TIN NỔI BẬT TRONG NƯỚC
Sáng 22-7, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và tuyên dương chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu.
Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Phạm Lợi, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố qua các thời kỳ...
Thành viên đầu tiên, tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam
Trong diễn văn kỷ niệm trình bày tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, Công đoàn Việt Nam, tiền thân là tổ chức Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập ngày 28-7-1929 tại nhà số 15, phố Hàng Nón, Hà Nội.
Sự kiện thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân do Đảng lãnh đạo, là sự kế thừa truyền thống của Công hội đỏ Ba Son do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Tổng Công đoàn Việt Nam sáng lập), là kết quả sự truyền bá lý luận và tư tưởng đúng đắn, sáng tạo về công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua các đảng viên cộng sản vào phong trào công nhân nước ta. Với việc thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình, có Điều lệ, có cơ quan ngôn luận riêng là Báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản. Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Kể từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc, luôn tổ chức, vận động công nhân, viên chức, lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
90 năm qua là chặng đường lịch sử đầy khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, Công đoàn Việt Nam lấy nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp với từng thời kỳ cách mạng như Công hội đỏ, Nghiệp đoàn Ái hữu, Hội Công nhân phản đế, Tổng Công đoàn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam đều đề ra mục tiêu, các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Gần một thế kỷ đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù với tên gọi nào, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã vận động công nhân lao động phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân, đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, chiến thắng 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cùng với sự ra đời, phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, công nhân Hà Nội đã sớm giác ngộ cách mạng, hình thành những cuộc đấu tranh sơ khai, tự phát. Cuối năm 1928, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã chủ trương thành lập Tổng Công hội Hà Nội, đứng đầu là đồng chí Trần Văn Sửu. Ngày 31-7-1946, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội chính thức được thành lập thay cho Hội Công nhân cứu quốc...
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, công nhân lao động và tổ chức công đoàn Thủ đô không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng, bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Với những thành tích đã đạt được, tổ chức công đoàn Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh. Hàng nghìn cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở đã vinh dự được khen thưởng ở các cấp.
Trong phát biểu chúc mừng, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, Công đoàn Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những thành viên đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và luôn là đơn vị tích cực, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của Công đoàn Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Liên đoàn Lao động thành phố tuyên dương 90 chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn Thủ đô, đại diện cho hơn 8.000 chủ tịch công đoàn cơ sở trong toàn Thành phố.
Lực lượng cách mạng đi đầu
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: “Thủ đô Hà Nội vinh dự và tự hào là nơi tổ chức Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập, tiền thân của Công đoàn Việt Nam, đây là kết quả của phong trào công nhân do Đảng lãnh đạo và sự lan toả của Công hội đỏ Ba Son do Chủ tịch Tôn Đức Thắng sáng lập. Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng của Thăng Long Hà Nội, Công đoàn Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong công nhân, viên chức lao động, tổ chức các phong trào cách mạng trong lực lượng công nhân; động viên khuyến khích công nhân tham gia cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc và tích cực lao động sản xuất phục vụ chiến đấu, phát triển kinh tế; lực lượng công nhân, viên chức lao động Thủ đô đã đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật chất và cả hy sinh tính mạng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để cán bộ, đoàn viên, người lao động và Nhân dân cả nước ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, từ đó phát huy và ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Đồng chí đề nghị, Công đoàn thành phố tiếp thu đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các ý kiến định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 3 nội dung trọng tâm.
Trong đó, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu, Công đoàn các cấp của Thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động các đơn vị học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, kiến thức pháp luật, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội đề ra. Công đoàn các cấp nỗ lực chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật và các chế độ chính sách đối với người lao động, kịp thời kiến nghị giải quyết kịp thời những vướng mắc, tranh chấp lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong các doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Công đoàn các cấp của Thành phố cần làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đi đôi với nâng chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, phấn đấu không có cơ sở hoạt động yếu kém. Đồng chí nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ công đoàn phải là một tấm gương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần tích cực trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội”.
Đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa tới tổ chức công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động; xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động; củng cố, phát huy tốt vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đồng chí tin tưởng, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ giành được nhiều thành quả to lớn hơn nữa, xứng đáng là lực lượng cách mạng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguồn: thanhuyhanoi.vn