BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC

Ngày Quốc tế hòa bình 21/9: Vì một nền hòa bình cho nhân loại
Ngày đăng 06/09/2024 | 6:07 PM  | View count: 10

Hòa bình là một mục tiêu cao cả và quan trọng nhất cần nỗ lực hướng tới ở cả bình diện quốc gia và quốc tế. Ngày Quốc tế Hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 và lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 21/9/1982. Mục đích của Ngày Quốc tế Hòa bình là để đạt được mục tiêu chung mà nhân loại luôn muốn hướng tới, đó chính là một thế giới không có chiến tranh, bạo lực, con người được sống trong hòa bình và hạnh phúc.

Trong lịch sử hàng ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Có lẽ vì chịu quá nhiều những khổ đau, mất mát do chiến tranh, nên dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, bạo lực.


Nỗ lực vì một nền hòa bình cho nhân loại


Trong suốt nhiều thập kỷ qua, hoạt động gìn giữ hòa bình đã liên tục được Liên hợp quốc triển khai dưới hình thức các phái bộ. Đến nay, đã có hơn 70 phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc được thành lập, với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đến từ 125 nước trên thế giới. Đó là những người lính, quan sát viên quân sự, cảnh sát dân sự, bác sỹ, kỹ sư... với các nhiệm vụ: giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, bảo vệ người dân, tuần tra, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp, đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ.


Các phái bộ này phải hoạt động trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm, do những mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang, tội phạm và khủng bố sở hữu vũ khí tối tân… Từ năm 1948 đến nay, đã có hơn 3.500 người thiệt mạng khi phục vụ trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ghi nhận sự nỗ lực, hy sinh và những thành tích to lớn của Lực lượng này, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.


Những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam


Ngày 25/5/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”. Triển khai đề án này, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) được thành lập.


Năm 2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Đến nay, số lượng sĩ quan được Việt Nam cử đi theo hình thức cá nhân tăng cả về số lượng và lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia; và đã được Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc và ý thức kỷ luật... 


Năm 2019, thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ. Trong phát biểu của mình, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Palladino đã nói: “Cảm ơn Chính phủ Việt Nam khi đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này. Lịch sử hai nước chúng ta phản ánh các khả năng cho hòa bình và thịnh vượng. Chúng tôi đã vượt qua xung đột và bất đồng để đi đến quan hệ phát triển mạnh như hiện nay”. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 16/7/1999, thủ đô Hà Nội của Việt Nam là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng quốc tế về khát vọng hòa bình của nhân dân ta.


Nhân chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2024) và 138 năm ngày Quốc tế Lao động (01/05/1886-1/05/2024), Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4) đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, khởi đầu là chuyến công tác thiện nguyện đến trường tiểu học dành cho học sinh nữ (Bentiu Girls Primary School) tại Bentiu, bang Unity, Nam Sudan.


Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 làm nhiệm vụ tại Nam Sudan có 63 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 10 nữ), được lựa chọn từ một số quân khu, quân đoàn, Bệnh viện Quân y 175, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và một số đơn vị khác.


Bentiu, nơi địa bàn đóng quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 là một trong những nơi biến động và bất ổn nhất của Nam Sudan. Cuộc sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn, gần như phụ thuộc vào trợ cấp của Liên hợp quốc.


Có thể thấy, so với nhiều quốc gia, quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam chưa dài, nhưng đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam ở một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc. Việt Nam cùng thế giới hưởng ứng mạnh mẽ Ngày Quốc tế hòa bình nhằm tôn vinh hòa bình, khuyến khích các quốc gia cùng chung tay hợp tác vì hòa bình, vận động các bên tham chiến từ bỏ vũ khí, cùng đưa ra thỏa thuận hòa bình vì một thế giới hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng./.


Hương Ly