng (gần 50%) trên tổng số 444,5 tỷ đồng các quận của Hà Nội hỗ trợ 6 huyện, gồm: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ thực hiện mục tiêu nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới.

 

Tại huyện Mê Linh, Trường mầm non xã Tiến Thắng được khánh thành ít lâu đã thực sự mang lại niềm vui lớn cho đông đảo phụ huynh và con em học sinh. Trước đó, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, các em học sinh phải học tập trong điều kiện trường lớp hạn chế. Cơ sở hạ tầng xuống cấp. “Năm 2021, huyện Mê Linh nhận được hỗ trợ kinh phí 50 tỷ đồng từ quận Tây Hồ để xây dựng trường mầm non xã Tiến Thắng. Công trình hoàn thành theo đúng kế hoạch, hiện đang phát huy hiệu quả tốt, hỗ trợ tích cực cho giáo dục của địa phương…” - Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng Nguyễn Văn Đường cho biết.

 

Là một trong những địa phương được “hưởng lợi” nhiều nhất từ hỗ trợ của các quận, huyện Phúc Thọ đã nhận 35 tỷ đồng hỗ trợ từ quận Tây Hồ để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, là huyện ngoại thành còn rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, địa phương trân quý sự hỗ trợ về nguồn lực của các quận. Đây là tiền đề quan trọng để huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới.

 

Gần đây nhất, ngày 25/7, huyện Ứng Hòa đã tổ chức cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Tảo Dương Văn - công trình có quy mô 16 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng với kinh phí 44,5 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ.

 

Không chỉ dừng ở việc hỗ trợ các quận, huyện ngoại thành trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội… , phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, quận Tây Hồ cũng đã tiên phong, đi đầu trong việc hỗ trợ các địa phương ngoài địa bàn Hà Nội. Đơn cử, trong năm 2019 và các năm 2011, 2012, 2013, quận Tây Hồ đã hỗ trợ huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) kinh phí 14,5 tỷ đồng xây dựng đường giao thông liên thôn liên khu Thăng Long - Bạch Đằng và Công trình Di tích Thanh niên xung phong tiền trạm Hà Nội (hồ Ba Đình, thị trấn Nam Ban).

 

Gần đây nhất, UBND quận Tây Hồ và UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ký kết trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và liên kết phát triển ngành hàng hoa đào địa phương có lợi thế.

 

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết: “So với các quận, huyện, địa phương khác, đặc biệt là các huyện ngoại thành, Tây Hồ có những lợi thế nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội… Do đó, trong những năm qua, dù nền kinh tế còn gặp không ít khó khăn, song với tinh thần tương thân tương ái, ở bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, quận Tây Hồ cũng luôn dành một nguồn ngân sách để hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, quận Tây Hồ sẵng sàng đồng hành với các huyện, với Thủ đô và Đất nước trong việc phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới”. 

 

Từ sự trợ giúp thiết thực, chân tình của quận Tây Hồ, tại các huyện ngoại thành Hà Nội còn khó khăn mà xa hơn là các địa phương trong cả nước nhiều công trình đã và đang được xây mới, góp phần mang lại cuộc sống yên vui, đủ đầy hơn cho những người dân nơi đây. Hương sen Tây Hồ vẫn lan tỏa, cùng chung sức vì sự phát triển của Thủ đô và đất nước. 


 

                                                                                                  (Theo Cổng giao tiếp điện tử TP)