TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tác phẩm "Một Hà Nội khác" của Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam
Publish date 03/11/2024 | 6:46 PM  | View count: 83

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hoà bình”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” dành cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam với tác phẩm “Một Hà Nội khác”. Dưới đây là nội dung bài viết:

Những hình ảnh của Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới không chỉ đến từ các quyết sách hay chỉ số mang tính vĩ mô. Một cách rất chân thực, tôi nhìn thấy sự biến đổi ấy từ những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày ở Hà Nội, thành phố mà tôi luôn gắn bó như một phần của cuộc đời mình. 


Những năm xa Hà Nội, tôi không chỉ nhờ về cảnh vật, về nhịp sống, về những con người mình đã gặp trong thời sinh viên. Hơn thế, hai chữ Hà Nội mở ra dòng ký ức bất tận của tôi về những hình ảnh đã từng khắc sau vào tâm trí ngay từ khi còn là một cậu bé tại Palestine. Trong số đó, tôi nhớ mãi những thước phim ghi lại cảnh đoàn quân Việt Nam tiến về tiếp quản Thủ đô vào tháng 10 năm 1954. Đón họ là những cô gái Hà Nội tha thướt với tà áo dài và bó hao trên tay, là những chàng thanh niên vừa kéo đàn accordion vừa nở nụ cười rạng rỡ. 


Tôi nhớ hình ảnh ấy như một biểu tượng đặc biệt về sự nền nã, duyên dáng và thanh lịch của Hà Nội để rồi năm 1989, tôi gặp một Hà Nội khác, vẫn duyên dáng nhưng lại vô cùng năng động và nhạy bén khi bước vào kinh tế thị trường. 


Tôi đã manh nha thấy được sự tươi mới ấy trong những dịp về thăm Hà Nội. Nhưng phải đến những ngày giữa năm 1989 khi tìm cách bắt nhịp lại với cuộc sống nơi đây, sự ngỡ ngàng mới thật sự đến với tôi.


Chỉ cần đọc những tờ báo tiếng Việt, tôi đã hoa mắt với sự xuất hiện của hàng loạt cụm từ mới: kinh doanh, dịch vụ, đầu tư, kinh tế vĩ mô, lãi suất…, những từ tôi gần như không hề gặp vào đầu thập niên 1980 cũng như trong cuốn giáo trình ở trường Đại học Tổng hợp, vốn chỉ có những thuật ngữ gắn với nền kinh tế tập trung bao cấp. Còn bây giờ, tôi phải than với bạn bè rằng hiểu những từ mới ở đâu ra mà nhiều quá và để hiểu cặn kẽ, tôi đã phải bỏ công tra cứu rất nhiều. 


Còn bây giờ, chỉ cần bước ra một sạp báo ngoài phố, tôi đã thấy có cả chục đầu báo khác nhau. Gần như, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi bộ, ngành hay hội đoàn của Việt Nam đều phát triển một tờ báo riêng trong vai trò cơ quan ngôn luận của mình. Khá thú vị là những tờ báo ấy cũng không còn bó hẹp nội dung ở những hoạt động thời sự trong nước như trước. Trên rất nhiều tờ báo đã có những bài viết về thế giới bên ngoài với những hình ảnh, những câu chuyện và sự kiện đang diễn ra ở các nước châu Á, châu Mỹ, châu Âu... 

 

Đọc thử những bài báo ấy, tôi hiểu hơn rằng Việt Nam không chỉ đổi mới về kinh tế, mà còn muốn thay đổi ngay từ những nguồn thông tin được tiếp cận. Rõ ràng, khái niệm “mở cửa” ở đất nước này không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện cho những tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ở phía ngược lại, người Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn để tìm hiểu về thế giới, đặc biệt là về những quốc gia phương Tây. 


Bởi thế, bên cạnh những câu chuyện về các nước khác, tôi còn bắt gặp những bài báo khá thực tế và thú vị. Sử dụng đủ mọi thể loại báo chí, những bài báo ấy cung cấp nhiều thông tin để hướng dẫn người đọc Việt Nam hòa nhập và giao tiếp với người nước ngoài, từ việc thăm hỏi, tặng quà, lời xã giao khi trò chuyện cho đến những chỉ dẫn cụ thể về phép giao tiếp nếu cùng họ ăn một bữa cơm. 


Cùng với việc ban hành những chính sách mới để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn có một bước ngoặt quan trọng vào cuối thập niên 1980, khi bắt đầu cấp thị thực du lịch cho một số du khách quốc tế. Thay đổi ấy mở ra một dòng chảy đa dạng của những người khách nước ngoài trên phố phường Hà Nội. Họ đến từ rất nhiều quốc gia phương Tây, thay vì chỉ từ Liên Xô, CHDC Đức hay các nước Đông Âu như trước kia. 


Hẳn nhiều người sẽ nghĩ, làn sóng văn hóa phương Tây tràn vào các thành phố Việt Nam qua chính sách mở cửa, cũng như những du khách quốc tế ấy. Thật ra, mọi thứ giống như một câu chuyện hai chiều. Ngay từ trước giai đoạn Đổi mới, người Việt Nam cũng đã rất có ý thức chuẩn bị để đón nhận sự tiếp xúc này. Những năm dài sống trong mô hình bao cấp cũng như việc manh nha làm quen với các yếu tố văn hóa mới từ những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động trở về đã tạo cho họ tâm lý sẵn sàng thay đổi. 


