hà nội - thành phố vì hòa bình

Thành phố sáng tạo - thương hiệu mới của Thủ đô
Ngày đăng 15/08/2019 | 3:37 PM  | View count: 170

Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong xây dựng Thành phố sáng tạo, là biện pháp để đưa những tiềm năng văn hóa thành sức mạnh mềm, đem lại giá trị kinh tế. Ngược lại, Thành phố sáng tạo hỗ trợ công nghiệp văn hóa phát triển. Song, đây là lĩnh vực còn mới mẻ, đòi hỏi có những nhận thức mới về nguồn lực văn hóa, cũng như nhận diện những giá trị mới, để từ đó khơi thông nguồn lực.

                                                               Bài 2: Văn hóa trở thành sức mạnh mềm

 

Khai thác văn hóa để phát triển kinh tế

Lâu nay, mỗi khi nói đến văn hóa, chúng ta thường quan niệm đó là lĩnh vực… "tiêu tiền". Song thực tế, đó là cách nhìn có phần mang tính phiến diện. Tính đến hết tháng 7-2019, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 900 nghìn lượt khách, doanh thu từ bán vé lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhiều di tích như Hoàng thành Thăng Long, chùa Hương, Nhà tù Hỏa Lò… cũng thu được kinh phí khá lớn từ bán vé tham quan. Ðó là chưa tính đến lợi ích kinh tế từ các dịch vụ phát sinh như lưu trú, ăn uống, vận chuyển… khách du lịch. Ðối với khối nghề truyền thống, ẩm thực…, yếu tố kinh tế còn rõ ràng hơn, khi vừa lưu giữ những giá trị văn hóa, vừa tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh đó, các lĩnh vực thời trang, điện ảnh, mỹ thuật…, các sản phẩm nghệ thuật đều liên quan chặt chẽ đến thị trường.

Từ năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này xác định Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước. UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai Kế hoạch này sẽ tạo nền tảng cho xây dựng thành phố sáng tạo theo tiêu chí của UNESCO. Ngược lại, Thành phố sáng tạo sẽ hỗ trợ cho công nghiệp văn hóa phát triển. Mặc dù vậy, đối với nhiều người thì công nghiệp văn hóa vẫn là khái niệm còn mới mẻ. Thực chất, đó là khai thác nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế một cách bền vững. Do đó, chúng ta cũng cần có những nhận thức mới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa khẳng định: "Trước đây, khi nói về sức mạnh mỗi quốc gia, người ta hay nói về thực lực kinh tế, quân sự, tài nguyên, nhưng nay người ta nói về sức mạnh mềm. Trong sức mạnh mềm, văn hóa có vai trò quan trọng, thể hiện sức mạnh tiềm tàng và vị thế, tầm vóc của một dân tộc. Công nghiệp văn hóa sáng tạo đòi hỏi phải thay đổi tư duy cũ, vốn coi văn hóa chỉ nhận sự trợ cấp chứ không phải là một ngành kinh tế có đầu tư và sinh lợi nhuận. Bởi vậy các quốc gia đã và đang thay đổi tư duy quản lý, đề ra chính sách phát triển văn hóa. Văn hóa được đầu tư với vai trò là một ngành trọng yếu trong phát triển kinh tế".

Những nguồn lực mới

Tháng 9-2016, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, với mục đích tạo không gian văn hóa cho người dân, chú trọng vai trò kiến tạo của Nhà nước, để cộng đồng có thể tự tổ chức các hoạt động văn hóa. Thời điểm đó, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả ý kiến nghi ngờ sự thành công và ý kiến phản đối của một số hộ dân vì sợ và lo ngại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những gì phố đi bộ đem lại vượt mọi sự mong đợi. Phố đi bộ trở thành một không gian văn hóa giữa Thủ đô. Không gian này khi hình thành đã tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa đường phố, dù là truyền thống hay hiện đại. Không gian ấy giúp cộng đồng được tương tác về văn hóa. Phố đi bộ đã giúp khách du lịch đến quận Hoàn Kiếm tăng mạnh. Nhiều hộ gia đình trong khu vực chuyển hướng kinh doanh phục vụ nhu cầu của khách du lịch và đều thu được thành công. Ðây được coi là một điển hình của không gian sáng tạo do Nhà nước kiến tạo.

