TIN TỨC ĐỐI NGOẠI

Hàn Quốc- những bước phát triển thần kỳ
Publish date 10/11/2021 | 10:00 AM  | View count: 558

HAUFO-Đất nước Hàn Quốc bị Nhật xâm chiếm từ năm 1910 đến 1945, đến năm 1950 chiến tranh Nam-Bắc bùng nổ và kéo dài đến năm 1953. Sau đó, bị phân chia thành hai quốc gia cho đến tận hôm nay. Hàn Quốc từ đổ nát của chiến tranh đã từng bước khôi phục và phát triển kinh tế để rồi có một sự nhảy vọt làm cho cả thế giới phải khâm phục bởi kỳ tích sông Hàn. Hàn Quốc ba mặt giáp biển, địa hình chủ yếu là đồi núi với diện tích khoảng 100.032 km vuông, dân số là 48 triệu người, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có, thời tiết khắc nghiệt.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, là một nước nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt sau chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên kết thúc năm 1953, Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề, nhiều thành phố chỉ còn là đống tro tàn, thu nhập bình quân đầu người khoảng 67 USD/năm. Nhưng người Hàn Quốc không đầu hàng số phận, kinh tế Hàn Quốc có sự nhảy vọt ngoạn mục là nhờ vào chính sách phát triển kinh tế của chính phủ. Hiểu rõ chính sách phát triển kinh tế đối với quốc gia là sống còn, Tổng thống Park Chung Hee trao toàn quyền quyết định cho một nhóm các chuyên gia hoạch định kinh tế, tùy theo mục tiêu từng thời kỳ để ưu tiên, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế theo hướng xuất khẩu, tập trung cho sản xuất từ những ưu đãi về thuế, lãi suất, vốn, nguồn lực, hạn chế nhập khẩu… đặc biệt là chống tham nhũng triệt để đã giúp cho Hàn Quốc phát triển tối đa, hầu như không bị mất một xu vì tham nhũng. Sau 40 năm gây ngạc nhiên bằng tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%, chính khát vọng xây dựng một đất nước độc lập tự chủ và cường thịnh đã đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thứ ba của châu Á và thứ 13 thế giới, với thu nhập bình quân đầu người hơn 32.000 USD. 

     Những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Hai bên có độ tin cậy chính trị cao và thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Về kinh tế, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược từ năm 2011. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa hoặc giao lưu nhân dân cũng ngày càng được mở rộng. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh, truyền hình hay các sản phẩm âm nhạc K-pop… đang rất được ưa thích tại Việt Nam.

 

     Đối với hoạt động giao lưu nhân dân Việt-Hàn tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt-Hàn thành phố Hà Nội luôn chủ động tổ chức các hoạt động nhằm góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Các cuộc thi tìm hiểu về đất nước, con người Hàn Quốc đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh. Câu lạc bộ Hợp tác hữu nghị Việt - Hàn về quản trị công là cầu nối đưa nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Hà Nội tìm hiểu cơ hội hợp tác. Năm 2019, Hội phối hợp cùng Hiệp hội Blue Reborn - Hàn Quốc tổ chức sự kiện “2019 Passion show in HaNoi” nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc thông qua trình diễn áo dài, hanbok và bộ sưu tập thời trang của các nhà thiết kế Hàn Quốc. Đây là sự kiện giao lưu văn hóa, nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc, cũng là cơ hội để phụ nữ hai nước gặp gỡ giao lưu, học hỏi thành công của nhau trên các lĩnh vực mà họ cống hiến cho xã hội. Bên cạnh đó, Chi hội Quận Tây Hồ đẩy mạnh giao lưu hợp tác, học hỏi kinh nghiệm phát triển với Quận Jongno, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. 

     Đối với Chính phủ Hàn Quốc, Việt Nam là một đối tác cực kỳ quan trọng trong Chính sách Hướng Nam của Tổng thống Moon Jae-in. Việt Nam là một trong những nước có dân số đông nhất trong ASEAN, đạt gần 100 triệu người. Vậy nên tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong tương lai là rất cao. Những số liệu rất cụ thể chỉ ra rằng Việt Nam là đối tác hết sức quan trọng của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, đặc biệt là quy mô trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc chiếm hơn 40% tổng quy mô trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN. Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc, luôn coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng, lâu dài và là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. 

     Trước đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng với Hàn Quốc và sẵn sàng cùng với Hàn Quốc đưa quan hệ hợp tác sâu rộng đối tác chiến lược lên tầm cao mới trong thời gian tới; đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan của hai nước tiếp tục xác định rõ những nội hàm, những mục tiêu cụ thể cần đạt được sau khi nâng cấp quan hệ để hai nước đưa ra được những cam kết cụ thể, tạo thuận lợi cho việc nâng cấp quan hệ, nhất là khi hai nước đang hướng tới các mốc rất quan trọng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2022.

                                        Bảo Anh