BẠN BÈ BỐN PHƯƠNG

Tùy viên sứ quán Mỹ ấn tượng với cách người Việt yêu văn hóa
Ngày đăng 29/11/2023 | 3:42 AM  | View count: 146

"Văn hóa Việt Nam và Mỹ rất khác nhau. Một cơ hội để hai bên tìm hiểu và trải nghiệm sẽ rất thú vị và độc đáo", Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett chia sẻ.

Kate Bartlett lần đầu tiên đến với Việt Nam năm 2017 với vai trò khách du lịch. Cô đã nảy sinh tình cảm với đất nước này và trở lại năm 2021 với vai trò Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Mỹ. Kate có thể nói thành thạo 5 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Tây Ban Nha, Indonesia, Rumani, Iran, và tiếng Việt. 

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, nữ tùy viên cho biết, cô rất ấn tượng khi nhận thấy không phải quốc gia nào cũng tự hào về nền văn hóa của mình như Việt Nam.

"Tôi thích cách Việt Nam khiến mọi người cảm thấy được chào đón, mang mọi người lại gần nhau, lan tỏa năng lượng tích cực và niềm vui," Kate chia sẻ, đồng thời "bật mí" một hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Mỹ thú vị sắp tới. 

  Nhiều ưu tiên cho hợp tác văn hóa – giáo dục

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden với quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam và Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mở thêm nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước. Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, chuyến thăm mở ra tiềm năng như thế nào? 

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đã làm nổi bật tầm quan trọng của quan hệ song phương Việt Nam và Mỹ. Những vấn đề hợp tác mà Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã đề cập rất đa dạng, từ kinh tế tới khoa học – kĩ thuật... trong đó bao gồm ưu tiên về giáo dục, văn hóa, ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ giữa người dân hai nước.

Năm 2025 sắp tới cũng đánh dấu mốc kỷ niệm quan trọng trong quan hệ hai nước. Có thể nói đây là khoảng thời gian rất thích hợp để Việt Nam và Mỹ khai phá những lĩnh vực mới và củng cố những hợp tác truyền thống trong văn hóa - giáo dục.

Kate có thể nói thành thạo 5 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Tây Ban Nha, Indonesia, Rumani, Iran, và tiếng Việt.

Ảnh: Khánh Huy

Trong thời gian tới, chị dự định thúc đẩy những hợp tác văn hóa - giáo dục ra sao thông qua những hoạt động cụ thể nào?

Về mặt văn hóa, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thúc đẩy việc trao đổi đi lại hai chiều của người dân hai nước qua nhiều hình thức, có thể là các chuyến du lịch, trao đổi sinh viên, hay với tư cách là tình nguyện viên thuộc các chương trình khác nhau…, ví dụ như Peace Corps.

Chúng tôi tin tưởng, một khi người dân hai nước có thêm cơ hội trao đổi, hiểu thêm ngôn ngữ và văn hóa của nhau, mối quan hệ hữu nghị sẽ thêm phần khăng khít.

Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, là một ưu tiên rất rõ ràng. Về phần mình, mỗi lần gặp gỡ đại diễn các trường đại học Mỹ, tôi đều khuyến khích họ xem xét chương trình du học cho sinh viên, trao đổi giảng viên qua đây.

Hiện chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với Bộ VHTT&DL, Bộ Giáo dục và các trường đại học Việt Nam cũng như nhiều đối tác khác nhằm kết nối hai nền văn hóa và giáo dục. 

Được biết, Ngày Giao lưu Hữu nghị Việt Nam - Mỹ diễn ra sắp tới sẽ là một trong những hoạt động như vậy, chị có thể chia sẻ thêm?

Đó là một sự kiện “chưa từng có”! Ngày Giao lưu Hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ (US-Vietnam Friendship Festival) do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) sắp diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long vào ngày 2/12 tới.

