BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC

50 năm Ngày ký Hiệp định Paris Biểu tượng của ý chí kiên cường, đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao Việt Nam
Publish date 30/01/2023 | 6:40 AM  | View count: 123

Gần nửa thế kỷ trước, vào ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao Việt Nam.

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp Ảnh: Tư liệu

 

Sức mạnh của ý chí

Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris, ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò là mặt trận quan trọng, đóng góp tích cực, chủ động vào việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cụ thể, trong khoảng 5 năm (từ năm 1968-1973), để tới được Hiệp định Paris, quá trình đàm phán đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Trong giai đoạn đàm phán, song song trên mặt trận quân sự và chính trị, ngoại giao Việt Nam đã phát động “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris”. Đây được coi là một trong những cuộc đối đầu gay gắt nhất trong thế kỷ XX giữa Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé, với Mỹ, một cường quốc hàng đầu thế giới; giữa một nền ngoại giao non trẻ và đang phát triển của Việt Nam với đối tác mạnh mẽ, chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm của Mỹ.

Ngày 13/5/1968, các cuộc đàm phán bắt đầu ở Paris. Bất chấp những giai đoạn bế tắc trong đàm phán, các nhà ngoại giao của ta không nản chí. Thay vào đó, họ tiếp tục chiến đấu bền bỉ mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào. Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong các vòng đàm phán.

 

Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt ngày 22/1/1973

Ảnh: Tư liệu 

 

Từ giữa năm 1972, khi đàm phán căng thẳng, chính quyền Mỹ ra sức sử dụng chính sách ngoại giao con thoi, nhượng bộ các nước lớn để cô lập Việt Nam, lôi kéo đàm phán có lợi, buộc ta phải chấp nhận những yêu sách phi lý. Nghiêm trọng hơn, để phá thế bế tắc, Mỹ đã điều máy bay B-52 ném bom tới 100.000 tấn bom xuống các tỉnh miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18 đến 30/12/1972 nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. Ý chí và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Thắng lợi then chốt này đã buộc Tổng thống Mỹ R. Nixon phải dừng các cuộc không kích và ngồi vào bàn đàm phán tại Paris với phái đoàn Việt Nam để ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Cuối cùng, đúng 12h30 (giờ Paris, Pháp) ngày 22/01/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.

Dấu mốc lịch sử mang tên Hiệp định Paris đã khiến Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới nể phục, đồng thời khẳng định sức mạnh và ý chí quyết thắng của Đảng, dân tộc ta nói chung và của các nhà ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Nghệ thuật ngoại giao đỉnh cao “vừa đánh vừa đàm phán”

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, tạo bước ngoặt để chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc tập, dân chủ, tự do. Đó còn là kết quả của sự chủ động, sáng tạo, năng lực và trí tuệ của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; cũng là bài học quý giá trong công tác đối ngoại của ta trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, Hiệp định Paris là kết quả của việc ngoại giao Việt Nam tuân thủ nguyên tắc kiên định mục tiêu, mềm dẻo chiến lược và sách lược được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra. Theo đó, “độc lập chủ quyền” và “toàn vẹn lãnh thổ” là những mục tiêu kiên định được chúng ta đặt ra, trong khi đó lại linh hoạt về sách lược, chiến thuật.

Thứ hai, Hiệp định Paris là kết quả của việc vận dụng nghệ thuật kết hợp giữa đấu tranh và đàm phán. Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc khẳng định, Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm phán”, trong hội đàm, ta đã 5 lần buộc Mỹ phải nhượng bộ.

Thứ ba, Hiệp định Paris cũng là kết quả của chính sách ngoại giao công chúng của Việt Nam. Cụ thể là những “cuộc chiến mềm” thông qua báo chí và vận động quần chúng - trở thành nét trí tuệ đặc sắc và tầm vóc nền ngoại giao Việt Nam. Đàm phán Hiệp định Paris kéo dài gần 5 năm, nhưng thời gian đàm phán thực tế khoảng 6 đến 7 tháng. Thời gian còn lại dành cho công tác tuyên truyền. Chúng ta đã tổ chức 500 thông cáo báo chí và hàng nghìn cuộc gặp gỡ với Nhân dân Pháp và quốc tế để vận động dư luận, thúc đẩy cuộc đấu tranh chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

 

 

Những bài học vẫn mang tính thời sự

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Hiệp định Paris vẫn để lại những bài học quý giá về giữ vững chính nghĩa, hòa bình của dân tộc; về kiên định độc lập, tự chủ trong giải quyết các vấn đề đối ngoại; về việc tạo và nắm bắt thời cơ; về kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị; về vận dụng dư luận quốc tế; kiên định về mục tiêu, linh hoạt về sách lược.

Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã và đang tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thêm vững tin để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hợp tác quốc tế, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của Việt Nam trong thời đại mới.

                                                                                                                 Liên Hà