BẠN BÈ BỐN PHƯƠNG

Tết Hà Nội – ấm lòng những người bạn phương xa
Ngày đăng 04/11/2018 | 10:26 PM  | View count: 281

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

 

Với phong tục độc đáo của Tết cổ truyền Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người nước ngoài đã đến thăm và sinh sống tại Hà Nội. Tết trong cảm nhận của họ còn là khoảng thời gian tuyệt vời nhất vì đường phố sạch sẽ và vắng bóng người. Đặc trưng điển hình nhất của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng. Các phong tục ngày Tết cũng xuất phát chính từ những đặc trưng này. Từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo về Trời), người dân nô nức đi chợ Tết. Khắp các nẻo đường, hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc chào đón Xuân về.

Đối với nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội, Tết Việt cũng là dịp trải nghiệm mang đến cho họ những cảm xúc thật thú vị.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, trong không khí xuân ngập tràn khắp phố phường Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ Khammay Sengthavisouk, lưu học sinh Lào đang học tập tại Hà Nội, anh chia sẻ, cảm nhận về Tết ở Việt Nam mang ý nghĩa sum vầy, đằm thắm, còn Tết ở Lào thì vui nhộn, sôi động. Anh cho biết, Tết Lào diễn ra sau Tết Nguyên đán của Việt Nam khoảng 4 tháng với những phong tục như: Té nước, xây tháp cát, phóng sinh, buộc chỉ cổ tay… Điểm chung của những dịp này là mỗi gia đình, mỗi người đều cầu mong năm mới với những điều tốt lành và thành công hơn năm cũ. “Mình ăn Tết Nguyên đán ở Hà Nội được 3 lần, nhưng mỗi năm mình đều có một cảm xúc khác nhau, bởi vì có năm đón Tết tại trường đại học, có năm ăn Tết tại Đại sứ quán Lào. Năm đầu sang Việt Nam, mình được thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết như mứt, bánh chưng, thịt đông, dưa hành… Mình rất thích thú với điều này. Đặc biệt dịp Tết của Việt Nam rất thú vị là mình được nhận tiền mừng tuổi. Mình nhớ nhất là lần ở lại ăn Tết cùng các bạn tại trường rồi mọi người rủ nhau đi chùa lễ Phật, thắp hương… Mình mong chờ những điều thú vị và bất ngờ sẽ đến khi ở Hà Nội ăn Tết năm nay” – Khammay Sengthavisouk bày tỏ.

Đối với chị Shafinskaya Natalia, Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội: “Mỗi dịp Tết đến tôi thường chuẩn bị các món ăn Việt Nam và cả các món ăn Nga. Trong số các món ăn ngày Tết, tôi rất thích bánh chưng, xôi, thịt đông, mứt, thịt bò khô… Tết ở Việt Nam và ở Nga thì không thể so sánh vì nền văn hóa của hai đất nước khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung là mọi người đều chuẩn bị quà cho nhau và đón năm mới cùng gia đình. Tôi rất thích đón Tết ở Hà Nội vì tôi đã ở Việt Nam lâu và coi trọng văn hóa Việt Nam. Tôi rất thích không khí trước Tết ở Hà Nội, thích sự tất bật mua sắm của người dân nơi đây. Mọi người thường sắm đào, quất cho gia đình. Ngày Tết cũng là dịp để mọi người về quê thăm họ hàng, chúc nhau những điều tốt đẹp”.

