CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong phát triển Thủ đô
Ngày đăng 14/06/2024 | 3:52 PM  | View count: 84

Sáng 13/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (Liên hiệp Hà Nội) tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong phát triển Thủ đô”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân và xây dựng pháp luật trao đổi, thảo luận, đề xuất cơ chế chính sách, tạo nền tảng cơ sở pháp lý bảo đảm hoạt động đối ngoại nhân dân Thủ đô lên tầm cao mới.

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal; một số thành viên Hội đồng tư vấn đối ngoại nhân dân Thủ đô; đại diện một số sở, ban, ngành liên quan. TS Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hà Nội chủ trì buổi Tọa đàm. 

 

Quang cảnh tọa đàm


Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết qua các giai đoạn lịch sử, nhận thức về đối ngoại ngày càng hoàn thiện và sâu sắc hơn. Lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, đối ngoại nhân dân là 1 trong 3 trụ cột đối ngoại. Đối ngoại nhân dân cùng với đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước tạo nên hệ thống mặt trận đối ngoại thống nhất, góp phần phát triển nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, toàn diện.


Theo Chủ tịch Liên hiệp Hà Nội, ngày 15/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong văn bản này đã có yêu cầu quan trọng: “Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chủ động và tích cực nắm bắt cơ hội, nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới; củng cố các mối quan hệ truyền thống, mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố trên thế giới. Tăng cường đối ngoại nhân dân; tích cực tuyên truyền, thông tin đối ngoại về Thủ đô với bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài”.


Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi, tìm các giải pháp tháp gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong phát triển Thủ đô. Các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh nhóm cơ chế chính sách trên liên quan việc cụ thể hóa, triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) bao gồm: địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế.


PGS.TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Song song với việc tiếp tục riển khai thực hiện các chỉ đạo mới của Trung ương, Thành phố về đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hà Nội cần tiếp tục khẳng định tính hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ công tác, Liên hiệp Hà Nội vẫn còn có một số khó khăn về cơ chế và hạn chế về hoạt động. Đề nghị Liên hiệp Hà Nội tiếp tục tranh thủ ý kiến của Hội đồng tư vấn đối ngoại nhân dân Thủ đô nhằm tìm ra kiến giải; tiếp tục căn cứ vào Khoản 2 Điều 52 Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 10/5/2024, Khoản 3 Điều 9 Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 23/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, qua đó xây dựng Đề án Giải pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong thực hiện Luât Thủ đô.

 

Các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về các nội dung góp ý xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về cơ chế chính sách đặc thù lĩnh vực đối ngoại nhân dân. Đồng thời, trao đổi, đóng góp ý tưởng nhằm thúc đẩy công tác nhân sự, nghiên cứu dự báo, nghiên cứu chiến lược đối ngoại nhân dân, gắn bó thiết thực, hiệu quả với các mục tiêu phát triển của Thủ đô. 

 

TS Nguyễn Ngọc Kỳ đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, yêu cầu các bộ phận chức năng tiếp thu tối đa các ý kiến làm cơ sở để đề xuất các cấp có thẩm quyền để nâng cao công tác đối ngoại nhân dân trong phát triển Thủ đô. 


Uyển Nhi