BẠN BÈ BỐN PHƯƠNG

Adrianus Spijkers - một trái tim dành trọn cho Việt Nam
Ngày đăng 24/06/2020 | 10:29 AM  | View count: 1017

HAUFO - Trải qua hơn 45 năm kể từ khi Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973), hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam - Hà Lan hiện được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả. Điều đó có tác động tích cực đến người dân của hai nước, tạo nên những nối cơ duyên thật sâu đậm.

Nỗ lực vì Việt Nam

Ở thời điểm đó, cuộc chiến tranh phi nhân đạo tại Việt Nam đã dấy lên phong trào phản kháng trên khắp thế giới, trong đó có Hà Lan. Đó là thời kỳ của những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Ở Hà Lan, rất nhiều người đóng góp ủng hộ để thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Năm 1973, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) có 67.000 nhà tài trợ với số tiền ủng hộ lên đến 4 triệu euro. Ban đầu, việc hỗ trợ cho Việt Nam chỉ được thực hiện dưới hình thức cung cấp thuốc men và dụng cụ y tế. Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, việc cứu trợ khẩn cấp được triển khai thêm một vài năm nữa. Khi đó, công chúng Hà Lan tổ chức rất nhiều phong trào khác nhau để ủng hộ Việt Nam, chẳng hạn phong trào ‘Các nhạc sỹ ủng hộ Việt Nam’, phong trào ‘Máy khâu cho Việt Nam’, v.v… Khoảng giữa thập kỷ 70, MCNV đã phát triển thành một tổ chức lớn mạnh với 2 nhân viên được trả lương, 40 tình nguyện viên làm việc tại Văn phòng ở Amsterdam cùng 600 tình nguyện khác trên cả nước.

Adrianus (Ad) Spijkers là một điển hình về tình cảm ông dành cho dải đất hình chữ S. Ad Spijlkers từng làm việc cho tổ chức nông nghiệp và lương thực của Liên hợp quốc FAO ở nhiều nước châu Á và châu Phi, trong đó có Việt Nam. Cuối những năm 1960 và những năm 1970, ông phát động nhiều phong trào hoạt động ủng hộ Việt nam và chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tại Hà Lan. Sau chiến tranh, ông tích cực tham gia vào việc tổ chức và thành lập những dự án hợp tác Hà Lan-Việt Nam.

Trước khi trở thành cán bộ Liên hợp quốc ở Việt Nam Ad Spijlkers đã công tác trong MCNV. Ông tham gia chương trình tài trợ "Xe đạp cho Việt Nam". Hà Lan đã chuyển sang Việt Nam 100 xe đạp tự phát điện trang bị sẵn đèn phẫu thuật và một bộ dụng cụ y tế; 2.000 phụ nữ Hà Lan tự tay đan áo gửi sang cho trẻ em Việt Nam cùng với thuốc men, máy khâu. 

Sau này, ông còn tham gia các hoạt động gây quỹ để mua thuốc kháng sinh, sữa bột, thuyền và dụng cụ y tế để ủng hộ người Việt Nam. Ông nói: "Khi tôi sang Việt Nam những năm 1970, người dân không đủ ăn. Gạo là nhu cầu số 1, ngoài ra Việt Nam cần đủ thứ: hạt giống, thủy lợi, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật. Thời kỳ sau, chúng tôi bắt đầu đưa thêm cà phê từ Kenya sang. Chúng tôi cũng đưa chuyên gia hạt điều từ Ấn Độ sang".

Dấu ấn tuổi trẻ của Ad Spijkers

Quảng Trị là một trong những nơi ghi dấu ấn tuổi trẻ của Ad Spijkers. Ông là một thành viên tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị, vận động cho công trình xây dựng Bệnh viện Hà Lan tại Quảng Trị.

Ad Spijkers (thứ nhất từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè Việt Nam trên cầu Hiền Lương. Ảnh: báo Quảng Trị

Sự kiện MCNV ra đời năm 1968 chính tại Quảng Trị này và trở thành biểu tượng cho mối quan hệ nhân dân giữa hai nước. MCNV quyết định hỗ trợ Việt Nam xây dựng một bệnh viện lắp ghép hoàn chỉnh với các chuyên khoa được trang bị đầy đủ. “Tôi đã dành hai năm để tham gia chuẩn bị, vận động cho chương trình xây dựng bệnh viện lắp ghép. Bệnh viện được xây dựng tại Đông Hà, Quảng Trị, nơi đã bị phá hủy hoàn toàn bởi bom đạn. Tôi nghĩ Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có sự lựa chọn đúng đắn. Một điều ấn tượng đối với tôi là trong những ngày đầu tiên đi vào hoạt động, một cặp song sinh đã chào đời tại bệnh viện này và được đặt tên là Hà Lan, Lan Hà”, ông Ad Spijkers chia sẻ.

Cũng trong những năm tháng đạn lửa ấy, nhà làm phim Hà Lan Joris Ivens, một người con của Nijmegen, đã tới Việt Nam, tận mắt chứng kiến và sản xuất nhiều bộ phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam, giúp thế giới thấy được cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam và tinh thần anh dũng vì hòa bình, độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Nổi bật trong đó là 4 cuốn phim có giá trị cao đối với quốc tế, gồm "Bầu trời và Mặt đất" (sản xuất năm 1965); "Xa Việt Nam"(1967), "Vĩ tuyến 17" (sản xuất năm 1966) và "Cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh" (1970).

Theo ông Spijkers, sau chiến tranh, các trường đại học của TP Nijmegen tiếp tục cấp rất nhiều học bổng đào tạo cho Việt Nam. Từ năm 1978-1980, hàng trăm nhà khoa học, kỹ sư trong các lĩnh vực y tế, dược và kỹ thuật, nông nghiệp, thủy lợi đã đến Hà Lan học tập thông qua các dự án của các trường đại học.

Tấm áp phích quảng cáo trong dự án "Xe đạp cho Việt Nam" tại Hà Lan. Ảnh; báo Quảng Trị

Ông bày tỏ tự hào khi thấy hoạt động đoàn kết giữa nhân dân hai nước trước đây đã tạo nền móng vững chắc cho những năm tiếp theo để phát triển hơn nữa sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam và giữa Việt Nam với thành phố Nijmegen ngày nay.

Nhờ có những trái những tim nhiệt huyết như Ad Spijkers, quan hệ ngoại giao nhân dân vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp và thực sự là cầu nối cho quan hệ hai nước, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Hà Lan đang là một hình thức hợp tác hiệu quả và thiết thực nhằm củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước hôm nay và mai sau.

 

Nam Anh (tổng hợp)