Năm 2013, Hợp tác xã Zone 9 ra đời. Khi ấy, không nhiều người "hiểu" Zone 9 là gì. Nhiều người nghĩ rằng đó là khu tập hợp các quán cà-phê, nhà hàng và một số cửa hàng của các kiến trúc sư, nhà thiết kế và văn nghệ sĩ trẻ. Nhưng một thời gian sau, người ta mới nhận ra không gian đó nuôi dưỡng những nguồn sáng tạo. Và không gian ấy tạo ra hàng trăm công ăn, việc làm. Zone 9 đã bị ngừng hoạt động do không bảo đảm điều kiện an toàn cho người tham gia sinh hoạt. Song, đó cũng là dấu mốc để một loạt không gian sáng tạo khác ra đời. Ðến nay, theo thống kê của Hội đồng Anh, thành phố Hà Nội có khoảng 70 không gian sáng tạo, dẫn đầu cả nước. Trong đó có những không gian sáng tạo nổi tiếng như: X 98 (phố Hoàng Cầu), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân), Manzi (phố Phan Huy Ích), The Vuon (phố Giảng Võ), Vụn Art (Vạn Phúc, quận Hà Ðông)... hay lớn nhất là Thành phố sáng tạo (Hanoi Creative City) ở phố Lương Yên. Phần lớn đây đều là các không gian được thiết kế để tổ chức các triển lãm, cuộc trò chuyện, trao đổi, sự kiện về nghệ thuật, thư viện, cửa hàng thời trang...; tạo điều kiện để kết nối giữa những người làm sáng tạo văn hóa với nhau, kết nối giữa sáng tạo văn hóa với thương mại. Những không gian này truyền cảm hứng làm việc cho các cá nhân tham gia, khai mở thêm những nguồn tài nguyên văn hóa. Dù còn chưa sánh được với những quốc gia phát triển, nhưng những không gian sáng tạo được xác định đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo.

Ðối với nghệ thuật biểu diễn, vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" (tại Khu du lịch Tuần Châu, huyện Quốc Oai) đang là điểm sáng của văn hóa Thủ đô. Một sân khấu mới mẻ, trên mặt nước, một hệ thống công nghệ hiện đại được ứng dụng, nhất là hệ thống ánh sáng la-de. Trên nền đó, là câu chuyện của làng quê vùng Bắc Bộ diễn ra, với sự tham gia diễn xuất của 250 diễn viên với nhiều cái mới, lạ.

Những câu chuyện trên cho thấy, nguồn lực văn hóa không chỉ gồm di sản, làng nghề, hay hệ thống thiết chế văn hóa, các đơn vị văn hóa nghệ thuật. Cuộc sống luôn vận động, phát sinh những nhân tố mới. Vấn đề chính là nhận diện kịp thời và xây dựng hệ thống chính sách khơi thông những nguồn lực ấy. Trong xây dựng Thành phố sáng tạo, Hà Nội lựa chọn tiêu chí sáng tạo về thiết kế, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai. Ðiều thú vị ở chỗ, câu chuyện thiết kế bao trùm lên nhiều lĩnh vực, từ sản phẩm làng nghề, cho đến không gian sáng tạo, hay nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực… Song, cần chọn lựa những thế mạnh vốn có, kết hợp những nhân tố mới phù hợp để có hướng phát triển, đầu tư đúng, tạo nên động lực mạnh mẽ giúp cho quá trình phát triển nhanh và bền vững hơn.                                                                                                                                                                             (Còn nữa)

                                                                                                                                                Nguồn: Báo Nhân dân điện tử