Với anh Oleg Ischenko, một doanh nhân sống ở Hà Nội, 8 năm gắn liền với 8 lần được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Mọi thứ đều đọng lại là những ấn tượng sâu sắc về văn hóa và con người Việt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Oleg Ischenko cho biết: “Tôi rất ấn tượng với không khí chuẩn bị Tết của người dân Hà Nội. Đầu tiên, tôi có thể nhận thấy không khí Tết ở khắp các con phố. Mọi thứ được trang hoàng rất đẹp. Điều thứ hai là sự đoàn tụ của mỗi gia đình trong dịp Tết, tất cả mọi người đều háo hức trở về nhà trong những ngày này. Điều thứ ba tôi thấy rất ấn tượng đó là tục xông nhà của người Việt. Vào ngày đầu năm mới các bạn thường chọn người tới xông đất để có một năm tràn đầy may mắn và thịnh vượng. Điều này thực sự rất thú vị đối với tôi, vì ở Châu Âu chúng tôi không có những phong tục như vậy. Tất cả đất trời và con người đều hối hả cho một năm mới, một mùa xuân mới với những mong ước tốt đẹp. Trong những dịp tết ở lại Hà Nội, tôi thường đi vào khu phố cổ, xem các ông đồ viết thư pháp ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dạo quanh hồ Hoàn Kiếm hay là uống cà phê cùng bạn bè hưởng không khí xuân mới. Cảm giác đó thật tuyệt vời làm ấm lòng những người nước ngoài như tôi và có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian tôi làm việc tại Hà Nội”.

Sống và làm việc tại Việt Nam đã 5 năm, cũng là 5 năm thầy giáo Christopher Jeffery – giảng viên quốc tịch Anh với mái tóc bạch kim đón Tết tại đất nước này. Chia sẻ với chúng tôi về những cảm xúc khi đón Tết Việt, ông nói: “Tôi đã có 5 năm làm việc tại Việt Nam, khi mới sang, tôi không có ý định sẽ đón Tết ở đây cho đến khi có một người bạn nói với tôi rằng: nếu ở Việt Nam mà chưa từng ăn Tết ở Hà Nội thì thật lãng phí và thật tiếc. Tôi quyết định ở lại và thực sự năm đó tôi đã có một cái Tết thật ấm áp và thú vị. Kỳ lạ lắm, tôi nhớ có những lần vào thời điểm gần Tết, sương mù bao phủ bầu trời Hà Nội giống như ở London. Khi ấy tôi nhớ nhà đến nao lòng, nhưng may mắn của tôi là được gần gũi với các bạn sinh viên trẻ và vui tính tại British University Vietnam (BUV) nên không còn thời gian nào cho sự buồn bã. Tết của người Việt cũng giống như lễ Noel bên Anh. Noel là kì nghỉ, Tết cũng là một kì nghỉ nhưng đó là một kì nghỉ có ý nghĩa nhất trong năm để người thân trong gia đình đoàn tụ. Đến Tết mọi người từ các địa phương khác đều trở về nhà, trả lại sự bình yên cho Hà Nội. Tôi liên tưởng về một Hà Nội ngày xưa như trong những tấm ảnh chụp từ thời Đông Dương. Hà Nội cổ kính và trầm mặc. Tôi cảm nhận cái đẹp của Hà Nội từ những mái nhà cổ rêu phong trên phố Hàng Cân, góc phố Hàng Buồm trong mưa bụi bay lất phất. Ngày Tết mới đúng là Hà Nội của những ngày xưa. Còn những ngày bình thường, vẫn là Hà Nội nhưng trong diện mạo của một thủ đô năng động, trẻ trung, ồn ã. Nhân dịp Tết Đinh Dậu sắp đến, tôi xin gửi đến các bạn lời chúc truyền thống của chính các bạn: “Chúc mừng năm mới! Vạn sự như ý!”.

Dù cuộc sống hiện đại có phát triển mạnh mẽ đến thế nào, thì những nét văn hóa cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc trong dịp Tết Nguyên Đán vẫn còn nguyên những giá trị truyền thống… Đó cũng chính là sự hấp dẫn đối với khách quốc tế khi tới Hà Nội, Việt Nam. Và qua mỗi dịp trải nghiệm Tết Hà thành là một kỷ niệm không thể nào quên đối với mỗi người nước ngoài đã và đang sống tại Hà Nội.