BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC
Những di sản văn hóa thế giới ở Trung Quốc không thể bỏ qua
Ngày đăng 06/09/2024 | 6:10 PM | View count: 9
Trung Quốc tự hào sở hữu 59 Di sản Thế giới UNESCO ấn tượng, đứng thứ hai chỉ sau Ý, các di sản thế giới của UNESCO tại Trung Quốc giữ kỷ lục thế giới về nơi cao nhất, dài nhất hoặc lâu đời nhất, một số khác được coi là tương đối khác thường. Hãy cùng tìm hiểu những kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời của đất nước này cũng như di sản lịch sử và văn hóa phong phú được UNESCO công nhận trong một thập kỷ qua.
Vạn Lý Trường Thành - Bắc Kinh: Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1987, Vạn Lý Trường Thành trải dài 20.000 cây số, bắt đầu ở phía Đông của Sơn Hải Quan thuộc tỉnh Hà Bắc và kết thúc ở phía Tây tại Gia Dục Quan ở tỉnh Cam Túc.
Được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 17 sau Công nguyên, Vạn Lý Trường Thành là minh chứng hùng hồn về tư duy chính trị chiến lược, lực lượng quân sự, quốc phòng hùng mạnh của các Nhà nước phong kiến tập quyền và là công trình tiêu biểu về kiến trúc, công nghệ và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Trung Quốc cổ đại.
Hang Cao - Đôn Hoàng: Hang Mạc Cao, cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng 25km về phía Đông Nam, được ngợi ca là khám phá lớn nhất của thế giới về văn hóa Phương Đông cổ đại và cũng là nơi lưu giữ kho tàng nghệ thuật Phật giáo lớn, phong phú và từng được sử dụng lâu dài nhất toàn cầu.
Xây dựng lần đầu năm 366 sau Công nguyên và bồi đắp trong suốt 1.000 năm, hang Mạc Cao đại biểu cho thành tựu vĩ đại của nghệ thuật Phật giáo trong suốt 11 thế kỷ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1987. Hiện nơi đây có 492 hang động đang được bảo tồn, lưu giữ khoảng 45.000m2 diện tích tranh tường và hơn 2.000 tác phẩm điêu khắc phủ sơn.
Cổ trấn Lệ Giang: Là cổ trấn tiêu biểu nhất xây cuối đời Nam Tống ở độ cao 2.400m, Lệ Giang được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1997. Đúng như phong hiệu “Venice phương Đông”, Lệ Giang hiện ra với những nếp nhà người Nạp Tây lợp ngói đỏ tồn tại hàng trăm năm trước, gần 350 cây cầu lát đá in hoa văn thanh nhã bắc ngang các bờ kênh trong vắt của hồ Hắc Long… cho đến những dãy hàng lưu niệm treo đầy đèn lồng đỏ rực rỡ sắc màu khi đêm về.
Lâm viên cổ kính của Tô Châu: Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997, “Hoa viên chi thành” Tô Châu nổi bật với 9 lâm viên tiêu biểu cho kiến trúc sân vườn cổ điển Trung Quốc. Có niên đại từ thế kỷ 11 - 19, các lâm viên được ghi nhận là kiệt tác nghệ thuật sân vườn đã phản ánh tầm quan trọng sâu sắc của vẻ đẹp tự nhiên trong văn hóa Trung Hoa. Có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên khi Tô Châu được thành lập như là kinh đô của nước Ngô thời kỳ Tam Quốc. Khởi xướng từ các khu vườn săn bắn hoàng gia được xây bởi vua Ngô, các lâm viên tư nhân dần hình thành trong khoảng 4 thế kỷ và đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 18.
Ngày nay, Tô Châu vẫn còn lưu giữ được hơn 50 lâm viên, trong đó có 9 khu vườn gồm Chuyết Chính Viên (Vườn của người quản gia khiêm tốn), Lưu Viên, Võng Sư Viên, Thương Lang Đình, Sư Tử Lâm, Nghệ Phố, Ngẫu Viên, Hoàn Tú Sơn Trang, Thoái Tư Viên được xem là hiện thân tiêu biểu của lâm viên sơn thủy Trung Hoa.
Cung điện Potala - Tây Tạng: Nằm ở trên núi Đỏ có độ cao 3.700m giữa trung tâm thung lũng Lhasa, thuộc quần thể di tích cung điện Potala được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1994, cung điện Potala - biểu trưng cho Phật giáo Tây Tạng - còn lập kỷ lục Guiness là cung điện có vị trí tọa lạc cao nhất thế giới.
Đây từng là cung điện mùa Đông cho Đức Đạt Lai Lạt Ma từ thế kỷ thứ 7 và có vai trò trung tâm trong chính quyền Tây Tạng truyền thống. Quy mô cung điện có thể ví nó như “Tử Cấm thành” của Tây Tạng bởi nó huy động tới 7.000 thợ thủ công và 66,154kg vàng để hoàn thiện.
Bản tin Hữu nghị và Hợp tác giới thiệu đến các bạn đọc một số di sản văn hóa thế giới ở Trung Quốc để chúng ta có thể tìm hiểu lịch sử, địa lý và văn hóa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2024). Thông qua giao lưu văn hóa, người dân hai nước có điều kiện hiểu biết sâu hơn về đất nước, văn hóa, phong tục tập quán của nhau, tăng cường tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt là thông qua giao lưu văn hóa, hai nước có thể mở ra những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế - xã hội ở các địa phương, việc tiến hành trao đổi kinh nghiệm về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cả hai nước đều tìm ra giải pháp, cơ chế để phát triển tiềm năng du lịch cho mình.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán xác định tăng cường và phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, hữu nghị hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khẳng định sẵn sàng cùng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc duy trì trao đổi thường xuyên, tăng cường định hướng chiến lược cho quan hệ song phương theo nhận thức chung cấp cao; không ngừng vun đắp, củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển đi vào chiều sâu và ngày càng thực chất, hiệu quả, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Hiền t/h