BẠN BÈ BỐN PHƯƠNG

Tết Nguyên Tiêu ở các quốc gia Châu Á
Ngày đăng 02/03/2022 | 3:03 PM  | View count: 931

HAUFO - Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là ngày Rằm tháng Giêng) là một dịp lễ quan trọng ở các quốc gia châu Á. Đây là ngày trăng trong đầu tiên trong năm, mang ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Ở Việt Nam, ông bà ta quan niệm, “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Ngày lễ bắt nguồn từ Trung Quốc

Nhiều tài liệu cho rằng, Tết Nguyên tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở quốc gia có lịch sử lâu đời này, đây được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm, còn có tên là “Hội Hoa đăng”. Rằm tháng Giêng, khắp nơi được trang trí bởi những đèn lồng đỏ với nhiều hình thù và chất liệu khác nhau. Các hoạt động thường diễn ra trong ngày là: đố đèn, thả hoa đăng, ngâm thơ,... Những tập tục này được lưu truyền từ thời Hán Vũ Đế (156 TCN - 87 TCN), khi nhà vua mời các Trạng Nguyên (người đứng đầu các kỳ thi thời xưa) vào cung để ngắm hoa, dự tiệc, thử tài làm thơ.

 

Tại Đài Loan, người dân còn có phong tục thả đèn trời để cầu bình an. Họ còn coi đây là “ngày lễ Tình nhân của phương Đông”.

 

Lễ hội thả đèn trời

 

Một số món ăn mà người Trung Quốc hay thưởng thức dịp Nguyên tiêu gồm có: Bánh trôi nước (đồng âm với từ “đoàn viên” trong tiếng Trung), há cảo,...

 

Bánh trôi nước

 

Lễ cầu vụ mùa bội thu ở Đông Á

Ở hai quốc gia Đông Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, Tết Nguyên tiêu là dịp đầu năm để người dân cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu. Nhật Bản gọi Tết Nguyên tiêu là lễ 小 正月 (tiếng Hán: “Tiểu Chính Nguyệt”, tiếng Nhật: Koshōgatsu), người Hàn gọi là Daeboreum.

 

Trong ngày này, người dân của hai quốc gia sẽ thực hiện một số nghi thức, nhảy múa để xua đuổi tà ma và cầu nguyện cho những điều may mắn trong năm mới, đặc biệt là công việc đồng áng được thuận lợi. Người Nhật thường ăn đậu đỏ, người Hàn Quốc cũng ăn các thực phẩm tương tự như các loại hạt, cơm ngũ cốc và rượu gạo.

 

“Lễ hội Lửa” xua đuổi ma quỷ, côn trùng tại Nhật Bản

 

Ngày lễ Phật đầu năm ở Việt Nam

Ở một số quốc gia có tôn giáo phổ biến là Phật giáo như Ấn Độ, Thái Lan,... và Việt Nam; Nguyên tiêu là dịp các gia đình cùng nhau đi lễ chùa để cầu những điều bình an trong năm mới. Tương truyền, Phật tử cho rằng đây là ngày Phật giáng lâm tại các chùa, họ tập trung rất đông để nghe thuyết giảng và cúng dường.

 

Mâm cơm cúng Tết Nguyên tiêu của người Việt

 

Người Việt Nam còn bày một mâm cơm cúng lễ tại nhà. Sau Nguyên tiêu, các gia đình mới tháo xuống những đồ trang trí Tết. Ở quận 5, TP.HCM, cư dân hầu hết là người gốc Hoa nên họ tổ chức Nguyên tiêu theo phong tục truyền thống. Các hoạt động lễ hội gồm có: diễu hành, múa lân, đố chữ, thư pháp,... đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020.

 

Diễu hành mừng Tết Nguyên tiêu ở Quận 5 (TP.HCM)

 

Có thể nói, tuy có những phong tục, cách tổ chức Tết Nguyên tiêu khác nhau, nhưng người dân các quốc gia Châu Á đều mong muốn có một cuộc sống bình an, thịnh vượng trong năm mới.

 

Nguyễn Hương Giang

(Tổng hợp)