CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP

Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ngày đăng 07/06/2024 | 9:17 PM  | View count: 101

Tại Kỳ họp thứ 7, chiều 28/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phiên thảo luận đã có 25 lượt ý kiến phát biểu, 01 ý kiến tranh luận. Các đại biểu Quốc hội phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm vừa bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, đặc biệt là tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước cùng Hà Nội.


Một “điểm sáng" trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là Khoản 2, Điều 52: “Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô; tăng cường đối ngoại nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, người dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ”.


Quy định này tạo ra những thay đổi căn bản và mang tính đột phá trên tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác lập quan điểm chỉ đạo quan trọng về 3 trụ cột đối ngoại, trong đó trụ cột “đối ngoại nhân dân” cùng với 2 trụ cột “đối ngoại Đảng” và “ngoại giao Nhà nước” tạo nên mặt trận đối ngoại thống nhất, hình thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, toàn diện.

 

Phiên họp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh nguoilambao.vn)


Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, có quan hệ hữu nghị hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; Khoản 2, Điều 52 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần tạo ra thay đổi căn bản về đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại nhân dân, đưa đối ngoại nhân dân Thủ đô lên tầm cao mới, để Hà Nội ngày càng nâng cao vị thế, xứng tầm Thủ đô, tạo bước đột phá trong hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước đối với công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng.


Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để Thủ đô Hà Nội có bước phát triển mang tính đột phá.

 

Uyển Nhi