TIN NỔI BẬT TRONG NƯỚC
Cách đây 20 năm, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Giây phút lịch sử này đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong hai thập kỷ qua.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể tự hào về những nỗ lực đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Các nhà lãnh đạo tham dự APEC 14 (nguồn TTXVN)
Năm 2006, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. Kết quả của Năm APEC 2006 với tinh thần “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng” đã góp phần tạo thêm xung lực đẩy mạnh hợp tác APEC theo hướng hiệu quả và năng động hơn.
Sau 11 năm, năm 2017, chúng ta tiếp tục được các thành viên tín nhiệm lựa chọn đăng cai APEC 25. Việt Nam đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cả trong việc chuẩn bị nội dung và trong công tác tổ chức. Với 243 hoạt động diễn ra, Năm APEC 2017 đã thu hút sự tham gia của hơn 21.000 đại biểu và khoảng 3.000 nhà báo, phóng viên đưa tin - những con số đã nói lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với APEC cũng như vai trò của nước chủ nhà Việt Nam. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối khu vực, củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế thương mại toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Tuyên bố Hội nghị Cấp cao APEC 25 và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế cùng các văn kiện kèm theo đã góp phần giữ vững đà hợp tác, liên kết, duy trì giá trị cốt lõi APEC về thúc đẩy thương mại đầu tư tự do và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Vai trò và đóng góp của Việt Nam được đặc biệt đề cao khi chúng ta chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn mới cho Diễn đàn APEC sau năm 2020.
Có thể nói, thành công và những dấu ấn của hai lần đăng cai APEC khẳng định đóng góp chủ động, tích cực và hết sức trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cùng với đó, kể từ khi gia nhập APEC, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc tham gia và xây dựng các nội dung hợp tác, chiến lược và chương trình hành động của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực nhằm thúc đẩy đồng thuận chung, tăng cường mở rộng các liên kết thương mại, đặc biệt là thực hiện các Mục tiêu Bô-go và Tầm nhìn FTAAP...; chủ động đề xuất và tham gia triển khai thành công trên 80 sáng kiến ở hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài ra, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, ta đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.
Tham gia APEC, Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển quan hệ kinh tế, chính trị; cơ hội để kêu gọi các nước thành viên ủng hộ tiến trình gia nhập WTO; tranh thủ các chương trình hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực, tăng cường liên kết thương mại. Đặc biệt, Năm APEC 2017 đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích kinh tế thiết thực, với 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng có trị giá gần 20 tỷ USD. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của khoảng 1.300 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực đã góp phần quảng bá tiềm năng phát triển của Việt Nam, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ với các đối tác. Với trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước đối tác, những hoạt động trong năm APEC 2017 đã tạo cơ hội “vàng” để Việt Nam tăng cường và củng cố các mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn, nhất là với các thành viên APEC chủ chốt.
Triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng APEC trên chặng đường phát triển sắp tới, chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược về cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng./.
Phương Mai