Tôi hiểu rằng mình sẽ không còn tìm lại được hình ảnh của những dòng người đi bộ hoặc đạp xe thong thả, với áo sơ mi trắng, quần lụa đen hoặc ka ki cùng sự điểm đạm pha chút dè dặt ở vẻ bề ngoài. Người Hà Nội bây giờ ăn mặc đẹp, hồ hởi và năng động hơn. Gặp tôi, một người đi đường bình thường cũng sẵn sàng vui cười, đánh vần những lời chào bằng tiếng Anh và tìm cách trò chuyện thân mật. Với họ, đó là cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về những người nước ngoài đang sống tại Hà Nội, trong khi ở thời bao cấp họ dè dặt, tránh xa. Thời trước tôi đã không thể thoải mái đến thăm hay đi chơi với bạn bè người Việt. 


Hà Nội cũng không còn là một thành phố im lặng như tôi từng chứng kiến những năm trước. Không im lặng cả theo nghĩa đen. Khi trước, vào buổi trưa, không gian tại trung tâm thành phố tĩnh lặng tuyệt đối, tới mức người ta có thể nhầm Hà Nội với một thị trấn nhỏ nào đó ở phương Tây. Thả bộ, tôi có thể nghe rõ tiếng ve kêu bên hồ Hoàn Kiếm, ngân nga giữa những con phố thưa người qua lại. Lác đác sát hồ chỉ có những đôi nam nữ ngồi khoác vai tâm sự. 


Còn bây giờ, sự tĩnh lặng đặc thù của Hà Nội xưa bị xóa đi bởi những chiếc xe máy. Loại phương tiện ấy không còn hiếm tới mức có thể nghe được tiếng của nó từ vài trăm mét, giữa những đường phố thanh vắng, như xưa. Tiếng xe bây giờ râm ran ở bất cứ con phố nào, với đủ loại, từ những chiếc xe Đông Âu như Babeta của Tiệp Khắc, Simson của Đức hay Minsk của Liên Xô cho tới những chiếc Honda Dream của Thái Lan hoặc Honda Cub Nhật Bản khá đắt tiền. Như so sánh từ một người bạn của tôi, đầu thập niên 1980, cứ khoảng một nghìn gia đình ở Hà Nội thì có hai xe máy. Nay tỷ lệ ấy chắc phải tăng lên gấp mười lần.


Xe máy và ô tô xuất hiện, tất nhiên Hà Nội cũng có thêm những tuyến đường kết nối. Năm 1980, khi tôi mới bắt đầu cuộc đời sinh viên của mình, Hà Nội chỉ có duy nhất một cây cầu Long Biên từ thời Pháp vắt qua sông Hồng, nối hai bờ Đông Tây của thành phố. Nhưng giờ đây, với hai cây cầu Thăng Long và Chương Dương mới xây dựng, việc đi từ Hà Nội sang các vùng xung quanh đã thuận lợi hơn rất nhiều. Vì thế mỗi lần từ sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố qua cầu Long Biên, tôi chỉ mất gần một giờ đồng hồ, thay vì hai tiếng lòng vòng theo tuyến Quốc lộ 3 qua cầu Đuống và cầu Long Biên như trước. 


Những năm 1990, nhà máy thủy điện sông Đà tại Hòa Bình bắt đầu phát điện. Người Hà Nội đã có thể trải nghiệm những ngày có điện đủ 24/24 giờ, một điều không tưởng ở thời điểm trước đó chục năm. Tất nhiên, nguồn điện cung cấp cho Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tại chỗ. Đó là lý do rất nhiều chiếc “sút von tơ”, loại thiết bị dùng các nút vặn tay để tăng giảm cường độ dòng điện ra đời và trở thành một mặt hàng bán rất chạy trên thị trường. 


Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới những đôi thanh niên Hà Nội từng ngồi tâm sự với nhau tại các vườn hoa hay cạnh hồ Gươm vào buổi tối. Khi đường phố náo nhiệt với tiếng xe, với những dòng người thường xuyên chuyển động và ánh sáng đèn lấp lánh, chúng ta không gặp lại hình ảnh ấy nữa. Các cặp tình nhân đã có những lựa chọn mới ở các quán cà phê, rạp chiếu phim hay những không gian riêng tư khác. 


Mỗi ngày, tôi lại gặp một nét mới của Hà Nội và theo dõi những thay đổi ấy với tất cả sự hào hứng cũng như niềm tự hòa của một công dân Palestine đã gắn bó với thàn phố này. 


Chỉ có một chút luyến tiếc trong tôi. Hà Nội phần nào không còn vẻ đẹp như mấy năm trước, với sự thanh bình tuyệt vời trên những đường phố vắng và sự điềm đạm, khoan thai của những người dân có thể gặp ở bất cứ đâu trên mỗi vỉa hè. Biết làm sao được, khi đã tới lúc chúng ta phải chia tay quá khứ. 

 

Ban Tổ chức trao Giải Đặc biệt cho Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam

 

Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam