BẢN TIN HỮU NGHỊ HỢP TÁC

Khẳng định vị và phát huy vị thế Thành phố Vì hoà bình
Ngày đăng 15/08/2024 | 6:17 PM  | View count: 10

Cách đây 25 năm, ngày 16 tháng 7 năm 1999, Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống văn hóa hòa hiếu cũng như khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là sự đánh giá cao đối với những thành tựu bứt phá ngọan mục của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. Đó là một vinh dự và cũng là một thách thức lớn lao để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hoà bình trường tồn trên trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập. 


Để thiết thực chào mừng sự kiện quan trọng đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hoà bình, 25 năm hội nhập và phát triển”, nhằm điểm lại những thành tựu đã đạt được sau 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” dựa trên 05 nhóm tiêu chí: hành động mẫu mực trong bình đằng, gắn kết xã hội và thúc đẩy đối thoại cộng đồng;  phát triển đô thị hiện đại nhưng lưu giữ được bản sắc và ký ức; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa; mẫu mực về giáo dục và đặc biệt là chăm lo giáo dục công dân, thế hệ trẻ. Thông qua chương trình tạo cơ hội để quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về Thành phố hòa bình, cùng nhau xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu Thành phố vì hòa bình, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. 


Ban Tổ chức đã nhận được 12 bài tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, các vị Đại sứ quốc tế, đại diện cho bạn bè quốc tế và các tầng lớp nhân dân… cùng đưa ra tiếng nói của những người yêu Hà Nội. Các tham luận đều được chuẩn bị với nhiều tâm huyết từ quá trình lịch sử Thành phố Hà Nội xây dựng hồ sơ và ứng cử giải thưởng “Thành phố vì Hòa bình” của Unesco đến những cảm nhận của bạn bè quốc tế về Thủ đô Hà Nội hơn ngàn năm tuổi. Bám sát 5 trụ cột nội dung, các tham luận tập trung 5 dấu ấn đậm nét sau:


Một là, về phương diện lý luận: với tham luận của Ban Đối Ngoại Trung ương mang tính khái quát, định hướng nội dung xuyên suốt của Tọa đàm với tiêu đề: “Quan điểm của Đảng về phát huy hệ giá trị hòa bình hữu nghị của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” trong đó đã nêu bật: Tư tưởng của Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị; Quan điểm của Đảng ta về hòa bình hữu nghị…


Hai là, về phương diện phong trào xã hội, tham luận của TS. Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hóa và Unesco, Bộ Ngoại giao đã nên rõ: “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo của toàn xã hội, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp”. Phong trào yêu chuộng hòa bình, tôn vinh danh hiệu Thành phố vì hòa bình đã được thể hiện đậm nét trong tham luận ấn tượng của Thành Đoàn Hà Nội. Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, phong trào “Tôi yêu Hà Nội” được tuổi trẻ Thủ đô chung tay đẩy mạnh tạo nhiều dấu ấn thiết thực. Thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô ghi dấu ấn với mô hình “Vùng xanh trên không gian mạng” - 579 nhóm cộng đồng dân cư cấp xã trên mạng xã hội Facebook. 


Ba là, về thực tiễn, thành tựu nổi bật của 25 năm hội nhập và phát triển của Thủ đô đã được thể hiện rõ nét qua 04 tham luận của 03 Sở: Văn hóa và thể thao, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Hoàn Kiếm. Các tham luận đều đánh giá Hà Nội đã nỗ lực trong việc duy trì các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO đó là: Bình đẳng và gắn kết trong cộng đồng; Về quản lý phát triển đô thị bền vững; Về bảo vệ môi trường sống; Về thúc đẩy phát triển văn hóa, ký ức đô thị; Về chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Danh hiệu Thành phố vì hòa bình tạo nên động lực để thành phố phát triển và cống hiến như phát huy các giá trị của di sản, xây dựng các biểu tượng của Thành phố. 


Bốn là, cần tiếp tục phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa, di sản độc đáo riêng có của Thủ đô, nói đến Hà Nội không thể không nhắc đến sự gặp gỡ văn hóa Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, với mật độ đậm đặc các di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phong phú khổng lồ. Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo. Thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người.  


Năm là, về phương diện lãnh đạo chỉ đạo, Liên hiệp Hà Nội sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến gợi ý chỉ đạo của Ban đối ngoại Trung ương: “Liên hiệp Hữu nghị Hà Nội cần xây dựng chiến lược, chương trình tổng thể cũng như các kế hoạch hành động cụ thể, huy động đa dạng các lực lượng, vận dụng mọi hình thức/công cụ đối ngoại, triển khai trên nhiều lĩnh vực nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu đối ngoại của thủ đô nói riêng và của đối ngoại nhân dân nói chung. Trong đó quan tâm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, giao lưu nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị hòa bình, hữu nghị trong bối cảnh hiện nay; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về khắc phục, hàn gắn hậu quả chiến tranh; tăng cường vận động các nguồn lực quốc tế, nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại”, đã đến lúc Hà Nội cần có chương trình hành động phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình, nhằm tập trung sự chỉ đạo lãnh đạo đồng thời góp phần đổi mới nội dung và phương thức đối ngoại nhân dân Thủ đô. 


Tất cả nội dung các bài tham luận đã được tổng hợp vào cuốn Kỷ yếu Tọa đàm bằng 02 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, gửi tặng các đại biểu tham dự Tọa đàm và một số Đại sứ, nhà ngoại giao nước ngoài đang công tác tại Hà Nội....


Ngọc Khanh (tổng hợp)