TIN TỨC ĐỐI NGOẠI

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị lãnh đạo ASEAN tại Indonesia
Publish date 02/06/2021 | 5:30 PM  | View count: 623

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị lãnh đạo ASEAN tại Indonesia

Nhận lời mời của Chủ tịch ASEAN 2021, Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tại trụ sở Ban thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia từ ngày 23 đến 24-4-2021. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN.

 

 

          Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống; tình hình Myanmar có bất ổn. Sau nhiều nỗ lực trao đổi, tham vấn, ASEAN nhất trí tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN trao đổi về tình hình Myanmar, tiến trình xây dựng cộng đồng, ứng phó dịch COVID-19 và quan hệ đối ngoại của ASEAN.

          Chuyến công tác cũng khẳng định Việt Nam nỗ lực đóng góp tích cực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiếp nối các kết quả đạt được trong Năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; khẳng định cam kết, trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Việt Nam với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng 4-2021, ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ASEAN phát huy vai trò trung tâm, là cầu nối giữa ASEAN với Hội đồng Bảo an để đảm bảo thông tin khách quan, cân bằng, hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn.

 

 

Linh hoạt, chủ động, thích ứng

          Năm 2020, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam với vai trò nước Chủ tịch, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp 3 lần trong năm, thay vì 2 lần theo thông lệ. Nhiều hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên. Với những thành công trong năm 2020, vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam, ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao. Thành công của ASEAN đã mang lại những bài học quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực, mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.

          Với thành công của Năm chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19 hiện nay.

Đẩy mạnh hợp tác ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế

          Trong năm 2020, trên cơ sở đề xuất của Việt Nam và Thái Lan, Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 được các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức thành lập từ Hội nghị cấp cao ASEAN-36 (26/6/2020). Đến nay, đã có 14 nước ủng hộ cho quỹ với số tiền 16,5 triệu USD. Với sự hỗ trợ tài chính 50 triệu USD của Nhật, ASEAN sẽ thành lập Trung tâm ASEAN về ứng phó dịch bệnh mới nổi và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Việc xác định nước đăng cai trung tâm, xây dựng lộ trình thành lập, quy trình vận hành sẽ được ASEAN tiếp tục thảo luận trong thời gian tới.

          Hành lang đi lại ASEAN là sáng kiến mới được Indonesia đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong nội khối ASEAN, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Sáng kiến này cũng nhằm mục đích hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của ASEAN.

 

 

            Hội nghị kết thúc với Tuyên bố Chủ tịch; theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết hỗ trợ hiện thực hóa kịp thời các Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của Chủ tịch ASEAN 2021 theo trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với chiến lược phục hồi, số hóa và bền vững; đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hơn nữa trụ cột Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và các chương trình nghị sự của các cơ quan ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng nhằm đảm bảo ASEAN được điều phối, phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Liên quan đến đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo ASEAN nhắc lại cam kết thực hiện kịp thời Kế hoạch triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, đồng thời hoan nghênh quyết định sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 để mua vắc-xin cho người dân ASEAN càng sớm càng tốt. ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất Khung thỏa thuận về Hành lang du lịch ASEAN (ATCAF), sớm vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khu vực cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và nhanh chóng thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và các bệnh mới nổi. Tuyên bố Chủ tịch cũng đề cập tình hình Myanmar, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo về số người thiệt mạng và tình trạng bạo lực leo thang đồng thời các nước đạt được đồng thuận về 5 điểm - chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, đặc phái viên ASEAN giúp xúc tiến đối thoại, chấp nhận viện trợ và một chuyến thăm của đặc phái viên này tới Myanmar. 

 

Bảo Anh