Sự kiện mở cửa cho công chúng với một loạt hoạt động thú vị về ẩm thực Việt – Mỹ, giao lưu văn hóa thể thao, tìm hiểu về văn hóa song phương, các màn trình diễn âm nhạc nghệ thuật, cũng như các gian hàng trưng bày đồ thủ công truyền thống Việt Nam, và nhiều hoạt động trò chơi, thể thao mini đa dạng cho cả gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia…

Một buổi trình diễn thời trang trong khuôn khổ Lễ hội Hữu nghị Việt Nam Hoa Kỳ, với sự góp mặt của những người mẫu từ cả hai nước cũng sẽ là một trong những điểm nhấn nổi bật. Bên cạnh đó, tại sự kiện sẽ có các quầy thông tin từ đại diện Đại sứ quán, một số trường đại học và doanh nghiệp Mỹ.

Có thể nói đây sẽ là một trải nghiệm xuyên suốt và hai chiều về văn hóa Việt – Mỹ.

Những mục tiêu, kỳ vọng của ban tổ chức với sự kiện này?

Văn hóa Việt Nam và Mỹ rất khác nhau, người dân cũng có những cách phong phú để chia sẻ văn hóa. Trong khi văn hóa Mỹ rất chú trọng đến thể thao và các hoạt động sôi nổi, văn hóa Việt Nam lại chú trọng đến nhiều loại hình nghệ thuật khác. Một cơ hội để giao thoa, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của nhau sẽ rất thú vị. 

“Tôi hay bị lạc ở Hà Nội nhưng… điều đấy thật tuyệt”

Với vai trò của mình, chắc hẳn chị đã có nhiều cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Nét văn hóa nào của Việt Nam và tính cách nào của người Việt để lại ấn tượng sâu sắc với chị?

Tôi ấn tượng với cách người Việt Nam tự hào về nền văn hóa của mình. Cho đến nay, sau khi sống ở khoảng 5-6 quốc gia khác nhau trên thế giới, tôi nhận thấy không phải quốc gia nào cũng tự hào về nền văn hóa của mình như Việt Nam.

Họ thực sự rất tự hào về di sản, ẩm thực, ngôn ngữ, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tôi thực sự ngưỡng mộ cách văn hóa được ưu tiên ở đây và mong muốn lan tỏa văn hóa từ người dân Việt Nam tới với thế giới.

Sống ở Việt Nam đã 2 năm, lúc đầu, tôi từng cảm thấy người Việt Nam khá là nghiêm túc và hòa nhã. Nhưng càng tiếp xúc và hiểu thêm, tôi còn cảm nhận được sự ấm áp, hòa đồng, vui vẻ lạc quan. Tôi thích cách Việt Nam khiến mọi người cảm thấy được chào đón, mang mọi người lại gần nhau, lan tỏa năng lượng tích cực và niềm vui. Thật thú vị khi được khám phá điều đó, ở góc độ cá nhân tôi.

Làm việc và sinh sống ở Thủ đô Hà Nội đối với chị là trải nghiệm như thế nào?

Hà Nội thật tuyệt vời. Tôi nghĩ mọi người không thể hiểu Hà Nội tuyệt vời đến mức nào đâu. Tôi vẫn thường kể cho bạn bè và người thân ở Mỹ về thành phố này, thúc giục họ hãy đến đây thăm thú.

Hà Nội là sự kết hợp rất thú vị giữa cái cũ và cái mới. Thành phố này không chỉ có diện mạo của một đô thị lớn mà còn rất độc đáo. Tôi sống ở gần khu Phố Cổ và vẫn thường xuyên bị lạc ở đó. Nhưng chẳng phải điều thú vị là bạn sống ở một thành phố và dành rất nhiều thời gian ở đó mà vẫn bị lạc sao? Bạn lúc nào cũng có lý do để khám phá. Hà Nội luôn có những điều mới mẻ: một con phố đi bộ mới, một lễ hội, một triển lãm, một buổi hòa nhạc hay một sự kiện nào đó...Thật là một thành phố sống động!

Đối với tôi Hà Nội pha nét hiện đại lẫn cổ kính, có rất ít nơi trên thế giới được như vậy. 

Xin cảm ơn chị!

                                                                                                           (theo kinhtedothi.vn)